Tại nhiều trường, các khoản đóng góp tự nguyện của phụ huynh có khi lên đến hàng trăm triệu đồng.
Việc sử dụng số tiền đóng góp này cũng không được công khai, minh bạch khiến nhiều phụ huynh bức xúc.
Tự nguyện hay bắt buộc?
Theo phản ánh của một số phụ huynh Trường tiểu học Phan Phu Tiên (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) thì từ năm học 2015-2018 thì ngoài số tiền 100.000 đồng/năm/học sinh tiền quỹ hội phụ huynh thì mỗi lớp còn phải nộp cho nhà trường số tiền 700.000 đồng/lớp/năm.
Phụ huynh tố cáo trường Phan Phu Tiên có nhiều khuất tất trong các khoản thu chi tài chính. Ảnh: AN |
Nhà trường có 30 lớp thì số tiền thu về trong ba năm học lên đến gần 70 triệu đồng.
“Chúng tôi đã nhiều lần phản đối việc nộp tiền này trong hội nghị cha mẹ học sinh. Bởi khi con em chúng tôi đi thi học sinh giỏi các cấp thì nhà trường tổ chức họp và vận động thu trong phụ huynh. Tất cả các tiền đó đi đâu, về đâu?”, phụ huynh bức xúc.
Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ bức xúc trước nhiều khoản chi không rõ ràng của nhà trường như: tiền ủng hộ mua bảo hiểm y tế cho học sinh nghèo, các khoản tài trợ của các mạnh thường quân...
Lạm thu, phải xử lý hiệu trưởng, đâu chỉ trả lại tiền là xong |
Quá trình thu chi không có hóa đơn, không được công khai minh bạch khiến phụ huynh đặt ra nhiều nghi vấn có sự bất thường.
Theo lý giải của ông Nguyễn Hỷ - Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Phu Tiên thì việc thu 100.000 đồng/học sinh/năm học đã được đưa vào Nghị quyết của Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh.
Còn phụ huynh vận động được nguồn nào đó là việc của họ, nhà trường không giữ cũng không quản lý.
Riêng về khoản đóng góp 700.000 đồng/lớp/năm mà phụ huynh phản ánh thì ông Hỷ cho rằng, đây là do Ban cha mẹ học sinh vận động đóng góp.
Đối với số tiền gần 70 triệu đồng vận động đóng góp từ phụ huynh trong 3 năm, ông Hỷ nói Hội cha mẹ học sinh dùng để hỗ trợ nhà trường khi có hoạt động gì đó (!?).
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đàm Quang Hưng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Liên Chiểu cho biết, sau khi nhận được phản ánh, tố cáo của phụ huynh đã cử đoàn kiểm tra đến làm việc.
Trong đó có việc thanh tra các khoản thu phí, quỹ hội phụ huynh của nhà trường. Riêng đối với khoản thu 700.000 đồng/lớp/năm, quận yêu cầu không được thu nữa.
"Hiện cơ quan Thanh tra của quận đang tiếp tục làm rõ và sẽ công bố trong thời gian đến", ông Hưng nói.
Nhà trường phải hoàn trả lại tiền
Tương tự, tại Trường tiểu học Trần Quốc Toản (Huế) thì ngay từ đầu năm học, các phụ huynh đã được vận động đóng góp để lắp đặt các camera, máy vi tính ở phòng tin học với kinh phí dự trù lên đến 340 triệu đồng.
Phụ huynh Trường Sơn Đồng đưa bằng chứng quỹ phụ huynh bị trường ...vặt trụi |
Sau khi Hội phụ huynh đứng ra kêu gọi thì nhiều phụ huynh đã có phản ứng. Họ cho rằng số tiền mà họ phải “tự nguyện đóng góp” quá lớn và vô lý.
Bởi đó là các khoản đầu tư cơ sở vật chất của nhà trường đã được tính toán vào học phí và sự hỗ trợ của nhà nước.
Nhà trường không thể “vắt sức” từ phụ huynh. Trước những phản ứng của phụ huynh, Trường tiểu học Trần Quốc Toản đã buộc phải trả lại hơn 100 triệu đồng đã thu.
Năm học 2018-2019, Hội phụ huynh Trường tiểu học An Cựu (Huế) cũng đứng ra vận động, “thu tiền đóng góp tự nguyện” của phụ huynh lớp 1 để đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường ngay từ đầu năm học mới.
Trong đó, mức đóng chủ yếu từ 1-3 triệu đồng/phụ huynh và thấp nhất cũng 500.000 đồng/người.
Sau khi thu được hơn 67 triệu đồng tiền “đóng góp tự nguyện” của phụ huynh, nhà trường đã tiến hành trồng cỏ nhân tạo, lắp đặt lan can, cột cờ inox, nhà xe…
Mới đây, Phòng giáo dục và Đào tạo thành phố Huế cũng đã yêu cầu Trường tiểu học Quang Trung hoàn trả số tiền hơn 300 triệu đồng cho phụ huynh.
Đây là số tiền mà phụ huynh có con em học trái tuyến phải “tự nguyện đóng góp” theo hình thức xã hội hóa.
Theo đó, mức đóng từ 1 triệu đến 5 triệu đồng/người. Sau khi vận động từ phụ huynh học sinh, nhà trường đã thu về được 309 triệu đồng.
(Còn tiếp)