LTS: Chỉ ra những bất cập trong Công văn số 3245/GDĐT-TrH của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, thầy giáo Phan Nguyễn phản ánh những bức xúc của các giáo viên trong bài viết sau.
Toà soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.
Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có Công văn số 3245/GDĐT-TrH hướng dẫn về việc thực hiện chương trình “Tiết học ngoài nhà trường” năm học 2018 – 2019 [1].
Điều đáng nói là, công văn này đã gây bức xúc cho Thủ trưởng đơn vị lẫn giáo viên bộ môn ở các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông vì sự ép buộc khiên cưỡng và trái với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông.
Một hoạt động ngoại khoá của học sinh. Ảnh: moet.gov.vn |
Công văn không đúng thẩm quyền
Theo đó, công văn gửi Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện; Hiệu trưởng các trường Trung học phổ thông bao gồm 3 nội dung:
Chương trình “Tiết học ngoài nhà trường” tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn:
Chương trình triển khai thí điểm hành trình đến với bảo tàng cho các đơn vị tham gia chương trình tại nơi này.
Chương trình học trải nghiệm và ngoại khóa tại khu Sinh thái Về Quê – Củ Chi:
Triển khai cho bộ môn Sinh học 6, 7, 9, Công nghệ 7 đối với bậc Trung học cơ sở và Công nghệ 10, Sinh học 10, 11, 12, Nghề nông nghiệp đối với bậc Trung học phổ thông.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ học tập, học sinh sẽ tham gia trải nghiệm các chương trình: cấy lúa bậc thang, thu hoạch nông sản, các chương trình rèn luyện kỹ năng đáp ứng được phát triển kỹ năng, năng lực của học sinh.
Chương trình học tập trải nghiệm “Nông nghiệp 4.0” tại khu Nông nghiệp công nghệ cao Củ Chi:
Học sinh sẽ được trải nghiệm, nghiên cứu về Công nghệ nuôi cấy mô thực vật; Công nghệ Nông nghiệp tự động; Kỹ thuật trồng nông sản trên các giá thể khác nhau để đạt năng suất cao,…
Ở trường phổ thông, nhiều đầu sách đang được bán qua đường nội bộ |
Mới nhìn qua, chỉ đạo này rất đúng đắn vì tiết học ngoài nhà trường có nhiều điều mới lạ, hấp dẫn, gắn hoạt động học đi đôi với hành rất phù hợp với tình hình chung của học sinh Thành phố.
Thế nhưng, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh lại lưu ý 2 nội dung mang tính áp đặt và trái với quy định hiện hành:
“Tài liệu được sử dụng trong chương trình phải được thẩm định của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Mọi vấn đề thay đổi và sử dụng tài liệu trong chương trình tiết học ngoài nhà trường đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh phải được sự thống nhất giữa các bên.”
“Các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và các đơn vị lữ hành muốn thực hiện riêng các chương trình tiết học ngoài nhà trường, các hoạt động trải nghiệm có nội dung liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và có xây dựng phương án kiểm tra đánh giá phải gửi toàn bộ chương trình, kế hoạch thực hiện, nội dung hoạt động và lực lượng tham gia và bài kiểm tra đánh giá về phòng Trung học trước 30 ngày làm việc.”
Cả 2 nội dung trên phạm phải sai trái như thế nào?
Thứ nhất, chức năng tổ chức các hoạt động giáo dục là của nhà trường trường; còn Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân Thành phố/Tỉnh quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, nội dung này trái với Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT:
“Học sinh là chủ thể của hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.
Vì vậy, các em có quyền và cần được tham gia vào mọi khâu của quá trình hoạt động: từ khâu chuẩn bị đến tiến hành hoạt động và đánh giá kết quả hoạt động.
Giáo viên là người cố vấn, giúp đỡ, định hướng học sinh hoạt động có hiệu quả” và “Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp đòi hỏi phải có sự phối hợp tham gia của các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường, trong đó nhà trường giữ vai trò chủ đạo” [2].
Như vậy, hoạt động ngoài giờ lên lớp là quyền của học sinh, giáo viên và nhà trường chứ không phải là quyền của Sở Giáo dục và Đào tạo “chỉ tay năm ngón”.
Giáo viên nói gì về công văn này?
Có độc quyền trong xuất bản sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục |
Cô Linh, giáo viên giảng dạy ở Quận 3, cho rằng công văn này chỉ đúng ý đồ của vài cá nhân.
Vì cách làm này rõ ràng đi ngược với tinh thần khuyến khích tự chủ mà Luật Giáo dục đang hướng đến.
“Nói thẳng, Sở Giáo dục và Đào tạo không giảng dạy trực tiếp thì không đủ năng lực thẩm định chương trình.
Nếu muốn thẩm định thì phải thành lập hội đồng độc lập với Sở”, cô Linh thẳng thắn bày tỏ.
Cô Nga (đề nghị không nêu rõ đơn vị công tác) nêu quan điểm:
“Đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo hãy gửi dự án tổ chức các tiết học ngoài giờ lên lớp cho nhà trường xem xét trước.
Nếu thấy tiết học nào hay, mới lạ và thích hợp thì trường đó sẽ làm theo.
Nếu muốn kiểm tra các trường thực hiện các tiết học này tốt hay không thì Sở Giáo dục và Đào tạo phải cử cán bộ đi dự giờ.
Sau đó, cán bộ phải đánh giá tại chỗ cùng với ý kiến đóng góp của Ban giám hiệu, giáo viên và học sinh trường sở tại để cùng nhau tranh luận, đánh giá khách quan nhằm làm cho tiết học ngoài nhà trường không xa rời thực tế”.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng 450 trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông với bảy khối lớp từ 6-12.
Mỗi năm sẽ có hàng ngàn hoạt động tiết học ngoài nhà trường thì Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ quản lí, giám sát như thế nào?
Cho nên, việc quyết định thay đổi cách tổ chức tiết học chỉ bằng một thông báo mà thiếu tính thực tiễn và không căn cứ trên bất kỳ cơ sở pháp lý nào của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì vừa sai luật vừa quan liêu, phi thực tế.
Hay Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có vấn đề gì khuất tất ở đây, khiến lãnh đạo đơn vị trường học cũng như giáo viên bức xúc, nghi ngại?
Tài liệu tham khảo:
[1] http://edu.hochiminhcity.gov.vn/huong-dan/huong-dan-thuc-hien-chuong-trinh-tiet-hoc-ngoai-nha-truong-nam-hoc-2018-2019-vbctmobile41303-60813.aspx
[2] http://hcm.edu.vn/chuyen-mon/quyet-dinh-162006qd-bgddt-ngay-0552006-ban-hanh-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-c41457-53910.aspx