LTS: Câu chuyện về việc mua bán, sử dụng sách trong nhà trường hiện nay đang được rất nhiều người quan tâm.
Trong bài viết này, thầy giáo Nhật Duy phản ánh thực tế một số loại sách được nhà trường tiêu thụ qua con đường nội bộ.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Mỗi môn học ở trường phổ thông hiện nay có vô vàn sách bổ trợ khác nhau nên cả thầy và trò tha hồ mà lựa chọn những cuốn sách ưng ý nhất cho mình.
Đây là nguồn sách tham khảo cho giáo viên và học sinh, giúp cho việc dạy và học dễ dàng hơn nhưng đồng thời nó cũng làm cho sức ỳ ngày càng lớn hơn.
Bởi một khi cả thầy và trò có quá nhiều sách hướng dẫn, gợi ý sẽ dẫn đến sự lệ thuộc và giảm đi sự đầu tư và sáng tạo.
Chưa bao giờ, sách tham khảo lại nhiều như bây giờ, nhiều đầu sách không bán được ở ngoài nhà sách thì các công ty, nhà sách tìm cách tiếp cận nhà trường bằng nhiều hướng khác nhau.
Có thể là giới thiệu qua email, cũng có thể tạo mối quan hệ tốt với lãnh đạo để nguồn sách tham khảo có thể vào được thư viện nhà trường.
Câu chuyện về việc mua bán, sử dụng sách trong nhà trường hiện nay đang được rất nhiều người quan tâm. Ảnh minh hoạ: Anninhthudo.vn |
Đối với một bộ phận học sinh ngày nay, việc học, làm bài tập có vẻ nhàn hơn rất nhiều.
Các em không chỉ được cha mẹ mua sách giáo khoa và sách bài tập đầy đủ mà còn nhiều sách tham khảo như sách giải bài tập, chuẩn kiến thức môn học, sách hỏi và đáp bài học, sách giải đề thi, sách Văn mẫu, bài tập mẫu, sách mở rộng, nâng cao…
Mỗi khi thầy cô yêu cầu chuẩn bị bài để kiểm tra thì học sinh đã có “bùa hộ mệnh” cho mình. Vì thế, việc kiểm tra bây giờ cũng có rất ít em bị điểm thấp.
Sách dành cho giáo viên cũng nhiều vô kể. Ngoài sách giáo khoa ra thì có sách giáo viên, sách thiết kế bài học, sách tích hợp, sách trải nghiệm, sách chuẩn kiến thức kỹ năng, phương pháp dạy…
Mỗi năm học, giáo viên phải tập huấn chuyên môn một vài lần và mỗi lần tập huấn lại có thêm sách mới.
Bộ đã thực hiện khá nhuần nhuyễn giữa việc tập huấn và bán sách cho nhà trường, giáo viên và học sinh.
Đầu tiên là giáo viên được triệu tập tập huấn và dĩ nhiên sẽ có tài liệu mới.
Tài liệu này có thể Sở, Phòng tài trợ, cũng có thể giáo viên phải bỏ tiền mua.
Tập huấn xong là đến khâu tiếp thị sách về nhà trường
Chúng tôi tin rằng, nếu không bán qua đường nội bộ của ngành giáo dục thì sẽ có nhiều đầu sách, bộ sách sẽ rất khó bán cho phụ huynh và nhà trường ở các cửa hàng sách.
Nhưng, không hiểu bằng lý do gì (?) mà các Sở, Phòng Giáo dục lại thường giới thiệu các loại sách bài tập, sách tham khảo đến các nhà trường.
Thậm chí, có những môn học được giới thiệu sách mới. Dĩ nhiên, mỗi khi giới thiệu đến nhà trường thì những quyển sách đó bao giờ cũng được nhấn mạnh về vai trò, tầm quan trọng của sách để các trường chịu mua.
Thậm chí, hàng năm Sở, Phòng còn mua sách tham khảo để cấp về cho nhà trường…
Ở thư viện trường chúng tôi có nhiều thùng sách đã chuyển về từ cuối năm học trước nhưng hiện nay vẫn được để nguyên vẹn trong thùng, nhân viên thư viện chỉ khui ra kiểm tra rồi nhìn qua nên bụi bám vào sách đen kịt.
Những cuốn sách được nhà trường mua đa phần là sách tham khảo, nâng cao với giá thành mấy chục đồng/ cuốn.
Nhưng, đa phần là những quyển sách đã cũ, thậm chí nhiều cuốn đã viết cách đây khá lâu.
Nội dung một số cuốn sách đã không phù hợp với thực tế giảng dạy bởi ngành giáo dục đã thường xuyên đổi mới nhưng những quyển sách như vậy vẫn được nhà trường mua về.
Những đầu sách được nhà trường mua hiện nay không chỉ là sách giáo khoa mà có rất nhiều loại sách… thanh lý nên giá chiết khấu thường khá cao.
Nhiều đầu sách chiết khấu đến 40% nên khi họ giới thiệu về nhà trường thì vẫn được một số lãnh đạo gật đầu.
Lãnh đạo nhà trường cũng chỉ am hiểu và bám vào chuyên môn được 1 môn học nên họ cũng chỉ mua theo tên sách chứ nội dung, chất lượng thì không thể kiểm soát được.
Giờ đây, nhiều thư viện trong nhà trường tủ sách dùng chung đã mốc meo |
Nhìn từ thực tiễn giáo dục, chúng tôi thấy có nhiều loại sách mà hiện nay thường được bán qua đường nội bộ của ngành giáo dục.
Nhiều khi họ rất cẩn thận để thông tin không lọt ra ngoài.
Cấp trên chỉ gửi về một cái email và yêu cầu nhà trường lập danh sách đăng ký mua.
Ví dụ, sách VNEN thường hướng dẫn vào dịp cuối năm học để nhà trường chuẩn bị và cho đăng ký.
Sách Tin học cấp Trung học cơ sở, sách Mỹ thuật, tiếng Anh (tiểu học) của một số địa phương được hướng dẫn mua vào dịp hè.
Khi chuẩn bị cho thay một loại sách giáo khoa nào mới thì việc đầu tiên là cấp trên họp lãnh đạo nhà trường lại phổ biến và yêu cầu các Ban giám hiệu tạm đăng ký 1/3 số sách trên số lượng học sinh.
Vào tuần tựu trường, giáo viên chủ nhiệm cho học sinh đăng ký ngay từ ngày đầu tiên để nhà trường tập hợp số lượng gửi về Phòng, Phòng gửi về Sở, Sở gửi về Nhà xuất bản.
Quy trình gửi email chỉ tích tắc là đến được nơi cần nhận. Và, chỉ vài ngày sau sách đã đến tay học sinh. Cách làm khép kín này không bao giờ lo ế sách.
Một thực tế mà chúng ta đều biết là các loại sách giáo khoa bán qua đường nội bộ thường có giá rất đắt khi đến tay học sinh.
Bởi, khi đến được tay học sinh thì những cuốn sách đó đã đi qua nhiều nấc trung gian từ trên xuống dưới.
Nhưng, một điều trớ trêu là những đầu sách giáo khoa bán qua đường nội bộ đa phần là sách chỉ dùng được một lần.
Việc hàng năm, các trường đều đầu tư một khoản tiền tương đối lớn để mua sách cũng được hướng dẫn trong chi tiêu tài chính hàng năm.
Vì vậy, các công ty thiết bị trường học họ cũng đều nắm bắt được vấn đề này nên họ thường gửi các đầu sách và báo giá về nhà trường.
Nhiều đầu sách được mua về nhưng không được sử dụng bởi có nhiều đầu sách không có giá trị tham khảo hay giải trí. Phần lớn các loại sách này là sách cũ lâu năm.
Đây thực sự là dấu hỏi lớn dành cho các cán bộ quản lý.
Nhà trường, không chỉ là nơi tiêu thụ nhiều đầu sách mới mà còn đang là nơi tiêu thụ những đầu sách cũ, sách thanh lý của các nhà sách.
Đây thực sự là một cách “bắt tay” có lợi cho một số người nhưng vô tình đang dẫn đến lãng phí và tốn kém cho nhiều phụ huynh và kinh phí của ngân sách nhà nước.