LTS: Trong bài viết này, cô giáo Phan Tuyết đưa ra kiến nghị để Hội thi giáo viên giỏi phát huy được hiệu quả và đánh giá chính xác năng lực của giáo viên.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Câu chuyện thi giáo viên dạy giỏi hằng năm vẫn luôn là đề tài bàn tán trong ngành giáo dục nhiều nhất.
Người nói là hình thức, không chất lượng chỉ hành giáo viên là chính.
Người cho rằng nhà nước lại tốn thêm một khoản tiền lãng phí vô ích và giáo viên phải chịu áp lực ôn tập, luyện thi rồi đi thi.
Đổi lại chất lượng học tập của học sinh không vì thế mà được nâng lên.
Cách nào để nâng cao chất lượng Hội thi giáo viên dạy giỏi? Ảnh minh hoạ: http://baoninhbinh.org.vn |
Công bằng mà nói, những giáo viên dự thi và đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp phần lớn họ là những thầy cô giáo khá vững về chuyên môn nghiệp vụ.
Có những giáo viên dù được hỗ trợ tận tình của đồng nghiệp, của nhà trường về giáo án cũng như tiết dạy.
Thế nhưng thi vẫn không bao giờ đỗ vì năng lực thật sự không có.
Những thầy cô giáo được nhà trường cử tham dự hội thi cũng đã được “chọn mặt gửi vàng”.
Người không được cử đi hoặc đi không bao giờ đỗ thường ngụy biện kiểu AQ "chắc gì đã dạy hơn người khác” hoặc “hên xui, đậu chưa hẳn đã giỏi, rớt chưa hẳn đã ngu”…
Không ít người lên tiếng đề nghị dẹp bỏ Hội thi giáo viên dạy giỏi.
Thế nhưng nếu bỏ phong trào này, ngành giáo dục biết dựa vào đâu để đánh giá về chuyên môn của giáo viên?
Nếu không tổ chức thi cũng chẳng thể khuyến khích được tinh thần tự học hỏi vươn lên của các thầy cô giáo.
Chẳng lẽ cuối năm các trường lại áp dụng kiểu đánh giá "cá mè một lứa" “cá đối bằng đầu” hay sao?
Chưa thể bỏ hội thi nhưng cần đổi với cách tổ chức
Hiện các Hội thi giáo viên dạy giỏi từ cấp trường đến cấp tỉnh, thành phố giáo viên đều phải trải qua 3 vòng thi.
Vòng đầu là sáng kiến kinh nghiệm, vòng 2 là thi năng lực và vòng 3 là thi tiết dạy.
Ai cũng biết sáng kiến kinh nghiệm chỉ mang tính hình thức phần nhiều.
Không ít thầy cô sao chép trên mạng, râu ông nọ cắm cằm bà kia chứ mấy ai thực sự nỗ lực để viết? Ai cũng hiểu, cũng biết.
Thế nên không thể nói lãnh đạo ngành ở các địa phương lại không thể không biết.
Thay vì cứ đi theo lối mòn cũ, các tỉnh thành cần có cách làm mới hơn.
Ví dụ sẽ thay vòng 1 viết sáng kiến kinh nghiệm bằng vòng phỏng vấn trực tiếp.
Nội dung phỏng vấn xoanh quanh chủ đề giáo dục, những điểm mới, cách làm mới, hay đơn giản chỉ là xử lý tình huống, chia sẻ lại những kinh nghiệm đứng lớp mình đã trải qua...
Vòng 2 thi viết thì nên gộp chung với vòng 1. Sau thời gian trả lời vấn đáp, giáo viên có khoảng một tiếng làm một bài thi viết.
Nội dung bài thi về góc nhìn giáo dục, về những giải pháp của chính thầy cô trước vấn đề được nêu ra.
Cuối cùng là phần thực hành bằng những tiết dạy cụ thể trên lớp như hiện nay chúng ta vẫn đang thực hiện.
Đánh giá được năng lực thực chất thì giáo viên luôn ủng hộ
Không ít thầy cô hiện vẫn đang phản đối về việc tổ chức các Hội thi giáo viên dạy giỏi hiện nay.
Họ phản đối chỉ vì cách tổ chức hình thức, rập khuôn gây áp lực về thời gian dẫn đến tinh thần mệt mỏi cho cả thầy và trò.
Hội thi hiện nay còn mang tính may rủi nhiều (có người giỏi đã rớt ngay vòng thi sáng kiến chỉ vì họ không muốn sao chép sản phẩm của người khác.
Viết sáng kiến bằng chính kinh nghiệm của mình dù hiệu quả nhưng lại quá đơn giản).
Nếu tổ chức hội thi gọn nhẹ, tiết kiệm thời gian, tiền bạc mà vẫn đánh giá được thực chất năng lực của người tham gia, thì chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình của rất nhiều người.