LTS: Phản ánh những buổi "dạy diễn" của giáo viên, thầy giáo Sơn Quang Huyến bày tỏ mong muốn sự dối trá trong giáo dục sẽ sớm được loại trừ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Bưởi Diễn, xin lỗi bưởi Diễn, một loại trái ngon, kết tinh từ lòng đất mẹ, trải qua muôn vàn gian khó, nắng, nóng, rét, của thời tiết, mồ hôi của người trồng, đem vị ngon, ngọt đến cho đời.
Dạy diễn, không phải là trái ngon như Bưởi Diễn, nó kết tinh từ đủ thứ xấu xí, đem đến cho đời đỉnh cao của xấu xí, đó là giả dối.
Hạt mầm của dạy diễn, không gieo vào lòng đất, gieo vào tâm hồn con trẻ, mọc lên cây giả dối. Cũng may, trường đời có nhiều dao sắc “dạy thật”, mầm cây dạy diễn vì thế mà lụi tàn bớt.
Vậy đỉnh cao của dạy diễn là tiết học nào?
Một tiết dạy dự giờ. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Giaoducthoidai.vn |
Nhà trường hàng năm, có mùa hội giảng, kế hoạch dạy tiết nào, lớp nào, khi nào, đều do giáo viên chủ động báo cho tổ, tổ tập trung dự giờ, góp ý bài dạy, rút kinh nghiệm.
Tính chất quan trọng của tiết dạy còn ở mức “vạch xuất phát”, nên giáo viên chưa tập trung “diễn”. Vì vậy tiết này “trình độ diễn” còn thấp.
Cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp trường là nền tảng để chọn lựa giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Hai năm dạy giỏi cấp trường liên tục, đủ điều kiện tham gia dạy giỏi cấp huyện.
Tiết dạy, lớp dạy, giáo viên đăng ký thi, chủ động, thông báo cho chuyên môn trường, xếp lịch, bố trí giám khảo.
Tính chất, tầm quan trọng của tiết dạy nâng lên, giáo viên phải tập trung để đạt yêu cầu từ phương pháp, kiến thức, nội dung, để phản ánh “trung thực” năng lực sư phạm của mình, kết quả học tập của trò.
Giáo viên đã “dạy thử” ở các lớp khác cùng khối, rút kinh nghiệm, canh thời gian, giản lược giáo án, đảm bảo nội dung, viết “kịch bản hoàn hảo nhất”, “dựng phim” ở lớp đăng ký, phân vai chi tiết cho “tuồng của mình”, chờ đến giờ “G” là bấm nút.
Tiết này cũng còn diễn bình thường, cấp độ diễn cũng chưa cao, bởi giám khảo cũng mới là “thường thường bậc trung”.
Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh, cải tiến nhiều, thi tập trung, giáo viên không dạy học sinh trường mình, nhận bài dạy quy định trước một tuần bằng cách bắt thăm, một tiết tự chọn do giáo viên tham gia báo cho ban tổ chức, trong các tiết quy định.
Lớp dạy, đã biết trước một tuần, chỉ được gặp mặt học sinh trước ba mươi phút giờ dạy chính thức.
Quy định là vậy, thế nhưng, bằng mối quan hệ với giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn trường sở tại, giáo viên dự thi cũng có thể “gà bài” các nội dung cơ bản. Tiết dạy đã được tập dượt kỹ càng ở trường nơi giáo viên công tác.
Tính diễn của các tiết dạy hội thi cấp huyện, tỉnh đã bớt so với dạy ở trường sở tại khi có dự giờ. Khách quan mà nói, phần lớn các giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi cấp tỉnh, huyện đều đáng mặt “anh tài”, nhưng cũng không phải không có “tuồng” trong đó.
Hàng năm, các địa phương đều có “chuyên đề giáo dục”, năm thì chuyên đề của cấp bộ triển khai, tỉnh triển khai, bộ môn huyện triển khai.
Để chuyên đề thành công tốt đẹp, tiết dạy chuyên đề phải thành công, giới thiệu đến giáo viên “chuẩn mực sư phạm” của tiết dạy, của chuyên đề, “đưa chuyên đề vào cuộc sống”!
Giáo viên dạy chuyên đề, có thể là giáo viên cốt cán trong tổ bộ môn, hoặc giáo viên có nhiều thành tích qua các hội thi.
Giáo án chuyên đề được thẩm định kỹ của tổ bộ môn, cây đa, cây đề địa phương. Tiết dạy đã thực hiện lượt đi, lượt về, lượt tiếp theo… cho đến khi nào “đạt chuẩn” mới thôi.
Học sinh học tiết chuyên đề đã “thuộc như cháo”, các diễn viên đã được khai thác, dạy dỗ, trổ hết năng lực.
Sau tiết dự giờ, lãnh đạo cho đến giáo viên tham dự đều “mắt tròn, mắt dẹt, mồm chữ a, mắt chữ o” khâm phục năng lực sư phạm của người dạy, trình độ học vấn của người học. Thành công của tiết dạy là giấc mơ của mọi giáo viên tham dự.
Chuẩn mực của tiết dạy chuyên đề, thước đo cho mọi đánh giá các tiết dạy của bộ môn trong địa phương!
Tất nhiên, diễn biến, nguyên nhân thành công của tiết dạy không ai phổ biến, nhưng ai cũng rút ra bài học.
Mức độ “diễn” tỷ lệ thuận với chức vụ người dự, tác dụng giáo dục tỷ lệ nghịch với mức độ diễn.
Khi các tiết chuyên đề được quay phim làm “tư liệu”, bằng chứng thành công của “dự án”, tác hại không còn ở một địa phương nữa mà bao trùm lên mức độ cả nước, vùng, miền. Vì vậy, theo người viết, đây là tiết học, đỉnh cao của “DẠY DIỄN”.
Dối trá là xấu xa, trong giáo dục lại càng xấu; nó gieo mầm cỏ dại, trái độc cho con trẻ, ươm mầm tội phạm tương lai cho xã hội, nhấn chìm cái đẹp, cái thiện.
Vì vậy, dù muốn hay không, dạy diễn phải bị loại bỏ khỏi giáo dục. Trả lại thật thà cho giáo dục, cho dù thật thà ngô nghê như nhận thức con trẻ, song nó là hạt giống tốt, gieo đâu cũng nẩy mầm, nở hoa, kết trái ngọt cho đời.