LTS: Phân tích nguyên nhân vì sao hiện nay giáo viên bậc Trung học cơ sở lại đang thừa rất nhiều, thầy giáo Nhật Duy cho rằng cần giải quyết vấn đề này càng sớm càng tốt.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Trong các cấp học hiện nay thì cấp trung học cơ sở là cấp học có thể được xem là dễ bố trí nhân sự nhất nhưng trớ trêu là cấp học này lại đang thừa nhiều nhất.
Cả nước hiện đang có hàng chục ngàn giáo viên trung học cơ sở dư thừa không chỉ lãng phí về nhân lực mà mỗi năm, ngân sách nhà nước phải chi một lượng tiền rất lớn để trả lương.
Vì sao có tình trạng dư thừa như hiện nay, câu trả lời không phải là điều quá khó đối với mọi người.
Nếu như cấp mầm non, tiểu học thì các cơ quan chức năng và quản lý nhà trường thường tính rất sát số lớp rồi sẽ quy ra lượng giáo viên hàng năm. Bởi vì mỗi lớp mỗi thầy cô nên việc dư thừa rất hiếm khi xảy ra.
Cấp trung học phổ thông thì mỗi thầy cô chỉ dạy 1 môn nên việc bố trí cũng không thể nhập nhằng được.
Người ta chỉ cần tính số tiết của mỗi trường sẽ giao biên chế. Dừ thừa, có thể rút đi và phân công sang trường khác.
Tuy nhiên, cấp trung học cơ sở dễ thì rất dễ nhưng từ cái dễ đó mà nhiều nơi nhập nhằng cách tính biên chế và dẫn đến tiêu cực trong việc tuyển dụng, gửi gắm người nhà.
Tại sao lại đang thừa rất nhiều giáo viên bậc Trung học cơ sở? Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn |
Mấy chục năm qua, điều chúng ta đều biết là những thầy cô dạy trung học cơ sở đều tốt nghiệp ở các trường cao đẳng sư phạm ra.
Chỉ có những năm gần đây, khi mà các địa phương đồng loạt mở trường đại học sư phạm thì các trường trung học cơ sở mới tiếp nhận giáo viên tốt nghiệp từ các trường đại học.
Tuy nhiên, khi mà các cử nhân sư phạm tốt nghiệp đại học ra trường nhiều thì cũng là lúc bão hòa nhân lực của ngành.
Vì vậy, những đối tượng tốt nghiệp đại học chính quy đang giảng dạy ở các trường trung học cơ sở hiện nay không nhiều, chỉ chiếm một số lượng rất nhỏ mà thôi.
Chính vì các thầy cô tốt nghiệp ở các trường cao đẳng sư phạm nên việc bố trí công việc giảng dạy ở cấp trung học cơ sở trước đây và bây giờ vô cùng đơn giản. Bởi, tất cả các giáo viên tốt nghiệp cao đẳng đều được đào tạo 2 chuyên ngành.
Vì thế, khi ra trường thì các thầy cô đều có thể đảm nhận giảng dạy 2 môn học một cách dễ dàng.
Phương án tinh giản, sắp xếp, sáp nhập bộ máy giáo dục địa phương |
Điều này cũng đồng nghĩa việc bố trí nhân lực trong mỗi đơn vị của cấp học này không hề khó khăn nếu lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo phòng giáo dục và lãnh đạo địa phương đặt lợi ích chung lên trên hết.
Vậy nhưng, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì hiện cả nước có tới 12.165 giáo viên trung học cơ sở đang dư thừa. Nhưng, giáo viên lại thừa cục bộ.
Nhìn từ thực tế, các môn thừa nhiều ở cấp trung học cơ sở hiện nay là Sử, Địa, Lý, Hóa, Sinh - những môn học này thường ít tiết, chỉ dao động mỗi tuần có từ 1-1,5 tiết.
Vì thế, nếu trường loại 2-3 chỉ cần bố trí 1-2 giáo viên/ môn là đủ. Song, thực tế không phải vậy, nhiều trường học bố trí dư thừa rất nhiều nên dẫn đến việc giáo viên chỉ giảng dạy khoảng trên dưới 10 tiết/tuần.
Trong khi, cấp trung học cơ sở được quy định mỗi giáo viên phải dạy 19 tiết/ tuần.
Việc dư thừa giáo viên trung học cơ sở có nhiều nguyên nhân khác nhau. Song, ai cũng biết, trường cao đẳng sư phạm trước đây và ngay cả bây giờ vẫn do địa phương quản lý và phân bổ chỉ tiêu đào tạo hàng năm.
Trước đây, hàng năm các trường cứ tuyển sinh và đào tạo đều đều, giáo sinh cứ ra trường là được phân công giảng dạy nên sau một thời gian đã dư thừa quá nhiều.
Khi dư thừa rồi, nhiều người đã tìm nhiều chiêu thức khác nhau để “nhét” giáo viên về trường.
Bởi, thực tế là dù ngành giáo dục chịu trách nhiệm tham mưu, tính toán nhân sự nhưng quyết định cuối cùng của việc tuyển dụng là Phòng Nội vụ và Uỷ ban nhân dân huyện (quận).
Nhiều giáo sinh khi ra trường được phân công công tác xa nhà, khi họ đã ổn định, được biên chế, được kí hợp đồng không thời hạn, được bổ nhiệm ngạch là họ tìm cách chuyển về trường gần nhà cho tiện công tác.
Dù trường gần nhà không có chỉ tiêu, hoặc đã đủ giáo viên nhưng họ vẫn được gửi gắm về trường. Tất nhiên, người gửi gắm lại là lãnh đạo của các hiệu trưởng nhà trường.
Dù muốn, dù không thì Hiệu trưởng cũng không thể chối từ, dù biết trường không cần giáo viên nữa.
Trong khi, ở các trường học hiện nay có rất nhiều chức danh như Văn thư, Thiết bị, Thư viện, Tổng phụ trách Đội - đây là những chức danh nếu không phải con em lãnh đạo hoặc những người có điều kiện thì khi thi (xét) vào là suốt đời làm nhân viên.
Nhưng, cái hay của một số lãnh đạo hiện nay là họ đưa con cháu họ vào các chức danh này.
Bởi, khi tuyển dụng thì các chức danh này rất ít người đăng ký, đa phần các giáo sinh đều lao vào vị trí giáo viên dạy lớp nên những giáo sinh nộp hồ sơ là được tuyển dụng vào các chức danh nhân viên nhà trường.
Thế nhưng, chỉ sau thời gian thử việc (12 tháng), khi các nhân viên này được ký hợp đồng chính thức và được bổ nhiệm ngạch là họ tìm cách để xin được dạy lớp. Vì thế, nhiều môn học cứ dư thừa mãi.
Phải nói thẳng ra rằng, việc sinh viên sư phạm ra trường không được bố trí công việc là một sự lãng phí rất lớn cho cả nhà nước và nhân dân.
Nhưng, sự lãng phí này sẽ càng nặng hơn khi biết nhân lực của ngành dư thừa mà vẫn tuyển dụng thêm.
Tất nhiên, việc tuyển dụng nhân lực ngành sư phạm nếu được làm công khai, minh bạch và mọi người bình đẳng với nhau thì không nói làm gì.
Thời gian qua, dư luận đã chứng kiến rất nhiều những chuyện tiêu cực trong tuyển dụng do một số nơi đã buông lõng sự giám sát. Hoặc, vì lợi ích của một nhóm người mà họ đã làm ngơ trước những sai phạm.
Để chấm dứt tình trạng giáo viên dư thừa nói chung và giáo viên trung học cơ sở nói riêng, theo chúng tôi, các địa phương cần có những giải pháp hữu hiệu cho địa phương mình, đó là:
Thứ nhất: Cần tính toán kĩ phương án giữ hay sáp nhập các trường cao đẳng sư phạm, thậm chí cả các trường đại học sư phạm địa phương với các trường học khác thành trường đa ngành học.
Chỉ nên, đưa các trường sư phạm hiện hành thành 1 khoa trong trường đại học địa phương mà thôi.
Việc sáp nhập sẽ giúp các địa phương giải quyết được bài toán tuyển sinh mà đỡ lãng phí về nhân lực cũng như cơ sở vật chất.
Thứ hai: Nên sáp nhập các trường cấp 1-2 hoặc 2-3 trên cùng một địa bàn, việc này không chỉ đỡ được các đầu mối mà cơ sở vật chất cũng không phải đầu tư nhiều, chúng tôi tin rằng nếu làm được điều này thì chuyện tinh giản 10% biên chế như Nghị quyết của Trung ương Đảng sẽ rất dễ dàng.
Bởi, không chỉ giảm được các thành viên Ban giám hiệu và các nhân viên của nhà trường mà đặc biệt là giáo viên các môn học sư thừa cũng dễ dàng tinh giản.
Thứ ba: Dù không dễ dàng nhưng cương quyết tinh giản những giáo viên không có động lực phấn đấu trong nhà trường ra khỏi ngành, thậm chí cả đội ngũ cán bộ quản lý có năng lực chuyên môn không tốt, để xảy ra những sai phạm trong quản lý.
Thực tế, trong các trường học có rất nhiều người thiếu động lực phấn đấu, học hỏi. Nhiều người thực hiện chính sách 3 không: Không nói, không biết và không làm.
Tất nhiên, khi tinh giản cũng tính đến phương án có những chính sách hỗ trợ phù hợp cho từng giáo viên một cách thỏa đáng.
Tiến tới chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên cấp trung học cơ sở càng thừa nhiều hơn khi 5 môn học Lý - Hóa - Sinh - Sử - Địa sẽ thành 2 môn tích hợp.
Vì thế, nếu không giải quyết được bài toán dư thừa nhân lực ở cấp trung học cơ sở thì tương lai sẽ còn nan giải hơn nhiều.