Nghịch lý sa thải và tuyển mới giáo viên

08/08/2018 06:00
Phan Tuyết
(GDVN) - Cùng lúc với việc thanh lý hợp đồng, nhiều địa phương lại tổ chức thi tuyển vì thực chất các trường học vẫn thiếu thầy cô.

LTS: Giữa nghịch lý sa thải và tuyển mới giáo viên trong ngành giáo dục hiện nay, cô giáo Phan Tuyết đã thẳng thắn thể hiện quan điểm của mình thông qua bài viết lần này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.

Trong cái náo nức, bâng khuâng của mùa tựu trường sắp đến thì hàng ngàn giáo viên ở nhiều địa phương đang điêu đứng, thấp thỏm không yên bởi thông tin mình sẽ vĩnh viễn rời xa bục giảng.

Có người mới đi dạy vài năm nhưng có người đã gắn bó với nghề đến hơn 20 năm (cái thời điểm mà nhiều người trốn chạy vào sư phạm bởi sự nghèo đói luôn bủa vây).

Nếu thừa giáo viên buộc phải sa thải những thầy cô hợp đồng âu cũng đành chấp nhận. Nhưng cùng lúc với việc thanh lý hợp đồng, nhiều địa phương lại tổ chức thi tuyển vì thực chất các trường học vẫn thiếu thầy cô.

Chuyện phi lý ấy, ngỡ không thể xảy ra nhưng nó đã trở thành chuyện bình thường trong ngành giáo dục hiện nay.

Thải rồi lại tuyển mới?

Huyện Yên Định (Thanh Hóa) bất ngờ cắt hợp đồng lao động với 647 nhân viên, giáo viên, sau đó lại xin tỉnh được tuyển bổ sung thêm 253 người vì thiếu giáo viên giảng dạy.

Nghịch lý sa thải và tuyển mới giáo viên ảnh 1Thanh Oai tổ chức thi cho 434 giáo viên là để tuyển dụng hay sa thải?

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho biết:

Hiện tỉnh này đang thiếu khoảng 4.000 giáo viên bậc học mầm non, 700 giáo viên bậc học tiểu học và thừa 1.200 giáo viên trung học cơ sở.

Đầu tháng 9 này Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau cho biết, sẽ có hơn 1.400 giáo viên trên địa bàn tỉnh này sẽ bị cắt hợp đồng lao động.

Lý do số giáo viên này bị cắt hợp đồng là vì các trường, địa phương hợp đồng chưa được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Theo ông Luân (Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Cà Mau), so với nhu cầu thực tế thì ngành giáo dục của tỉnh vẫn thiếu giáo viên, nhất là bậc học mầm non.

Cụ thể, tổng biên chế được giao đối với ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh là 15.215 vị trí việc làm, nhưng hiện có là 14.893. [1]

Mới đây, huyện Thanh Oai Hà Nội cũng tuyên bố sẽ chấm dứt hợp đồng với 434 giáo viên nhưng theo ông Đoàn Việt Dũng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai cho biết, hiện huyện Thanh Oai đang thiếu gần 100 giáo viên tiểu học trong khi có 85 giáo viên đang thuộc diện hợp đồng.

Ở bậc trung học cơ sở huyện thiếu biên chế gần 100 giáo viên. Bậc mầm non, huyện đang thiếu 43 người.

Những giáo viên này muốn được dạy học tiếp thì phải tham gia thi và phải đỗ trong kỳ thi biên chế.

Nên có cái nhìn nhân văn hơn

Khá nhiều câu hỏi bức xúc được đặt ra:

“Vì sao giáo viên còn thiếu mà vẫn thực hiện việc chấm dứt hợp đồng?”.

Nghịch lý sa thải và tuyển mới giáo viên ảnh 2Ai bồi thường tuổi thanh xuân cho 434 giáo viên nếu bị đuổi việc?

“Vì sao các cấp lãnh đạo có thẩm quyền lại làm như thế?”.

“Vì sao không thể hợp thức hóa những giáo viên đã có thành tích và có nhiều năm gắn bó với nghề để họ yên tâm công tác?”.

“Vì sao phải tổ chức thi tuyển trong khi những người được tuyển vào ngành (có nhiều giáo sinh) chỉ giỏi lý thuyết còn việc dạy dỗ vẫn thua xa những thầy cô giáo này?”.

“Vì sao lại phải tốn một khoản ngân sách không hề nhỏ cho việc tổ chức thi trong khi giáo viên họ đủ điều kiện xét tuyển?”…

Hàng chục câu hỏi cứ bủa vây nhưng câu trả lời làm thỏa mãn dư luận xem ra vẫn bỏ ngỏ.

Chia sẻ với các giáo viên sẽ mất việc tới đây, ông Dũng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai cho rằng:

Ông rất thương những giáo viên hợp đồng. Có người hợp đồng 22 năm, gắn bó với nghề và coi nó như cái nghiệp của cuộc đời.

Có giáo viên thi đến 9 lần rồi nhưng chưa trúng nhưng vẫn bám với nghề mặc dù lương chỉ có bậc 1. [2]

Nếu đúng là thương, là đồng cảm thì tại sao ngành giáo dục ở một số địa phương nói chung và huyện Thanh Oai nói riêng không đối xử với giáo viên đã có công gắn bó với nghề một cách nhân văn hơn?

Cách làm hợp lòng người nhất là: vẫn tổ chức thi để lấy đủ số lượng giáo viên còn thiếu. Thế nhưng chỉ các giáo viên đang trong diện hợp đồng thi với nhau. Họ sẽ cạnh tranh công bằng bằng kĩ năng giảng dạy và giáo dục học sinh.

Nghịch lý trong việc sa thải và tuyển mới (Ảnh minh họa: TTXVN).
Nghịch lý trong việc sa thải và tuyển mới (Ảnh minh họa: TTXVN).

Như việc giáo viên sẽ trải qua 2 bài thi, lý thuyết và thực hành. Bài thi lý thuyết gồm các nội dung về giảng dạy và giáo dục học sinh (các đối tượng giỏi, khá, trung bình và yếu).

Bài thi thực hành là thi giảng dạy trực tiếp trên lớp (3 tiết) với hình thức bốc thăm, bốc lớp và bốc bài dạy.

Giáo viên sẽ được cộng thêm điểm về thành tích đã đạt trong suốt quá trình công tác như danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện thị, cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua các cấp, bằng khen của các cấp…

Nếu tổ chức cuộc thi xét tuyển như trên chắc chắn giáo viên sẽ có nhiều cơ hội để ở lại với ngành. Người bị loại cũng chẳng thể thắc mắc.

Đằng này, nhiều địa phương lại lấy lý do thi tuyển cho minh bạch, công bằng, để tổ chức một cuộc thi ồ ạt gồm nhiều đối tượng được tham gia thi tuyển.

Việc làm này đã đẩy không ít thầy cô vào ngõ cụt dù họ thừa thành tích trong giảng dạy nhưng lại thiếu “quyền và tiền”.

Bởi, thực chất hình thức thi tuyển công chức hiện nay ở một số địa phương còn tiềm ẩn khá nhiều khuất tất.

Nghịch lý sa thải và tuyển mới giáo viên ảnh 4"Được trả lương bằng thóc lép chúng tôi vẫn lên lớp, sao nay lại cắt hợp đồng"

Chưa nói đến đề thi lại mang nặng tính lý thuyết mà xa rời thực tế và không có tác dụng trong giảng dạy.

Như câu hỏi về các văn bản, ngày tháng triển khai, ngày có hiệu lực, cấp thẩm quyền kí?...

Kiểu thi nặng về lý thuyết như thế có lợi cho giáo sinh mới ra trường nhưng khá bất lợi cho những thầy cô giáo giảng dạy lâu năm.

Trong khi, công việc giảng dạy đặc biệt là các bậc học mầm non, tiểu học lại yêu cầu người thầy có kĩ năng, kinh nghiệm nhiều hơn mớ lý thuyết ấy.

Trong thực tế, nhiều giáo viên mang thân phận hợp đồng nên họ luôn cố gắng hoàn thành và hoàn thành xuất sắc công việc giảng dạy của mình ở trường, cũng như tích cực tham gia mọi hoạt động phong trào.

Khá nhiều giáo viên có giấy chứng nhận giáo viên dạy giỏi các cấp nhiều năm liền, nhiều người là chiến sĩ thi đua, là giáo viên cốt cán khối tổ chuyên môn… Nay sa thải họ và tổ chức thi tuyển mà không có một ưu tiên gì.

Việc làm này, chẳng khác nào vắt chanh bỏ vỏ. Hàng chục năm gắn bó với nghề nay bỗng chốc bị vất ra đường, những thầy cô giáo này sẽ làm gì để sống? Làm gì để nuôi con khi tuổi đời của họ cũng đã cao? 

Tài liệu tham khảo:

http://www.baogiaothong.vn/hon-1400-giao-vien-o-ca-mau-bi-cat-hop-dong-d266140.html [1]

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Ai-boi-thuong-tuoi-thanh-xuan-cho-434-giao-vien-neu-bi-duoi-viec-post188420.gd [2]

Phan Tuyết