Đi làm gia sư - bước tập dượt tuyệt vời

13/10/2018 07:25
Nguyễn Cao
(GDVN) - Đối với sinh viên các trường sư phạm thì việc đi gia sư thường được các em lựa chọn nhiều bởi nó có rất nhiều cái lợi cho cả hiện tại và tương lai sau này.

LTS: Cho rằng, đi làm gia sư sẽ là bước đệm cần thiết trước khi làm thầy của các bạn sinh viên, đặc biệt là sinh viên trường sư phạm.

Từ những tình huống sư phạm xảy ra khi làm gia sư sẽ giúp cho các em có thêm kinh nghiệm để sau này đứng lớp.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Công việc đi làm gia sư hiện nay thu hút một lượng lớn sinh viên về học ở các thành phố.

Có nhiều sinh viên đi làm gia sư để kiếm thêm thu nhập nhằm trang trải cho việc học hành nhưng cũng có những sinh viên không phải lo chuyện tiền bạc vì cha mẹ vẫn gửi cho đều đều hàng tháng, song các em vẫn đi làm gia sư để tích lũy kinh nghiệm.

Nhất là sinh viên các trường sư phạm thì việc đi gia sư thường được các em lựa chọn nhiều nhất bởi nó có rất nhiều cái lợi cho cả hiện tại và tương lai sau này.

Phải công nhận một điều là nhu cầu cần gia sư hiện nay ở các đô thị của nước ta rất cao. Phần vì các gia đình hiện nay chỉ 1-2 con nên ai cũng mong muốn trang bị cho con mình thật nhiều kiến thức để sau này có điều kiện thi vào các trường tốt nhất.

Phần vì nhiều bậc phụ huynh bận công việc, không có điều kiện đưa con đến các lớp học thêm mà quan trọng hơn là giá cả thuê gia sư về nhà cũng không quá cao so với học thêm ở nhà thầy cô.

Trong khi, các em sinh viên thì thường đa năng hơn, các em có thể kèm được nhiều môn học vì vừa mới học phổ thông xong.

Hơn nữa, thuê sinh viên về nhà thì cha mẹ cũng có thể có thời gian để ý đến việc học tập của con em mình khi cần thiết.

Đi làm gia sư - bước đệm cần thiết trước khi làm thầy (Ảnh minh họa: doisongphapluat.com).
Đi làm gia sư - bước đệm cần thiết trước khi làm thầy (Ảnh minh họa: doisongphapluat.com).

Chính vì nhu cầu gia sư ngày một nhiều nên sinh viên sư phạm cũng có thêm công việc để làm.

Bởi, mỗi tuần chỉ đi kèm từ 3-5 buổi vào các buổi chiều hoặc buổi tối thì các em đã có tiền tiêu vặt và mua thêm những tài liệu học tập cần thiết, hơn nữa sinh viên thì cũng thường có nhiều khoản phát sinh phải cần đến tiền.

Nhưng, điều quan trọng hơn cả là các em có thêm nhiều kỹ năng, phương pháp giảng dạy  và cách giải quyết các tình huống sư phạm.

Đây là một bước đệm rất cần thiết để sau này khi ra trường thì các em có thêm nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm cho mình.

Bởi phần nhiều các trường (tư thực) hay các địa phương tuyển dụng hiện nay đều có phần thi thực hành để đánh giá năng lực của giáo sinh trước khi kí hợp đồng tuyển dụng.

Khi đi làm gia sư, phần lớn các học sinh có điều kiện nên cũng có những học sinh rất cá tính, khiến cho các sinh viên đi gia sư mệt mỏi, phải tìm ra những phương pháp tối ưu để khuất phục học trò.

Vì thế, đây là những tình huống sư phạm tốt nhất cho các em sau này đứng lớp ở những năm đầu tiên.

Đi làm gia sư - bước tập dượt tuyệt vời ảnh 2Thủ khoa “kép” ngành sư phạm khuyên sinh viên nên đi làm thêm

Thực tế, các giáo viên mới vào nghề thường được các Ban giám hiệu, tổ chuyên môn “chăm sóc” rất kỹ.

Vậy nên, nếu yếu về kỹ năng và giải quyết tình huống sư phạm thì sau này các em sẽ luống cuống và xử lý những tình huống trên lớp không tốt.

Bởi, khi đi dạy sẽ có rất nhiều tình huống sư phạm ngoài giáo án của người thầy vì học trò ngày nay luôn có nhiều chiêu trò để chọc phá thầy cô, nhất là những thầy cô giáo trẻ.

Trong quá trình công tác ở ngành giáo dục, chúng tôi đã chứng kiến nhiều giáo viên trẻ khi về trường thường có tấm bằng, bảng điểm rất đẹp. Nhưng, có những thầy cô rất vụng về trong quá trình đứng lớp.

Song, có những thầy cô dù bảng điểm không đẹp nhưng phương pháp, kỹ năng đứng lớp lại rất tốt.

Bảng điểm chỉ thể hiện được quá trình học tập về lý thuyết, còn đi dạy lại đòi hỏi những kỹ năng thực hành của người thầy.

Vì thế, những thầy cô mà đã từng đi gia sư hay làm thêm ở các trung tâm gia sư thường có một bản lĩnh, một tâm thế rất vững vàng khi bước vào nghề.

Thực tế, khi học ở các trường sư phạm, dù năm thứ 3 là sinh viên được đi kiến tập, năm tư là đi thực tập.

Nhưng, mỗi đợt như vậy kéo dài khoảng 1 tháng mà chỉ khi đi thực tập thì các em sinh viên mới được đứng lớp vài tiết nên các kỹ năng thực hành chưa có nhiều.

Trong khi, nghề giáo thì việc học hỏi ở đồng nghiệp không nhiều, mỗi năm học cũng chỉ có thể dự giờ của đồng nghiệp một số tiết nhất định. Khi giảng dạy thì lớp ai, người đó dạy. Vì thế, chủ yếu là bản thân tự đúc kết kinh nghiệm cho mình là chính.

Đi làm gia sư - bước tập dượt tuyệt vời ảnh 3Thủ khoa Đại học Đà Nẵng chọn nghề giáo để truyền lửa

Vậy nên, những thầy cô dạy cấp 2-3 thường rất khó khăn trong những năm đầu.

Học sinh bây giờ không giống như học sinh ngày trước là thầy nói gì cũng nghe mà các em giờ đây có nhiều kênh để tiếp cận tri thức.

Khi thấy giáo viên trẻ vào lớp, có nhiều khi học sinh thấy thầy cô còn non phương pháp, kiến thức là các em hay chọc phá, hỏi những câu hỏi cực khó để thầy cô khó trả lời.

Những tình huống như vậy, rất cần sự bình tĩnh để xử lý để làm sao học trò vừa phục mà bản thân người thầy cũng không phải ngượng ngùng trước học trò.

Cuộc sống thời nay, sinh viên không còn thiếu thốn như trước đây nên việc đi gia sư có nhiều em không coi trọng và thậm chí không bao giờ chú ý đến trong quá trình học tập ở các trường đại học.

Nhưng, nếu các em chịu khó trau dồi kiến thức, chịu khó mỗi tuần có vài tiếng “trải nghiệm” làm thầy trước khi ra trường thì đó là những kinh nghiệm quý báu vô cùng cho sau này.

Tiền đi làm gia sư được trả hàng tháng cũng rất quan trọng nhưng quan trọng hơn cả là mình đang đi học…kinh nghiệm cho sau này.

Nguyễn Cao