Thủ khoa Đại học Đà Nẵng chọn nghề giáo để truyền lửa

18/08/2018 07:59
Tấn Tài
(GDVN) - Với số điểm cao nhất Đại học Đà Nẵng, Đạt có thể chọn cho mình nhiều ngành “hot” nhưng em đã chọn sư phạm vì ước muốn truyền lửa cho thế hệ kế cận.

Thủ khoa của Đại học Đà Nẵng năm nay đã “gọi tên” Đỗ Hữu Đạt (đăng ký nhập học vào Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng), thí sinh đứng đầu trong danh sách 115 thí sinh có điểm trúng tuyển cao nhất của trường này.

Niềm đam mê Toán

Kỳ thi quốc gia vừa qua, Đạt – một cựu học sinh trường chuyên Lê Qúy Đôn (Đà Nẵng) có số điểm 26.55 (Toán: 8.8, Lý: 9.0 và Hóa: 8.75) đã đăng ký vào ngành Sư phạm Toán học.

Thủ khoa Đại học Đà Nẵng chọn nghề giáo với ước muốn "truyền lửa" cho thế hệ kế cận. Ảnh: TT
Thủ khoa Đại học Đà Nẵng chọn nghề giáo với ước muốn "truyền lửa" cho thế hệ kế cận. Ảnh: TT

Nhiều người không khỏi bất ngờ bởi quyết định này, bởi với số điểm đó, Đạt có thể đăng ký vào nhiều ngành “hót” hơn. Trong câu chuyện của mình, Đạt sẽ nói về lựa chọn đó.

Vốn là học sinh chuyên Toán nên Toán học cũng chính là niềm đam mê của “anh giáo” tương lai nhút nhát, hay e thẹn.

“Em đầu tư nhiều thời gian nhất vào môn Toán, các môn còn lại em tập trung học vào năm thi tốt nghiệp và đại học.

Thủ khoa khối A1 Học viện Cảnh sát và ước mơ thành điều tra viên

Trung bình em học toán tầm 1 tiếng 1 ngày (không tính giờ đi học thêm), chủ yếu là làm thêm bài tập củng cố kiến thức căn bản.

Còn vào giai đoạn nước rút cho kì thi tốt nghiệp em học 2-3 tiếng một ngày, dành nhiều thời gian để làm đề thi thử”.

Đạt nhận xét đề thi vừa rồi khá khó, kiến thức rộng, nhiều câu hỏi tư duy và vận dụng cao không thường xuyên gặp trong các đề thi thử, đòi hỏi sự chuẩn bị kĩ lưỡng về cả chuyên môn lẫn tâm lý.

Tân thủ khoa Đại học Đà Nẵng cũng chia sẻ rằng, việc học thêm với thầy cô cũng mang lại hiệu quả hơn ở nhà.

“Đến lớp học thêm có thể tiếp thu kiến thức từ các thầy cô rất hiệu quả. Môi trường lớp học tạo không khí cởi mở, vui vẻ nhưng cũng rất nghiêm túc trong các giờ kiểm tra, đánh giá kiến thức.

Ngoài giờ học, em cũng có thể trao đổi thêm về bài vở với các bạn, qua đó giúp đỡ nhau nâng cao vốn kiến thức, đa dạng phương pháp làm bài”, Đạt nói.

Không phải “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”

Trở lại câu chuyện chọn nghề giáo, Đạt nói từ ngày còn nhỏ được học và tiếp xúc với các thầy cô dạy Toán dồi dào nhiệt huyết làm dấy lên trong em ước mơ truyền lửa cho các thế hệ học sinh kế cận.

Cũng từ đó em quyết định chọn ngành sư phạm thay vì các ngành khác, dù điểm số đáp ứng được nhu cầu đầu vào của nhiều trường.

Đội bóng lớp chuyên Toán của Tân thủ khoa Đại học Đà Nẵng (Đạt đứng thứ hai từ phải sang). Ảnh: NVCC
Đội bóng lớp chuyên Toán của Tân thủ khoa Đại học Đà Nẵng (Đạt đứng thứ hai từ phải sang). Ảnh: NVCC

Nghề giáo rất vất vả, thu nhập cũng không cao, cơ hội việc làm không nhiều…

Những điều đó có ảnh hưởng đến tâm lý của Đạt khi chọn nghề không? Đạt có cảm thấy lo lắng khi bước chân vào giảng đường không?

Những câu hỏi dồn dập về nghề khiến Đạt thoáng chút lúng túng: “Khi quyết định chọn trường đại học, bên cạnh đam mê thì mỗi học sinh cũng cần xem xét cơ hội việc làm và mức lương sau này.

"Thủ khoa" khối B xứ Thanh quyết tâm trở thành bác sĩ giỏi

Em đã tìm hiểu khá kĩ và biết cơ hội của mình không thật sự cao, nhưng mỗi nghề có mỗi khó khăn và đòi hỏi riêng.

Nên với sự động viên hết mình của gia đình, thầy cô và bạn bè, em tin rằng trước hết nên theo đuổi ước mơ và tin vào lựa chọn của mình.

Còn chuyện tương lai thì do bản thân nỗ lực phấn đấu chứ không thể nói trước điều gì”.

Đạt cũng chia sẻ thêm rằng em khá lo lắng khi bước chân vào giảng đường, vì là tân sinh viên nên còn rất nhiều bỡ ngỡ về môi trường, về bạn bè, về thầy cô…

Dù vậy em hy vọng sẽ được mọi người giúp đỡ và tạo điều kiện thích nghi với môi trường mới để việc học tập và phát triển bản thân đạt hiệu quả cao nhất.

“Giáo dục Việt Nam đang ngày càng đi lên, đạt nhiều thành tích đáng nể ở trường quốc tế. Cơ sở vật chất ngày càng hiện đại, tân tiến, đội ngũ giáo viên cũng dồi dào và kinh nghiệm.

Với việc lựa chọn nghề giáo, em muốn góp phần nho nhỏ khả năng của mình vào việc đào tạo những thế hệ kế cận xuất sắc hơn nữa, tiếp nối truyền thống của chúng ta.

Đồng thời em mong muốn nền giáo dục có những thay đổi nhất định để tăng sự công bằng trong thi cử giữa các học sinh, tuyển chọn đúng người để sau này có đủ khả năng cống hiến cho đất nước”, Đạt nói.

Chia sẻ về những ngày tháng sắp tới trên giảng đường Đại học, Đạt thoáng chút lo lắng về kinh tế vì học Đại học luôn là những năm tháng tốn kém.

“Chuyên ngành học Sư phạm của em không tốn quá nhiều học phí như các chuyên ngành khác. Nhưng nhà em cách khá xa trường, việc ăn ở, đi lại cũng sẽ khó khăn”.

Tấn Tài