Ngân hàng Thế giới có bị lạm dụng để bao biện cho VNEN?

19/10/2018 08:14
Hồng Thủy
(GDVN) - Báo cáo đánh giá tác động VNEN không nhất thiết đại diện cho quan điểm của Ngân hàng Thế giới, lại có các quan chức Bộ Giáo dục, Vụ Tiểu học tham gia chỉ đạo.

Giải trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo về các chất vấn của Đại biểu Quốc hội trong kỳ họp trước liên quan đến mô hình trường học mới Việt Nam, cho biết:

"Mô hình trường học mới (VNEN) đã được Ngân hàng thế giới và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tiến hành nghiên cứu đánh giá tác động và công bố năm 2017.

Kết quả đánh giá cho thấy, thực chất đây là một phương thức dạy học mới, theo hướng tổ chức cho học sinh tự học, tự chủ, tự quản; chuyển từ việc truyền thụ kiến thức của giáo viên sang việc tổ chức, hướng dẫn học sinh cách học; 

Ngày 25/7/2016 Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển tại Hội nghị tổng kết Dự án Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) sau gần 4 năm triển khai tổ chức tại Bắc Giang. Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại.
Ngày 25/7/2016 Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển tại Hội nghị tổng kết Dự án Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) sau gần 4 năm triển khai tổ chức tại Bắc Giang. Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại.

Lấy hoạt động học sinh làm trung tâm nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, đáp ứng định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Trên cơ sở các đánh giá, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản số 3459/BGDĐT-GDTrH ngày 08/8/2017 hướng dẫn các địa phương triển khai có hiệu quả mô hình này."

Trước đó chúng tôi đã đặt vấn đề, phải chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đá quả bóng VNEN sang Trung ương, trách nhiệm về sách giáo khoa sang Quốc hội.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nói rằng "VNEN đã được Ngân hàng thế giới và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tiến hành nghiên cứu đánh giá tác động và công bố năm 2017" phải chăng tiếp tục là một sự lạm dụng?

Thầy giáo Đạt Nguyễn, một cán bộ quản lý giáo dục tâm huyết đã từng chứng kiến và tham gia triển khai thí điểm VNEN ngay từ ngày đầu tiên đã có 2 bài viết phân tích sự lạm dụng này trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Bài thứ nhất, "Báo cáo đánh giá tác động VNEN có thực sự là của Ngân hàng Thế giới?" đăng ngày 13/9/2017, trong đó cho thấy đây không phải là báo cáo chính thức của Ngân hàng Thế giới.

Trang số 7 - Lời cảm ơn của Nhóm tác giả, Báo cáo “Nâng cao chất lượng trường học Việt Nam thông qua học tập tích cực và hợp tác – Nghiên cứu đánh giá tác động” (bản dịch đầy đủ 185 trang của Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông) viết rõ:

Dự án VNEN ươm mầm những điều giả dối?

“Các phát hiện, diễn giải và kết luận thể hiện trong báo cáo này và tất cả các bản khác của báo cáo này hoàn toàn là của các tác giả. 

Họ không nhất thiết phải đại diện cho quan điểm của Ngân hàng Quốc tế về Tái thiết và Phát triển / Ngân hàng Thế giới và các tổ chức liên quan của các Giám đốc diều hành của Ngân hàng Thế giới hoặc các chính phủ mà họ đại diện.”

Trang số 6 của Báo cáo nói trên cho biết:

Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia với sự chỉ đạo của Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời điểm đó.

Nhóm nghiên cứu của Bộ Giáo dục và Đào tạo bao gồm ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học;

Ông Đặng Tự Ân, Chuyên gia cao cấp và Cố vấn Trưởng dự án GPE-VNEN;

Ông Lê Tiến Thành, chuyên gia cao cấp và cố vấn dự án GPE-VNEN.

Cả 4 vị này là những người chịu trách nhiệm chính trong việc nhập khẩu mô hình trường học mới từ Colombia về và triển khai đại trà ra khắp 63 tỉnh thành chỉ sau 1 năm khi xin được tiền tài trợ 84,7 triệu USD và 3 triệu USD đối ứng.

Bộ Giáo dục đang đá quả bóng VNEN, sách giáo khoa sang Trung ương, Quốc hội?

Thầy Nguyễn Vinh Hiển, Lê Tiến Thành và Phạm Ngọc Định còn giúp Giáo sư Hồ Ngọc Đại chèn Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục vào Dự án VNEN, góp phần "vô hiệu hóa" Điều 29 Luật Giáo dục.

Chúng tôi cho rằng, Điều 29 Luật Giáo dục hiện hành không còn phù hợp vì nó bảo vệ độc quyền dẫn đến đặc quyền, đặc lợi cho một nhóm người làm dự án thay sách giáo khoa.

Tuy nhiên, cái gì không phù hợp thì Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đề xuất với Quốc hội sửa Luật Giáo dục, chứ không phải "lách luật" như lời Giáo sư Hồ Ngọc Đại, bằng các dự án đổi mới giáo dục, thay sách giáo khoa như đang làm.

Trang 185 - Một số quyền hạn được bảo lưu trong Báo cáo này nói rõ:

"Nghiên cứu này là một sản phẩm của các nhân viên Ngân hàng Thế giới với sự đóng góp từ bên ngoài. 

Những phát hiện, giải thích và kết luận trong nghiên cứu này không nhất thiết phản ánh quan điểm của Ngân hàng Thế giới, Ban điều hành, hoặc các chính phủ mà chúng đại diện. 

Ngân hàng Thế giới không đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong báo cáo này.

Bài viết thứ 2 của thầy Đạt Nguyễn phân tích khía cạnh chuyên môn của Báo cáo nói trên, được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho là của Ngân hàng Thế giới, "Báo cáo đánh giá tác động VNEN còn nặng tư duy nhị phân, không ta thì là địch", đăng ngày 14/9/2017.

Trong bài viết này, thầy Đạt Nguyễn đã phân tích rất rõ cách làm Báo cáo nói trên:

"Những yếu tố tích cực ghi nhận được từ các trường không VNEN đều được quy là có yếu tố VNEN như trong nội dung báo cáo là không sòng phẳng."

Không riêng gì Ngân hàng Thế giới, ngay cả Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Trung ương cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy làm bình phong để bảo vệ Dự án GPE-VNEN triển khai trước Nghị quyết này 2 năm. [1]

Điều này cho thấy thực trạng thiếu trung thực, đánh tráo khái niệm trong ngành giáo dục đã đến mức báo động.

Nguồn:

[1]https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=4122

Hồng Thủy