Ngày 25/10, kết quả bỏ phiếu tín nhiệm với 48 chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đã được công bố.
Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Bùi Sỹ Lợi – đoàn Thanh Hóa cho rằng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này là khách quan, cơ bản phản ánh được những vấn đề bức xúc của từng lĩnh vực.
“Tư lệnh các lĩnh vực như giáo dục, giao thông, y tế.. chưa đạt được số phiếu tín nhiệm cao cũng phản ánh rõ thực tế. Chẳng hạn như giáo dục đang có nhiều vấn đề dư luận xã hội bức xúc, hay vấn đề BOT trong giao thông…
Những lá phiếu đó đã thể hiện đánh giá về nhiệm vụ của các bộ ngành rất khó khăn và cũng thể hiện vấn đề dư luận xã hội.
Và lá phiếu của các đại biểu Quốc hội cũng thể hiện tâm tư nguyện vọng của cử tri”.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi. Ảnh: Đ.T |
Tuy nhiên, theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, chúng ta cũng cần nhìn nhận là không phải tất cả những tồn tại đó đều do trách nhiệm của tư lệnh ngành mà đó chính là bức xúc, yêu cầu, đòi hỏi khách quan của cử tri cả nước ứng với các lĩnh vực.
“Ví dụ giáo dục có nhiều vấn đề rất cần đổi mới, cần cải cách, làm sao để giảm tải, vấn đề thi cử...
Còn giao thông thì BOT thời gian qua tình hình như thế. Đây là những vấn đề mà không phải tư lệnh ngành có thể xử lý được hết.
Qua lần lấy phiếu lần này, Chính phủ, Quốc hội cũng nhìn thấy được những vướng mắc cần giải quyết cho người dân.
Cách bỏ phiếu như thế này cũng là sự đánh giá để các tư lệnh ngành thấy được những vướng mắc, khó khăn mà các ngành cần giải quyết”, đại biểu Lợi nêu quan điểm.
Đại biểu nhấn mạnh: “Tôi rất chia sẻ với các tư lệnh ngành là thời gian từ đầu nhiệm kỳ tới nay chỉ mới 2,5 năm.
Những vấn đề này không phải bây giờ mới xuất hiện mà là vấn đề tồn tại từ các nhiệm kỳ trước, không thể giải quyết ngay trong nửa đầu nhiệm kỳ.
Lá phiếu đã thể hiện là những nỗ lực đó của ngành, tư lệnh ngành chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân.
Các đại biểu Quốc hội tiếp tục thể hiện nguyện vọng của người dân muốn thúc đẩy các tư lệnh ngành quyết liệt hơn nữa.
Việc này cũng không chỉ là thôi thúc riêng tư lệnh ngành mà Chính phủ, Quốc hội cũng phải quan tâm, hỗ trợ cho các lĩnh vực mà cử tri, đại biểu còn đòi hỏi”.
Nhiều ý kiến cho rằng, những người đứng đầu ở các lĩnh vực mà cử tri có nhiều mong muốn, đòi hỏi sẽ thiệt thòi hơn các tư lệnh ngành khác khi lấy phiếu tín nhiệm.
Đại biểu Bùi Sĩ Lợi cho rằng, rõ ràng là như vậy. Người đứng mũi chịu sào các lĩnh vực bức xúc, lĩnh vực nhạy cảm đều phải chịu tác động.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.
“Bộ trưởng Nhạ cũng một phần thiệt thòi. Nhưng mà rõ ràng vấn đề giáo dục là một vấn đề rất cần phải quan tâm.
Bởi giáo dục không phải là chuyện hôm nay, mà còn cả quá trình trước đó chúng ta chưa giải quyết được triệt để.
Bộ trưởng mới họ làm thì cũng phải gánh cái quá khứ, những việc còn dang dở của Bộ trưởng nhiệm kỳ trước.
Bộ trưởng phải thấy được rằng lá phiếu hôm nay là lời nhắc nhở rằng lĩnh vực giáo dục đang rất có vấn đề cử tri quan tâm nên Bộ trưởng phải cố gắng hơn nữa.
Và nếu có khó khăn gì thì Bộ trưởng phải có đề xuất với Chính phủ, Chính phủ đề nghị với Quốc hội giải quyết”, đại biểu nói.
Theo đại biểu, không phải vì lá phiếu mà đánh giá Bộ trưởng yếu kém, mà chúng ta phải nhìn nhận rằng ngành đó đang có những vấn đề mà cả xã hội phải quan tâm.
Ông nêu: “Đơn cử là muốn giáo dục tốt lên thì cả xã hội phải quan tâm, thầy phải xứng đáng là thầy, học trò cũng phải cố gắng, gia đình phải chăm lo.
Giáo dục không phải của riêng ngành giáo dục mà phải cả xã hội, chứ không “đổ lên đầu” tư lệnh ngành đó thôi được.
Tôi không bênh ai cả nhưng cái đó phải đánh giá khách quan.
Trong thâm tâm khi bỏ phiếu, các đại biểu cũng thể hiện điều ấy. Đại biểu đặt vấn đề đó lên vai các Bộ trưởng để các Bộ trưởng chú tâm giải quyết tốt hơn”.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi khẳng định, việc lấy phiếu tín nhiệm chính là một hình thức giám sát tối cao, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, chỉ ra những nhạy cảm, khó khăn để các tư lệnh ngành giải quyết.
Các kỳ trước đã có những tư lệnh ngành có phiếu tín nhiệm lần đầu rất thấp, nhưng sau đó họ đã chú tâm giải quyết và lần lấy phiếu tín nhiệm sau đã có tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao nhiều hơn.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là động lực để Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cố gắng hơn |
“Không nên đánh giá quá mức về kết quả phiếu tín nhiệm nhưng cũng không nên xem nhẹ. Vì đó là vấn đề rất đáng quan tâm để thúc đẩy xã hội.
Các bộ trưởng hãy coi đây là trọng trách mà Quốc hội giao để làm tốt hơn và nếu như có sự chuyển biến thì chắc chắn sự tín nhiệm lần sau với các tư lệnh ngành sẽ rất cao”.
Cũng về kết quả lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, khi cộng phiếu tín nhiệm cao và phiếu tín nhiệm vào, chúng ta thấy các vị trí được Quốc hội bầu, phê chuẩn nhận được sự tín nhiệm nhất định của Quốc hội.
“Tôi cho rằng các đại biểu đã rất trách nhiệm với lá phiếu của mình.
Điều này cũng thể hiện sự khích lệ, nhưng cũng nêu lên yêu cầu ngày càng cao của Quốc hội và các đại biểu thông qua lá phiếu của mình với các chức danh mà Quốc hội bầu và phê chuẩn”, ông Thắng nói.