Bạo lực học đường do sự vô cảm, thờ ơ của học sinh và người lớn

04/11/2018 05:43
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Môi trường giáo dục trở nên bất ổn hơn bao giờ hết. Thật sự là mối lo ngại sâu sắc đối với ngành giáo dục và cả xã hội.

LTS: Vấn đề bạo lực học đường là một vấn đề khiến nhiều người lo ngại.

Trong bài viết này, thầy giáo Sông Trà chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này để tìm cách giải quyết.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chuyện học sinh phổ thông với nhau nảy sinh xích mích, mâu thuẫn, rồi dẫn đến gây gổ, đánh nhau, thậm chí đâm chém, đuổi rượt nhau bằng mã tấu, dao, rựa... gây đổ máu, thương tích, kể cả tử vong, không còn là hiện tượng hiếm thấy ở nhiều trường học, nhiều nơi, nhất là trong thời gian mấy năm gần đây.

Nạn bạo lực trong học sinh, nơi trường học ngày càng tăng và phức tạp hơn.

Môi trường giáo dục trở nên bất ổn hơn bao giờ hết. Thật sự là mối lo ngại sâu sắc đối với ngành giáo dục và cả xã hội.

Nạn bạo lực trong học sinh, nơi trường học ngày càng tăng và phức tạp hơn. Ảnh minh hoạ: Infonet.vn
Nạn bạo lực trong học sinh, nơi trường học ngày càng tăng và phức tạp hơn. Ảnh minh hoạ: Infonet.vn

Nguyên nhân của vấn nạn trên thì có nhiều. Nhưng có một nguyên nhân mà khiến người viết bài này day dứt, trăn trở nhiều nhất.

Đó là căn bệnh vô cảm, giảm sút nghiêm trọng tinh thần đấu tranh đang bao trùm lên khắp nơi, mọi đối tượng. 

Chúng ta thấy một sự thật đáng buồn, nhiều cảnh học sinh đánh bạn thô bạo ngay nơi đông đúc người qua lại nhưng thật lạ lại không thấy có một người lớn nào can ngăn.

Một số học sinh không tham gia nhưng đứng xem với thái độ rất dửng dưng, vô cảm, coi như chẳng có chuyện gì xảy ra.

Giá như, có người lớn, hoặc một số học sinh kia, có lòng căm ghét, phẫn nộ trước cái ác, cái xấu, không ngại xông vào can ngăn, hay gọi điện thoại báo ngay cho công an, hoặc nhà trường thì đâu đến nỗi vụ việc tồi tệ như vậy, đáng xấu hổ như vậy. 

Là một người trong ngành giáo dục, chúng tôi nhận thấy thái độ vô cảm, không dám, ngại đấu tranh, bộc lộ chính kiến của mình trong học sinh hiện nay ngày càng nhiều.

Nhiều trường, có làm một thùng thư để học sinh góp ý, có thể thư không cần ghi tên, địa chỉ cũng được, nếu không tiện nói trực tiếp trước lớp, với thầy cô chủ nhiệm, ban giám hiệu nhà trường.

Thời gian đầu, cuối tuần mở ra, nhận được vài ba lá thư.

Những góp ý, tố giác có cơ sở, chính xác của các em giúp cho nhà trường chấn chỉnh được nhiều việc, nhất là những lệch lạc về mặt hành vi, đạo đức của học trò trong trường.

Bạo lực học đường do sự vô cảm, thờ ơ của học sinh và người lớn ảnh 2Những điều bố mẹ cần làm ngay để giúp con không bị bắt nạt ở trường

Mặc dù nhà trường, thầy cô giáo luôn khuyến khích học sinh làm việc đó, nhưng thời gian sau, chẳng hiểu sao, không thấy một lá thư nào gửi nữa.

Một việc làm tốt của nhà trường như thế mà không nhận được sự ủng hộ, đồng tình của đông đảo học sinh, thì thật buồn.

Mỗi khi, có học sinh đánh nhau, hoặc nhờ, thuê thanh niên, hàng anh chị, bên ngoài xông thẳng vào lớp học đánh đập những học sinh có oán thù, mâu thuẫn… thì phần đông học sinh trong lớp và cả trường thường châu đầu lại xem, hoặc kích động ùa theo, hoặc tản đi, mặc cho bạn bè của mình bị đánh đập tơi tả.

Ít có em nào, hay lớp nào lao ra cản ngăn, hay đi trình báo với thầy cô giáo, bảo vệ để kịp thời ngăn chặn, xử lý, không để xảy ra hậu quả xấu.

Ngay cả, trong sinh lớp cuối tuần bấy giờ cũng thế, cán bộ lớp rất ngại nêu tên, phê bình, nhắc nhở các em học chây lười, cá biệt, thường xuyên vi phạm nội quy, vì sợ ra khỏi lớp bị các em đó đe dọa, đón đường đánh.

Thậm chí, thầy giáo, cô giáo làm đúng chức trách của mình, cũng bị học sinh cá biệt, đe dọa, khủng bố bằng nhắn tin, hoặc thuê thanh niên xấu bên ngoài "thịt" thầy cô.

Một khi tinh thần đấu tranh chống lại những cái lệch lạc, tiêu cực, xấu xa, bạo lực... trong học sinh, nơi trường lớp bị suy giảm, bị triệt tiêu, mất hẳn đi thì những hành vi xấu, tiêu cực trong học sinh sẽ trỗi dậy, sẽ có mảnh đất tốt tươi để hoành hành, thách thức xã hội, dư luận. 

Học sinh bây giờ ngày càng thờ ơ, vơi cạn đi tinh thần, thái độ đấu tranh, bất bình trước những cái xấu, cái tiêu cực... trong lứa tuổi mình.

Có thực tế, nhiều em đã bị tiêm nhiễm, ảnh hưởng từ căn bệnh vô cảm vốn đã trầm kha, kinh niên có trong không ít phụ huynh, người lớn, và một bộ phận xã hội.

Có thực tế, lối sống "Đèn nhà ai nhà nấy rạng", "Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại" mà ông ta từng phê phán trước đây, giờ đã hợp thời, được thăng hoa, tung hê.

Bạo lực học đường do sự vô cảm, thờ ơ của học sinh và người lớn ảnh 3Thiếu chia sẻ là nguyên nhân lớn gây bạo lực học đường

Có thực tế, nhà trường, nền giáo dục của ta, lâu nay chỉ lo mải mê dạy chữ để thi thố mà quên đi hoặc quá hời hợt, sơ sài trong dạy cách làm người, kỹ năng sống, giá trị sống.

Có thực tế khác, một số ít nhà giáo chưa thật sự gương mẫu, còn vi phạm đạo đức nhà giáo, thiếu kìm chế và phương pháp giáo dục, dùng bạo lực, đánh đập học sinh chưa ngoan, cá biệt.

Đấy là bốn nguyên nhân cơ bản của thực trạng nêu trên, khiến chúng ta cần suy nghĩ và có trách nhiệm, có biện pháp giải quyết.   

Thực ra, học sinh mâu thuẫn, xích mích, gây ra xung đột, đánh nhau..., các em cá biệt, hư hỏng, chai lười, quậy phá ...đều là những chuyện thường xảy ra ở trường, lớp, ngoài đường, thời nào cũng có.  

Vấn đề cốt lõi ở chỗ, chúng ta, nhà trường, ngành giáo dục cần dạy học trò biết cách xử sự, giải quyết tốt những cái bất thường ấy, bằng nội dung giáo dục kỹ năng sống có chất lượng, thiết thực, sinh động, bằng cách khơi dậy mạnh mẽ tinh thần dám đấu tranh trong mọi học sinh.

Hãy dành mối quan tâm đặc biệt và nhiều thời gian cho việc hoạt động, giáo dục đạo đức, lễ nghĩa ở học trò.

Bản thân các cơ sở giáo dục phải là môi trường thân thiện, tốt đẹp, đội ngũ giáo viên phải là những nhà giáo dục thực thụ, hết lòng thương yêu học sinh bằng nghệ thuật, phương pháp giáo dục mềm dẻo, nhân văn…  

Có vậy, cái xấu, cái tiêu cực, cái thô bạo ở môi trường giáo dục, trong học sinh mới sớm bị đẩy lùi, hết đất sống.

SÔNG TRÀ