Năm 2018, hơn một triệu người kê khai tài sản chỉ phát hiện 6 trường hợp vi phạm

13/11/2018 14:18
Đỗ Thơm
(GDVN) - Theo nhận định của Ủy ban Tư pháp, điều này cho thấy biện pháp kê khai tài sản, thu nhập chưa phát huy hiệu quả trong phòng chống tham nhũng.

Sáng 13/11, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 trước Quốc hội.

Theo đó, trong năm 2018, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành mới 4.128 văn bản, huỷ bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung 2.135 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; tiến hành 3.441 cuộc kiểm tra việc thực hiện, phát hiện 443 vụ việc vi phạm, số người vi phạm là 382 người, kiến nghị xử lý kỷ luật 89 người, kiến nghị thu hồi và bồi thường 92,9 tỷ đồng (đã thu hồi 74,08 tỷ đồng, đạt 79,7%).

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. Ảnh: Quochoi.vn
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. Ảnh: Quochoi.vn

Về minh bạch tài sản, thu nhập: Số người đã kê khai, công khai tài sản, thu nhập đạt tỷ lệ 99,8%; có 44 người được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện 6 trường hợp vi phạm.

Đã xử lý kỷ luật 4 trường hợp, kiểm điểm 1 trường hợp, đang xem xét xử lý kỷ luật 1 trường hợp.

Qua kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp tại 5.396 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm, trong đó số cán bộ, công chức vi phạm bị xử lý là 97 người.

Năm 2018 có 56 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 5 người bị xử lý hình sự, 45 người đã bị xử lý kỷ luật, 6 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật.

Sau phần trình bày của Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã đọc báo cáo thẩm tra của Ủy ban.

Báo cáo nêu rõ, năm 2018, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm. Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế tiếp tục được đẩy mạnh.

Cải cách hành chính có nhiều chuyển biến; bộ máy nhà nước ngày càng được củng cố, kiện toàn. Công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử được tăng cường.

Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng đã có chuyển biến tích cực, nhiều vụ vi phạm, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước được phát hiện và xử lý nghiêm minh, đã thể hiện nhất quán quan điểm “nói đi đôi với làm”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Qua đó, tiếp tục tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, được dư luận đánh giá cao, củng cố lòng tin của nhân dân vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

Kỷ luật hơn 4.300 cán bộ, đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái trong 5 năm qua

Tuy nhiên, còn một số hạn chế, tồn tại trong công tác phòng chống tham nhũng vẫn chưa có giải pháp để khắc phục triệt để.

Theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp, việc tuyên truyền thông qua hình thức phát huy tính nêu gương của cán bộ, đảng viên chưa phát huy hiệu quả tích cực; một bộ phận cán bộ, đảng viên nói vẫn không đi đôi với làm, nhũng nhiễu, đòi hối lộ… đã tác động tiêu cực, làm giảm đáng kể tác dụng của công tác tuyên truyền.

Về kê khai tài sản, thu nhập, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, năm 2018 số lượng bản kê khai là rất lớn.

Cơ quan chức năng đã tiến hành xác minh đối với 44 người/1.136.902 người đã kê khai nhưng chỉ phát hiện 6 trường hợp vi phạm (tăng 1 trường hợp so với năm 2017) cho thấy biện pháp này chưa phát huy hiệu quả trong phòng chống tham nhũng.

Đỗ Thơm