LTS: Đặt ra câu hỏi "Bạn nghĩ gì trước trào lưu phụ huynh tặng quà thầy cô trên lớp?", tác giả Đỗ Quyên đã có bài viết chia sẻ về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Lẽ thường thì có quý, có yêu một ai đấy (trừ trường hợp vụ lợi) người ta mới tặng quà cho nhau.
Cha ông ta cũng đã từng nói “của cho không bằng cách cho”. Có những món quà giá trị vật chất chẳng bao nhiêu nhưng giá trị tinh thần lại quá lớn.
Và chỉ nhìn vào cách tặng quà cũng có thể thấy được tình cảm của người tặng dành cho mình ở mức độ nào.
Có nên cho con mang quà lên lớp tặng thầy cô?
Hiện nay, ở nhiều vùng nông thôn, khá nhiều phụ huynh (có con học mẫu giáo và tiểu học) vì tiết kiệm thời gian chở con đến thăm thầy cô vào các dịp lễ Tết, nhiều người đã chọn cách tặng quà thầy cô ngay trong lớp học.
Học sinh tặng quà giáo viên (Ảnh minh họa: tác giả cung cấp). |
Món quà được các em ôm vào lớp và chất ngay trên bàn dạy học của thầy cô. Những em có quà thì hớn hở, hồ hởi chờ đợi…em không có quà thì lặng lẽ, buồn thiu.
Điều này không chỉ làm giáo viên khó xử, còn trực tiếp gieo vào lòng những học sinh không có quà sự buồn bã, mặc cảm.
Khi giáo viên vào lớp, các em vui mừng, hỉ hả yêu cầu thầy cô mở quà ra ngay trên lớp. Có thầy cô đã không muốn nhận nhưng cũng khó trả lại vì các em nhất định “mẹ con bảo thế, tặng cô nên không được cầm về”.
Có thầy cô vì chiều học trò cũng chẳng ngần ngại đứng ngay bục giảng khui quà trong tiếng reo hò của nhiều em học sinh.
Bị cuốn vào không khí của việc tặng và mở quà, thầy cô vô tình không để ý có một số em khác ngồi lặng lẽ và buồn rầu tách mình ra khỏi cuộc vui vì mặc cảm mình không có gì tặng thầy cô.
Có em buồn thiu chia sẻ với bạn “mình nói nhưng mẹ không chịu mua”. Có em vì muốn có quà để tặng thầy cô như các bạn nên đã về nói xạo với bố mẹ rằng “cô (thầy) con dặn mua quà tặng cho thầy cô”.
Tin lời trẻ nhỏ với triết lý đã cũ rích “trẻ con không biết nói xạo” nên đã có gia đình bức xúc vì nghĩ rằng thầy cô đòi hỏi tặng quà.
Thế là chỉ trong ít giờ câu chuyện thầy cô đòi quà đã lan nhanh khắp nơi. Người nghe cũng chẳng biết kiểm chứng đúng sai, họ dùng đủ lời lẽ xúc phạm, miệt thị những thầy cô giáo ấy. Cái “oan Thị Kính” ấy cũng chẳng dễ gì gột rửa được.
Mọi người cần thay đổi cách nghĩ
Khá nhiều đồng nghiệp của tôi đã nhiều lần trả lại phong bì cho phụ huynh trước sự ngạc nhiên của họ.
Một số thầy cô giáo đã trả lại quà khi học sinh mang đến lớp để tặng. Thế nhưng việc trả lại quà cũng gây hiểu lầm không ít.
Đã có phụ huynh cho rằng “thầy chê quà ít tiền”, “cô không thích mua quà, biết thế tặng phong bì là hơn”…
Nhiều thầy cô cũng mạnh dạn, thẳng thắn nói rằng “phụ huynh đã tặng, không nhận quà cũng khổ mà nhận “có những thứ mình không xài được lại mất công đem cho người này người nọ lại mang tiếng”. Cái suy nghĩ cứ tặng quà mới thể hiện lòng tri ân đã làm khổ bao người.
Một đồng nghiệp của chúng tôi nói rằng “Nếu từ chối không được mình chẳng cần lưu tâm đến việc em nào tặng quà và đã tặng quà gì? Có thế mình mới đối xử công bằng, khách quan với các em học sinh”.
Nói thế để thấy rằng, không phải thầy cô nào cũng thích được nhận quà tặng. Bởi đây là chuyện nhạy cảm, nếu cả hai không cẩn thận sẽ rất dễ làm tổn thương lẫn nhau.