Ngày 19/2/2017 Báo điện tử Zing.vn đưa tin, trong cuộc gặp các văn nghệ sĩ Thủ đô nhân dịp Tết Mậu Tuất, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết:
Thành phố đã mạnh dạn xóa việc đầu tư cho những trường được gọi là “chất lượng cao” của Hà Nội.
“Những trường này chẳng theo tiêu chuẩn Việt Nam, chẳng theo tiêu chuẩn Asian, chẳng theo tiêu chuẩn quốc tế, mà do nhóm người yêu cầu thành phố hỗ trợ tiền.
Sau khi hết hỗ trợ, học sinh cũng chuyển đi hết”, ông Nguyễn Đức Chung được Zing.vn dẫn lời, cho biết. [1]
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, ảnh: Thanh Hải / Báo Kinh tế & Đô thị. |
Thông tin trên cũng được Báo Công an Nhân dân đưa ra trong bài bình luận "Hà Nội trong dòng chảy liêm chính - kiến tạo và phục vụ", mục Sự kiện - Bình luận thời sự. [2]
Kỳ lạ là dường như chỉ có Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhìn ra và dám nói thẳng ra sự thật này.
Báo cáo tóm tắt tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong vào sáng 17/11/2018 tại Thành ủy Hà Nội, vẫn khẳng định:
Hà Nội cũng rất quan tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo, nhất là đã thí điểm mô hình trường chất lượng cao, trường đào tạo song bằng. [3]
Những đánh giá như thế này có thể tìm thấy rất nhiều, nhưng nhìn thẳng vào thực trạng mô hình thí điểm trường phổ thông công lập chất lượng cao thì dường như đến nay chỉ có mỗi Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Đức Chung.
Chỉ biết kêu khó, kêu thiếu và xin ngân sách hỗ trợ
Ông Nguyễn Đức Chung đã nói rất thẳng thắn, rằng những trường này chẳng theo tiêu chuẩn Việt Nam, chẳng theo tiêu chuẩn Asian, chẳng theo tiêu chuẩn quốc tế, mà do nhóm người yêu cầu thành phố hỗ trợ tiền. Sau khi hết hỗ trợ, học sinh cũng chuyển đi hết
Phí bổ trợ chất lượng cao ở Thanh Xuân, biểu hiện coi thường kỷ cương phép nước? |
Ngày 12/8/2015, Cổng giao tiếp điện tử Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đăng "Bài 2: Tự chủ tài chính - bài toán khó đối với trường Chất lượng cao", bài viết dẫn lời đại diện Trường Mầm non Mai Dịch, cho biết:
Với mức thu như hiện tại, nếu được công nhận là trường chất lượng cao, khi ngân sách Nhà nước cắt giảm 100% thì thu sẽ không đủ chi.
Nguyên nhân do việc xây dựng, duy trì cơ sở vật chất hiện đại theo mô hình chất lượng cao tốn nhiều kinh phí, lương của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên là con số cố định có thể tính toán được.
Thế nhưng số học sinh đăng ký học lại không cố định; nhà trường vẫn phải duy trì chất lượng các hoạt động chăm sóc giáo dục theo mô hình chất lượng cao sẽ gặp khó khăn trong công tác tự thu chi.
Đối với Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng, năm đầu tiên thực hiện mô hình chất lượng cao, mức thu thỏa thuận với phụ huynh học sinh là 2,2 triệu đồng/tháng.
Còn từ năm học 2015 - 2016, nhà trường có lộ trình tăng học phí để từng bước tự chủ, theo lộ trình này, nhà trường phải tăng hàng năm do quy mô sĩ số học sinh thấp.
Do vậy, học phí tăng hàng năm sẽ khiến dư luận và phụ huynh lo lắng, học sinh có khả năng chuyển trường vì không đủ khả năng đóng học phí.
Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của nhà trường và tâm lý lo lắng trong cán bộ, giáo viên...
Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Ngọc Quang phát biểu tại một cuộc hội thảo về trường chất lượng cao, ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại. |
Trước khó khăn này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã đặt ra các giải pháp để đề nghị thành phố tiếp tục quan tâm ưu tiên đầu tư có trọng điểm cho các trường hiện đang hoạt động mô hình chất lượng cao.
Trong đó, Sở sẽ đề xuất thành phố xem xét điều chỉnh cấp ngân sách cho các trường công lập chất lượng cao theo cơ chế giảm giảm dần có lộ trình từ 4 - 5 năm, thay cho việc chỉ cấp thêm 1 năm như hiện nay vì sẽ rất khó khăn để các trường công lập chất lượng cao phát triển.
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đề xuất thành phố cấp ngân sách cho các trường công lập chất lượng cao phần chi lương cho cán bộ, giáo viên theo chế độ như các trường công lập bình thường để các khoản thu tập trung chi cho các nội dung chương trình tăng thêm để đảm bảo chất lượng mô hình chất lượng cao.[4]
Trường công lập chất lượng cao Hà Nội khó khăn vì cách nghĩ, cách làm giáo dục của Sở không giống ai
Tại sao trường tư tự bỏ tiền làm giáo dục dịch vụ chất lượng cao không ai kêu lỗ, thậm chí cha mẹ học sinh sẵn sàng trả phí cao hơn và nhiều trường tuyển sinh không hết nhu cầu của người dân, trường công chất lượng cao chỉ biết xin tiền?
Ngày 16/4/2015, Báo An ninh Thủ đô có bài "Vì sao hiệu trưởng “né” mô hình trường chất lượng cao?", cho biết:
Một nghịch lý với mô hình trường phổ thông chất lượng cao của Hà Nội hiện nay là nhu cầu người học có, cơ chế chính sách có nhưng số lượng trường được công nhận lại ì ạch so với mục tiêu đề ra.
Cứ "thỏa thuận" được với phụ huynh là thoải mái thu tiền, Bộ chỉ đạo vô nghĩa? |
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú-Đống Đa, một trong những trường nhiều năm thí điểm mô hình này cho biết, không ít hiệu trưởng trường bạn đã đến tìm hiểu, học tập mô hình tự chủ chất lượng cao.
Tuy nhiên, sau khi thấy rõ được những khó khăn và yêu cầu cao khi triển khai mô hình này thì đến nay không thấy trường nào quay lại hỏi kinh nghiệm.
Sau gần 7 năm thực hiện dịch vụ giáo dục chất lượng cao, bà Nguyễn Thị Nhiếp cho biết, khó khăn rõ nhất với các trường tự chủ chất lượng cao là ngân sách không có;
Mọi hoạt động của nhà trường trong 12 tháng bao gồm cả lương, bảo hiểm xã hội, sửa chữa, bổ sung cơ sở vật chất…đều lấy từ nguồn quỹ học phí của học sinh trong 9 tháng.
Ngược lại, Nhà giáo ưu tú Nguyễn thị Hiền - Hiệu trưởng trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm khi đó được Báo An ninh Thủ đô dẫn lời, chia sẻ:
"Tôi biết nhiều trường công lập đã thí điểm mô hình này nhưng phải rút vì chưa đủ lực khi tự chủ tài chính. Nhiều hiệu trưởng băn khoăn mức thu 3,2 triệu đồng/học sinh/tháng làm sao đủ chi.
Còn với tôi, cho mức thu 2,5 triệu đồng tôi nhận luôn vì thực tế tôi đã làm với mức thu thấp hơn thế trong khi lại không được đầu tư cơ sở vật chất.
Chúng ta chưa vượt qua được tư duy bao cấp. Tôi hy vọng hiệu trưởng các trường hãy mạnh dạn hơn, tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề tài chính." [5]
Chúng tôi cho rằng Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội rất tinh tế, trách nhiệm khi ông đã nhận thấy mô hình trường phổ thông công lập chất lượng cao của Hà Nội...chẳng giống ai.
Bản chất của sự "chẳng giống ai" này phải chăng là sáng kiến của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội muốn tạo lập một thành tích chính trị nào đó, để lại dấu ấn nào đó trong nhiệm kỳ của mình?
Mong muốn đó là điều chính đáng, nhưng cách tiếp cận vấn đề, triển khai vấn đề lại sai ngay từ đầu về mặt nguyên lý, bởi trường công và trường tư vận hành theo 2 hệ thống nguyên lý khác nhau hoàn toàn.
Chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích vấn đề này dưới góc độ cơ chế chính sách trong các bài viết tới.
Nguồn:
[1]https://news.zing.vn/ha-noi-xoa-co-che-dau-tu-truong-chat-luong-cao-post722007.html
[2]http://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-thoi-su/Ha-Noi-trong-dong-chay-liem-chinh-kien-tao-va-phuc-vu-429323/
[3]http://www.dangcongsan.vn/khoa-giao/ha-noi-tiep-tuc-tro-thanh-dia-phuong-dan-dau-ca-nuoc-ve-linh-vuc-giao-duc-va-dao-tao-505238.html
https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/truong-chat-luong-cao-gap-kho-vi-thu-khong-du-chi-3239479.html
[4]https://hanoi.gov.vn/huong_toi_dai_hoi_dang/-/hn/FJNMlsYREDd4/3/2753711/2/bai-2-tu-chu-tai-chinh---bai-toan-kho-oi-voi-truong-chat-luong-cao.html;jsessionid=kbmcSYK+LpoLLkSLBF6SJS7p.app2
[5]https://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/vi-sao-hieu-truong-ne-mo-hinh-truong-chat-luong-cao/605342.antd