Phí bổ trợ chất lượng cao ở Thanh Xuân, biểu hiện coi thường kỷ cương phép nước?

21/11/2018 07:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Dù gọi khoản phí hệ chất lượng cao dưới bất kỳ tên gọi nào, nó cũng trái các quy định của Bộ và Hà Nội, nhưng lại được quận, phòng và nhà trường "thống nhất".

Báo VietnamNet ngày 13/11/2018 đưa tin, liên quan đến lùm xùm việc nhiều phụ huynh bức xúc khi phải đóng cả 2 loại học phí theo thông báo từ Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu cho biết:

Thực tế các khoản thu này không phải học phí chất lượng cao mà là “phí bổ trợ” các môn nâng cao theo chương trình và liên kết đào tạo các môn như tiếng Nhật, tiếng Anh, kỹ năng sống, câu lạc bộ năng khiếu…

Học phí chất lượng cao, phụ phí, bổ trợ phí, phí học thêm hay thu thỏa thuận, đều trái quy định

Thầy Phạm Gia Hữu được Báo VietnamNet dẫn lời, giải thích:

“Vì trường theo định hướng đào tạo chất lượng cao nên xây dựng số tiết tăng thêm, vượt số tiết mà Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. 

Khi dạy vượt số tiết như vậy, chúng ta hiểu như dạy thêm ngoài giờ và cũng như dạy 2 buổi/ngày. 

Bản chất khoản thu ngoài học phí 155.000 đồng/học sinh/tháng là phí bổ trợ các môn nâng cao theo chương trình và phí liên kết các loại hình ngoại ngữ, kỹ năng sống, câu lạc bộ năng khiếu…”

Thầy Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân, ảnh: pgdthanhxuan.edu.vn
Thầy Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân, ảnh: pgdthanhxuan.edu.vn

Theo thầy Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân, nếu Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân phát thông báo thu "học phí chất lượng cao" là hoàn toàn sai về bản chất. [1]

Vậy bản chất các khoản thu ấy là gì?

Bản thân thầy Phạm Gia Hữu trên cương vị Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân, cũng không chỉ ra được tên gọi / bản chất các khoản thu này là gì và dựa trên cơ sở pháp lý nào.

Thầy Phạm Gia Hữu khẳng định đó không phải là "học phí chất lượng cao", cũng chẳng phải "phụ phí" như cách gọi tạm của truyền thông, mà là "phí bổ trợ", nhưng không thể đưa ra văn bản nào quy định loại phí này.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân có phân bua thêm về khoản "phí bổ trợ" này rằng: "chúng ta hiểu như dạy thêm ngoài giờ và cũng như dạy 2 buổi / ngày".

Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND ngày 22/11/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành quy định về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập ở Thủ đô (trừ trường chất lượng cao), quy định:

Thu chi học 2 buổi / ngày với học sinh trung học cơ sở không quá 150 nghìn đồng / học sinh / tháng. [2]

Phí bổ trợ chất lượng cao ở Thanh Xuân, biểu hiện coi thường kỷ cương phép nước? ảnh 2

Cứ "thỏa thuận" được với phụ huynh là thoải mái thu tiền, Bộ chỉ đạo vô nghĩa?

Nếu khoản thu 1.958.000 đồng / học sinh / tháng của Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân "cũng như dạy 2 buổi / ngày", thì trường này đã thu cao hơn quy định gấp 13 lần.

Còn nếu khoản thu 1.958.000 đồng / học sinh / tháng của Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân "chúng ta hiểu như dạy thêm ngoài giờ" (chính khóa), thì trường này đã thu cao hơn quy định 4,5 lần. Tại sao chúng tôi lại đưa ra con số này?

Bởi thu chi dạy thêm học thêm của Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân phải tuân thủ Quyết định 22/2013/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ngày 25/6/2013, ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn Thủ đô. [3]

Quyết định 22/2013/QĐ-UBND nói trên quy định mức thu tối đa tiền học thêm của một học sinh trung học cơ sở trong lớp có sĩ số 40 em trở lên, là 6.000 đồng / tiết.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời thầy Phạm Gia Hữu nói, các môn bổ trợ (Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân) dạy theo mô hình 2 buổi/ngày nhưng kiến thức nâng cao, khó hơn nên khi tính chi phí phải tính khác với mức phí dạy thêm của mô hình 2 buổi/ngày. [4]

Mà mô hình dạy 2 buổi / ngày, theo Công văn 7291/BGDĐT-GDTrH ngày 1/1/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày trường trung học, thì buổi chiều cấp trung học cơ sở học không quá 3 tiết, mỗi tuần học không quá 6 ngày. [5]

Như vậy, nếu coi 1.958.000 đồng Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân thu của cha mẹ 1 học sinh 1 tháng là "tiền học thêm", thì theo các văn bản trên đáng lẽ họ chỉ phải đóng: 6000 (đồng) x 3 (tiết) x 6 (ngày) x 4 (tuần) = 432.000 đồng / tháng.

Nói cách khác, cha mẹ học sinh đang bị mất: 1.958.000 đồng - 432.000 đồng = 1.526.000 đồng / tháng, hoặc phải đóng tiền học thêm chính khóa cao gấp 4,5 lần quy định.

"Thống nhất" vô hiệu hóa kỷ cương phép nước?

Chúng tôi viện dẫn các văn bản, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về các khoản thu khác trong trường phổ thông công lập Hà Nội như trên, để thấy rằng quy định quản lý việc dạy thêm và thu chi trong trường không thiếu.

Thậm chí quy định rất cụ thể, chi tiết.

Buổi đối thoại giữa Ban giám hiệu Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân và Ban đại diện phụ huynh chiều 12/11. Ảnh: Thái San / Báo Kinh tế & Đô thị.
Buổi đối thoại giữa Ban giám hiệu Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân và Ban đại diện phụ huynh chiều 12/11. Ảnh: Thái San / Báo Kinh tế & Đô thị.

Nhưng tình trạng học thêm dường như cứ ngày càng thêm nặng, ngay giữa Thủ đô chứ chưa nói các tỉnh thành khác, phải chăng một phần cũng do tác động, lực đẩy từ những khoản thu này?

Cái thiếu ở đây là ý thức thượng tôn pháp luật và gương mẫu của cán bộ quản lý giáo dục ở cơ sở.

Trong trường hợp nói trên, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân cũng như vị Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân quận đã ra văn bản "thống nhất" với các khoản thu trái quy định.

Là người chịu trách nhiệm chính tham mưu cho lãnh đạo quận Thanh Xuân về quản lý giáo dục, thầy Phạm Gia Hữu không thể nói là không biết những quy định này;

Nhưng không hiểu sao thầy vẫn tham mưu cho Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Lê Mai Trang ra văn bản số 1922/UBND-GDĐT ngày 6/11/2018. [6]

Phân trần với Báo Tuổi Trẻ, thầy Phạm Gia Hữu được báo dẫn lời, nói rằng:

"Quận chỉ ra văn bản đồng thuận, đồng ý cho việc thu chứ không phê duyệt, trên cơ sở nhà trường thực hiện đầy đủ hồ sơ liên kết theo quy định của ngành giáo dục. 

Quận phải kiểm soát các khoản thu này, đây là cách để quận giám sát."

Chúng tôi không thể hiểu nổi, phải chăng đây là một ví dụ điển hình của sáng tạo ngôn từ: quận chỉ ra văn bản đồng thuận, đồng ý cho việc thu chứ không phê duyệt!?

Phí bổ trợ chất lượng cao ở Thanh Xuân, biểu hiện coi thường kỷ cương phép nước? ảnh 4

Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân có lạm dụng mác "chất lượng cao" để thu tiền?

Thầy Phạm Gia Hữu giải thích, Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân không đủ thẩm quyền để phê duyệt, trường báo cáo quận các khoản thu để quận quản lý, kiểm tra, tránh thu sai, thu nhiều.

Đã không đủ thẩm quyền phê duyệt các khoản thu của Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân đề xuất mà ra văn bản đồng thuận, đồng ý cho trường này thu, phải chăng Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Lê Mai Trang đang lạm quyền?

Thiết nghĩ Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân nên nghiêm túc xem lại văn bản 1922/UBND-GDĐT do bà ký ngày 6/11/2018 cũng như đội ngũ tham mưu cho mình ra văn bản "vượt thẩm quyền" này.

Giữa Thủ đô mà vẫn còn ngang nhiên tồn tại tình trạng (tạm gọi là) lạm thu và "thống nhất" vô hiệu hóa các văn bản, quy định cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên, cả Bộ Giáo dục và Đào tạo lẫn Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội;

Như thế này, chúng tôi mới thấy cảm thông với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trước áp lực của dư luận về vấn đề giải pháp chống tình trạng dạy thêm tràn lan.

Tất nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể nói là không liên quan gì, bởi chương trình sách giáo khoa nặng trịch và các cuộc thi triền miên ngày tháng từ trường lên Bộ cùng chỉ tiêu, thành tích, đã đẩy các em vào lớp học thêm tối ngày.

Nhưng cũng phải nói cho công bằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những nỗ lực nhằm quản lý, chấn chỉnh các hoạt động dạy thêm, nhưng lại bị chính một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục ở cơ sở vô hiệu hóa.

Đây có lẽ cũng là minh chứng điển hình để lý giải tại sao lại có kiến nghị giải tán cấp phòng giáo dục và đào tạo, tái cấu trúc bộ máy quản lý giáo dục đào tạo cho tinh gọn và hiệu quả.

Nguồn:

[1]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/truong-thcs-thanh-xuan-khong-phai-hoc-phi-chat-luong-cao-ma-la-phi-bo-tro-488695.html

[2]https://bientap.vbpl.vn//FileData/TW/Lists/vbpq/Attachments/99010/VanBanGoc_51.2013.Q%C4%90.UBND(01).pdf

[3]https://luatvietnam.vn/giao-duc/quyet-dinh-22-2013-qd-ubnd-uy-ban-nhan-dan-tp-ha-noi-79290-d2.html

[4]https://tuoitre.vn/quan-dong-thuan-chu-khong-phe-duyet-thu-hai-loai-hoc-phi-20181114100849043.htm

[5]https://vanban.luatminhkhue.vn/xem-vb/186994/cong-van-7291-bgddt-gdtrh-huong-dan-day-hoc-2-buoi-ngay-truong-trung-hoc.aspx

[6]https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/truong-thu-phu-phi-gap-nhieu-lan-hoc-phi-thua-nhan-sai-va-dinh-chinh-xin-loi-20181114065126558.htm

Hồng Thủy