LTS: Với góc nhìn của một người làm công tác quản lý giáo dục, thầy giáo Hữu Sơn cho rằng các giáo viên hiện còn nhiều định kiến với hội thi giáo viên giỏi.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Gần đây trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xuất hiện thêm một số bài viết của các nhà giáo đang đứng lớp bày tỏ về những khó khăn, áp lực, nỗi khổ của giáo viên và học sinh khi tham gia, góp mặt trong hội thi giáo viên dạy giỏi ở các cấp học.
Tôi thấy một số thầy cô giáo của chúng ta, hiện nay vẫn còn nặng nề, định kiến về hội thi này.
Có người còn mạnh miệng đề xuất bỏ hẳn hội thi giáo viên dạy giỏi nhưng chẳng nêu ra được các giải pháp, hình thức nào khác thay thế để nâng cao chất lượng chuyên môn của nhà giáo.
Các hội thi giáo viên dạy giỏi được đánh giá là rất cần thiết đối với hoạt động sư phạm. Ảnh minh họa: http://www.baohanam.com.vn |
Theo tôi, nếu là thầy cô giáo mà dị ứng, phản bác, sợ hãi không dám xung phong, tự nguyện một lần tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi từ cấp trường, cấp huyện (quận), cấp tỉnh (thành phố)… trong đời dạy học của mình thì thôi đừng làm nghề giáo nữa, xin chuyển sang nghề, lĩnh vực khác kiếm sống.
Làm việc trong môi trường sư phạm mà luôn tìm cách thoái thác, né tránh, “quay lưng” với những hoạt động nghề nghiệp, chuyên môn của tập thể, của nhà trường, của ngành thì làm sao giúp cho phong trào, chất lượng giáo dục đơn vị, địa phương mình phát triển, đi lên?
Tôi được biết, một số giáo viên có tư tưởng, biểu hiện tiêu cực như trên là vì, để có thời gian dạy học thêm, làm các công việc khác nhiều hơn.
Về cách thức tổ chức, tiến hành Hội thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những cải tiến, điều chỉnh, nhìn chung là phù hợp (Thông tư số 21/2010/TT-BGDĐ): thời gian tổ chức, bài kiểm tra năng lực, mấy tiết dạy trên lớp, chấm sáng kiến kinh nghiệm/ đề tài.
Các hội thi giáo viên dạy giỏi được đánh giá là rất cần thiết đối với hoạt động sư phạm, dạy học của nhà giáo, nhà trường phổ thông.
Một “sân chơi” vô cùng bổ ích, các thầy cô giáo tham gia học hỏi được nhiều kinh nghiệm, phương pháp dạy học hay, tích cực từ đồng nghiệp, từ góp ý của ban giám khảo, giúp cho công việc dạy học của thầy cô thêm hiệu quả, chất lượng.
Hơn nữa, đạt giải cao, thầy cô giáo còn được vinh danh, được khen thưởng, nâng lương trước thời hạn, tham gia vào hội đồng chuyên môn của Phòng, Sở giáo dục…( Theo Điều 21, sử dụng kết quả thi).
Đáng mừng, sau hội thi, không ít thầy cô giáo đã tự tin, vững vàng, trưởng thành thấy rõ về truyền đạt kiến thức, vận dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học hiện đại.
Cũng thừa nhận rằng, ở một số nơi, công tác tuyên truyền, tổ chức, thực hiện chưa tốt, còn để nảy sinh chuyện nọ, chuyện kia, tiêu cực, thiếu công tâm… khiến giáo viên bức xúc, nhất là số thầy cô giáo thi bị trượt.
Tính khuếch đại, lây lan của những cái chưa tốt, tiêu cực ấy rất lớn, tác động mạnh đến tâm tư, nhận thức của nhiều đối tượng khác.
Vì vậy, nhiều nhà giáo từ già đến trẻ, đã đi thi đến chưa đi thi có cái nhìn thiếu thiện cảm về Hội thi giáo viên dạy giỏi, nơi đây toàn “đóng kịch”, “gà, vịt”…
Đến ngày Hội thi, giáo viên thì chán ngán, ngại khó nhọc; động viên tinh thần xung phong thì đùn đẩy, né tránh, còn cán bộ quản lý thì lo lắng, sợ cấp trên phê bình… tìm cách “bắt” giáo viên đi thi.
Người thuần tính lặng lẽ chấp nhận, người khó tính giãy nảy, khó chịu ra mặt. Bản chất, mục đích của hội thi đều tốt đẹp, khỏi bàn thêm.
Cái rắc rối, phức tạp, nhiêu khê… tại con người, thầy cô chúng ta mà ra cả dẫn đến hoài nghi, thiếu niềm tin lẫn nhau.
Để hội thi có ý nghĩa này, có chiều sâu, thực chất, hạn chế tiêu cực nảy sinh, từng địa phương, nhà trường cần có những thay đổi, điều chỉnh về nhận thức và cách thức tổ chức.
Theo tôi, Ban giám hiệu nhà trường nên động viên, khuyến khích thầy cô giáo đi thi, ai không muốn đi thì thôi, tuyệt đối không bắt buộc họ đi thi, vì Thông tư hướng dẫn hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi không có quy định ràng buộc.
Bài thi kiểm tra về năng lực kiến thức, phương pháp dạy học và sáng kiến kinh nghiệm/ đề tài thì vẫn giữ nguyên như quy định.
Về các tiết dạy thực hành trên lớp, có thể điều chỉnh theo hướng dự giờ đột xuất tại trường, không báo trước.
Tức là, thầy cô giáo nào có đăng ký dự thi thì ban tổ chức, ban giám khảo tự lên kế hoạch dự giờ bất cứ thời điểm nào, lớp nào.
Tất nhiên giới hạn trong một khoảng thời gian nhất định ( không quá 2 tuần) để hội được tập trung, lắng đọng.
Cách này dự giờ này sẽ đánh giá được thực chất hơn, chẳng còn chuyện thầy, cô luyện “gà”, “đóng kịch”, dạy thử hàng chục lần trước khi dạy chính, hạn chế được những mối quan hệ nhờ vả, giúp sức…
Ai đạt giải cao có hình thức khen thưởng xứng đáng, chẳng hạn được chuyển, thăng chức ngạch nhà giáo.
Gắn kết quả hội thi này với quyền lợi thiết thực hơn nữa dành cho nhà giáo đạt giải cao, tức khắc chất lượng hội thi, cùng với số lượng người đăng ký sẽ khác hẳn. Lúc ấy, chẳng mấy người than thở, đùn đẩy nữa?