Thi giáo viên giỏi cấp thành phố, nhiều thầy cô tự…rớt

21/11/2018 07:42
Thanh An
(GDVN) - Chuyện giáo viên tự đánh rớt mình không phải bây giờ mới xảy ra mà nó đã âm thầm diễn ra từ nhiều năm trước.

LTS: Chỉ ra 4 nguyên nhân lý giải vì sao giáo viên tự đánh rớt mình khi thi giáo viên giỏi cấp thành phố, thầy Thanh An đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Ngành giáo dục địa phương nơi chúng tôi công tác vừa thông báo kết quả phần lý thuyết của Hội thi giáo viên giỏi cấp thành phố. Tuy nhiên, có nhiều giáo viên có điểm thi rất thấp.

Chuyện điểm thấp hay cao không phải là vấn đề gì quá ghê gớm nếu như đó là thực lực của mỗi giáo viên tham dự. Có điều, việc rớt của một số giáo viên này đã có chủ định từ trước.

Vì không muốn tham gia Hội thi giáo viên giỏi cấp thành phố tổ chức nên nhiều giáo viên đủ điều kiện tham gia thi nhưng họ nhất quyết không đăng ký tham dự.

Một số lãnh đạo nhà trường gặp gỡ, động viên, giao cho các tổ trưởng chuyên môn làm công tác tư tưởng cho giáo viên trong tổ nhưng vẫn không hiệu quả, chỉ có khoảng hơn một nửa giáo viên tự nguyện đăng ký tham dự.

Bất lực trước giáo viên nhưng khổ nỗi Phòng Giáo dục giao chỉ tiêu phải có ít nhất 15% giáo viên của trường phải tham dự Hội thi giáo viên giỏi thành phố nên Ban Giám hiệu một số trường phải… ép buộc giáo viên đến cùng.

Giáo viên tham gia thi giáo viên dạy giỏi (Hình ảnh mang tính chất minh họa: ththanhxuantrung.pgdthanhxuan.edu.vn).
Giáo viên tham gia thi giáo viên dạy giỏi (Hình ảnh mang tính chất minh họa: ththanhxuantrung.pgdthanhxuan.edu.vn).

Biện pháp mà Ban Giám hiệu áp dụng là triệu tập toàn thể giáo viên đủ điều kiện (có 2 năm liên tục là giáo viên giỏi cấp trường) vào trường để họp.

Ban đầu, các thành viên Ban Giám hiệu động viên, thuyết phục một lần nữa, họ đưa ra rất nhiều gợi ý như các thầy cô thi giáo viên giỏi không chỉ đem lại danh dự cho nhà trường, bản thân, được xét thi đua cuối năm mà điều cốt lõi là có thêm kinh nghiệm để nâng cao tay nghề cho mình.

Tuy nhiên, những lời động viên ấy hình như cũng chẳng lay động được những giáo viên trong cuộc họp.

Thế là, Ban Giám hiệu chỉ định một số giáo viên phải tham dự, những giáo viên là đảng viên trong trường đương nhiên được lựa chọn đầu tiên, sau đó mới đến những giáo viên khác.

Khi đã đủ số lượng giáo viên tham dự Hội thi, Ban Giám hiệu gửi danh sách về Phòng Giáo dục và cứ đinh ninh rằng mọi chuyện sẽ diễn ra tốt đẹp như kế hoạch và dự tính.

Vậy nhưng, một số giáo viên vì họ không thiết tha với Hội thi này nên ngày thi lý thuyết dù họ vẫn tham dự đầy đủ nhưng khi làm bài phần trắc nhiệm thì một số thầy cô làm cầm chừng vài câu đúng còn lại khoanh tròn những đáp áp sai. Phần tự luận cũng viết cầm chừng và dẫn dắt vấn đề lạc hướng.

Nhìn cách làm bài của một số giáo viên như vậy, một số thầy cô khác cùng phòng thi đã thì thào với nhau về khả năng rớt của những người này sẽ là điều được dự báo. Bởi, họ chỉ làm một thời gian rất ngắn là ngồi… đợi hết giờ để ra.

Thi giáo viên giỏi cấp thành phố, nhiều thầy cô tự…rớt ảnh 2Thi giáo viên giỏi - thầy cô không muốn tham gia cũng khó

Chính vì một số thầy cô chủ động rớt nên khi Phòng Giáo dục thông báo kết quả thì giáo viên của các trường cũng không hề bất ngờ.

Một số thầy cô trong Ban Giám hiệu thì ngao ngán thất vọng về cách hành xử, cách phản kháng có phần tiêu cực này.

Nhưng, họ cũng không thể nào xử lý được, bởi giáo viên vẫn dự thi, bài thi vẫn có điểm. Hỏi giáo viên thì họ nói là họ làm bài không tốt…

Vì sao giáo viên tự mình đáng rớt mình?

Chuyện giáo viên tự đánh rớt mình không phải bây giờ mới xảy ra mà nó đã âm thầm diễn ra từ nhiều năm trước.

Nguyên nhân thì nhiều, tuy nhiên, theo chúng tôi tìm hiểu thì những nguyên nhân sau là cơ bản nhất:

Thứ nhất, thi giáo viên giỏi cấp thành huyện (thành phố) hiện nay rất nặng, phải trải qua nhiều vòng thi.

Ngoài chuyện thi lý thuyết, sáng kiến kinh nghiệm thì còn phải giảng dạy 2 tiết thực hành ở đơn vị bạn.

Thủ tục và cách chuẩn bị có phần vất vả, phải đi lại nhiều lần, phải chuẩn bị bài giảng mất khá nhiều thời gian mà lớp học của mình ở trường thì phải nhờ cậy thầy cô khác giảng dạy nên họ ngại.

Thứ hai, có nhiều giáo viên họ cũng đã từng tham gia thi ở các năm trước đây nhưng khi đạt giải rồi thì cấp trên cũng không chú trọng phần ghi nhận, không khen thưởng. Cuối năm xét thi đua thì những danh hiệu cao cũng chẳng đến lượt mình.

Số lượng xét các danh hiệu thi đua cao thì ít mà quy định phải bỏ phiếu kín nên đa phần những người có “máu mặt” trong trường đủ số phiếu, còn giáo viên dạy lớp thì rất ít khi được xét danh hiệu thi đua cao.

Chính vì vất vả đầu tư rất nhiều công sức mà cách đối xử sau kỳ thi, xét thi đua chưa phù hợp, công tâm nên họ chán nản.

Thứ ba, khi thi thì phải đối mặt với các thành viên giám khảo kỳ thi. Dù Phòng Giáo dục đã có chọn lựa giám khảo nhưng cũng có nhiều vị chuyên môn chưa tốt, hoặc lâu ngày làm quản lý nên không dạy, thành ra khi góp ý không phù hợp, trịnh thượng.

Nhiều người chưa tế nhị trong nhận xét, rút kinh nghiệm nên giáo viên họ… ghét thi.

Thi giáo viên giỏi cấp thành phố, nhiều thầy cô tự…rớt ảnh 3Không thi giáo viên dạy giỏi sẽ đánh giá giáo viên thế nào?

Thứ tư, trong các trường phổ thông hiện nay có quá nhiều hội thi, kỳ thi khác, chồng chéo lên nhau nên giáo viên họ luôn bội thực và ngán ngẩm.

Chỉ Hội thi giáo viên giỏi mà cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh xoay tua liên tục cũng đủ cho giáo viên chóng mặt.

Có lẽ, việc giáo viên tự mình đánh rớt mình là một cách phản kháng có phần tiêu cực nhưng suy cho cùng thì giáo viên cũng chỉ là những nạn nhân của việc bội thực các kỳ thi và cách đánh giá, ghi nhận của một số địa phương, nhà trường chưa được thỏa đáng.

Nên chăng, các Hội thi của giáo viên thì lãnh đạo ngành giáo dục phải cương quyết loại trừ những cuộc thi chồng chéo không hữu ích.

Cuộc thi phải hướng tới tính tích cực và thiết thực của ngành. Không nên môn nào cũng thi, cũng phát động dẫn đến sự quá tải giáo viên.

Vấn đề cốt lõi là khi xét thi đua, khen thưởng của các đơn vị phải công tâm, khách quan, khi xét thi đua không chỉ căn cứ cứng nhắc vào hướng dẫn của ngành mà phải căn cứ vào thực tiễn giảng dạy và cống hiến của cá nhân, tập thể đó cho đơn vị mình.

Tất cả cá nhân, đơn vị phải được bình đẳng khi đưa ra bình bầu, tránh thiên vị, tránh người có chức, có quyền thì nghiễm nhiên được xét, được đề nghị công nhận danh hiệu thi đua, giáo viên dạy lớp bình thường thì chờ may rủi dẫn đến sự chán nản cho giáo viên.

Ai cũng biết thi đua thì mới tiến bộ, mới thúc đẩy được sự phấn đấu của giáo viên và sự đi lên của từng đơn vị.

Tuy nhiên, thi đua phải gắn liền với quyền lợi của người tham gia thì giáo viên hay bất kỳ một công, viên chức nào cũng thế mới tự nguyện dấn thân.

Nếu không, chuyện đi thi và tự rớt của một số giáo viên hiện nay sẽ được lặp lại nhiều và chắc chắn không chỉ dừng lại ở một vài người, một vài địa phương.

Thanh An