Gần đây không ít người đề cập đến khái niệm “Triết lý giáo dục” của Việt Nam.
Có ý kiến cho rằng đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có triết lý giáo dục vì không thấy văn bản, nghị quyết nào đề cập đến “Triết lý giáo dục” của Việt Nam.
Cũng có người khẳng định Việt Nam đã có triết lý giáo dục từ khá sớm thể hiện qua câu “Tiên học lễ, hậu học văn”,…
Một số thì cho rằng triết lý giáo dục phải mang tính bao quát, phát biểu gọn trong một câu nói, chẳng hạn giáo dục nhằm đào tạo một thế hệ đủ tầm “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.
Tại diễn đàn Quốc hội, một số đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về “Triết lý giáo dục” và Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết:
“Đã chỉ đạo nhóm nghiên cứu đề tài cấp quốc gia, nghiên cứu một cách thật sự, cẩn thận” về vấn đề cần sự đồng thuận cao trong xã hội là “Triết lý giáo dục”. [1]
Triết lý giáo dục của Việt Nam là gì? Ảnh minh hoạ: giaoduc.net.vn |
Nhiều năm trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đồng ý với Giáo sư Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - về việc triển khai một đề tài khoa học cấp bộ nhằm xác định “Triết lý giáo dục” của Việt Nam. [2]
Hiện chưa biết “Triết lý giáo dục” theo đề tài cấp bộ mà nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chỉ đạo tiến hành đã thực hiện chưa, kết quả thế nào, đã được vận dụng vào các chủ trương, quyết sách giáo dục của nhà nước hay đang lưu trữ chờ ngày “giải mật”?
Có điều chắc chắn là sang nhiệm kỳ của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đề tài “Triết lý giáo dục” Việt Nam đã được nâng lên cấp quốc gia chứ không phải cấp bộ.
Nếu “truyền thống” từ thời Bộ trưởng Luận, Bộ trưởng Nhạ được phát huy thì có lẽ sẽ phải hình thành đề tài cấp ASEAN hay cấp châu lục về triết lý giáo dục của Việt Nam.
Nếu điều đó xảy ra thì kinh phí đề tài sẽ do cơ quan nào chi trả.
Gần đây, một số ý kiến cho rằng “Triết lý giáo dục của chúng ta hiện nay chính là tư tưởng Nghị quyết số 29 - NQ/TW năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Theo dõi phát biểu của các đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, Phạm Trí Thức, Phạm Trọng Nhân hoặc quan điểm của các tác giả khác như Hoàng Xuân Vinh, Nguyễn Khánh Trung,… có thể thấy một điều thú vị, “Triết lý giáo dục” nhận được sự quan tâm từ một bộ phận khá đông những người không làm việc trong ngành giáo dục.
Đặc biệt là chưa thấy truyền thông đưa tin về quan điểm của các thành viên “Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực” cũng như “Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục, đào tạo” liên quan đến “Triết lý giáo dục” của Việt Nam?
Nếu thành viên hai cơ quan mang trọng trách “Quốc gia” ấy chưa lên tiếng, cùng với đó là cả hai cơ quan này chưa lên tiếng, nếu chỉ một “Đề tài khoa học” do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì là đủ để xây dựng “Triết lý giáo dục” quốc gia thì liệu có thể yên tâm đó sẽ là một “triết lý” khoa học, hoàn chỉnh có tầm tác dụng nhiều thập kỷ, hoặc là cả thế kỷ?
Với mỗi quốc gia, “Triết lý giáo dục” có quan trọng không?
Câu trả lời là có.
Từ năm 1945 đến nay, chưa có một văn kiện chính thức nào đề cập đến “Triết lý giáo dục” của Việt Nam mặc dù “Triết lý giáo dục quan trọng như Hiến pháp của quốc gia, là kim chỉ nam cho hoạt động dạy và học”. [3]
“Anh còn muốn cái cử nhân ư? Này! Tôi bán cho anh một xu thôi” |
Vậy có phải vì thiếu “triết lý” mà giáo dục nước nhà có nhiều bất cập?
Câu trả lời của cá nhân người viết là không.
Trên thế giới, khi một lực lượng chính trị lên nắm quyền, chẳng hạn sau các cuộc đảo chính quân sự, việc đầu tiên mà giới tướng lĩnh cầm quyền tiến hành là sửa hiến pháp, đôi khi là bãi bỏ hiến pháp.
Xem thế đủ thấy Hiến pháp trong không ít trường hợp chỉ là công cụ mà giới chính trị sử dụng nhằm củng cố quyền lực.
Cũng có trường hợp một số điều được ghi trong hiến pháp chỉ là để mỵ dân chứ không bao giờ được thực hiện.
Suy ra hoạt động giáo dục ngay cả khi có “Triết lý giáo dục” cũng chưa chắc mang lại kết quả (theo mong đợi của số đông) nếu lực lượng cầm quyền dành sự quan tâm nhiều hơn đến kinh tế, chính trị chứ không phải giáo dục.
Chính vì lẽ đó, bài viết này không có tham vọng đề cập đến vấn đề “cao siêu” là triết lý giáo dục (Educational philosophy statement), cũng không muốn nói đến vấn đề chuyên sâu là “Triết học về giáo dục” (Philosophy of education) mà chỉ xin nêu một vài suy nghĩ.
Cứ cho rằng “Triết lý giáo dục” được các chuyên gia xây dựng xong, liệu nó có giúp cho giáo dục nước nhà thực sự đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương, có tạo nên sự biến chuyển về chất của nền giáo dục nước nhà?
Một trong ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật trong triết học Mác - Lênin là Quy luật Lượng - Chất.
Quy luật này có thể khái quát như sau: “Trong mỗi sự vật, sự thay đổi về lượng diễn ra từ từ, đến một mức độ nhất định sẽ dẫn tới sự thay đổi (nhảy vọt) về chất”.
Rất nhiều người đang nhầm lẫn giữa mục tiêu và triết lý giáo dục |
Như vậy, muốn nền giáo dục thay đổi về “chất” thì nền giáo dục đó phải có sự thay đổi căn bản về lượng.
Đòi hỏi hình thành “Triết lý giáo dục Việt Nam” chỉ là những phát biểu hình thức hay thực sự các diễn giả muốn “chất” của giáo dục thay đổi?
Phải chăng các ý kiến phát biểu đều cho rằng giáo dục nước nhà đã hoàn thành giai đoạn biến đổi về “lượng”, giờ là lúc “biến chất” để trở thành nền giáo dục có “triết lý”?
Không khó để nhận diện sự thay đổi về lượng của giáo dục nước nhà thông qua nghiên cứu ba lĩnh vực chủ chốt:
Các chính sách giáo dục; Cơ sở vật chất phục vụ giáo dục; Chất lượng đào tạo sư phạm và trình độ thực tế của đội ngũ nhà giáo.
Về chính sách giáo dục:
Hiến pháp, Nghị quyết 29 của Trung ương đều khẳng định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, vậy cho đến nay điều này đã trở thành hiện thực hay vẫn còn đang tranh luận?
Một nền giáo dục bị điều chỉnh bởi rất nhiều đạo luật (Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Viên chức,…);
Các cơ sở giáo dục đại học bị “chủ quản” bởi rất nhiều bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội là hợp lý hay bất cập?
Một Bộ Giáo dục và Đào tạo “hữu danh vô thực” gần như không quản lý ngân sách và đội ngũ nhà giáo là hợp lý hay bất cập?
Với việc hiện nay, Quốc hội đang phải tiến hành sửa đổi các Luật Giáo dục, vừa sửa xong Luật Giáo dục đại học, việc chưa ban hành được Luật Nhà giáo,… có thể thấy chính sách giáo dục của Việt Nam cho đến năm 2018 này vẫn còn đang trong giai đoạn hoàn chỉnh.
Về cơ sở vật chất:
Hệ thống trường học bị chia nhỏ, số trường liên cấp bậc phổ thông không đáng kể; Mạng lưới trường đại học, trường đào tạo nghề không hợp lý;
Cơ sở vật chất khối trường phổ thông nghèo nàn, nhất là các phòng học ngoại ngữ, tin học;
Tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông gần như không có trang thiết bị cho mảng giáo dục thể chất, thậm chí nhiều đại học tầm cỡ cùng không có bể bơi, phòng tập thể thao,…
Tại thủ đô Hà Nội, tình trạng một lớp học có tới 60-70 học sinh không phải là cá biệt.
Nếu cần nói thêm thì đó là tình trạng xuống cấp trường lớp tại nhiều địa phương không chỉ là đe dọa an toàn tính mạng học trò mà thực sự đã khiến không ít học sinh nhập viện.
Hệ thống trường học miền núi, vùng sâu vùng xa, mạng lưới giao thông đến các điểm trường có bao nhiêu phần trăm đạt chuẩn theo quy định?
Có thể khẳng định cơ sở vật chất của giáo dục nước nhà còn nghèo nàn, ít được đầu tư và hình như chưa dành được sự quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền địa phương.
Những cố gắng mà hệ thống chính trị mang lại rõ nét nhất là 20% ngân sách dành cho giáo dục và một số quy định trong Hiến pháp, trong các Nghị quyết mà cho đến nay không ít quy định vẫn chưa có chế tài thực hiện.
Với nguồn ngân sách hạn hẹp, việc xã hội hóa giáo dục tuy đã đặt ra song vướng quá nhiều rào cản cả về cơ chế lẫn tâm lý cán bộ nên hầu như dậm chân tại chỗ.
Về đội ngũ nhà giáo:
Chất lượng đào tạo giáo viên, sự quan tâm của xã hội và những người hoạch định chính sách đến nghề dạy học là vấn đề không phải bàn luận thêm bởi đã có quá nhiều phân tích, đánh giá.
Cho đến thời điểm hiện tại, khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề xuất các tiêu chuẩn nâng cao trong tuyển chọn giáo sinh sư phạm thì sau bao năm nữa Việt Nam sẽ có đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn?
Đến lúc nào sẽ tuyệt đối chấm dứt nạn cô giáo cho học sinh tát bạn hơn 200 cái, hay chuyện giảng viên Học viện Quản lý giáo dục đã đấm vào mặt trưởng khoa ngay trong cuộc họp?
Những năm qua, giáo dục là ngành có nhiều người thi tuyển viên chức nhất, và dư luận cho rằng đây là mảnh đất rất giàu “dinh dưỡng” cho những người phụ trách “canh tác”.
Nhà giáo có lẽ là đối tượng phải “thi” nhiều nhất, thi từ lúc chưa vào ngành đến lúc cầm quyết định hưu trí.
Nhà giáo cũng là đối tượng dễ bị sa thải nhất, có khi tới hơn 400 người bị mất việc cùng lúc chỉ bởi một quyết định hành chính của chính quyền tỉnh, huyện.
Nhà giáo có lẽ là đối tượng duy nhất sau mấy chục năm công tác, khi về hưu phải được nhà nước “bù lỗ” mới nhận được mức lương hưu bằng lương cơ bản.
Đấy là thực trạng về “lượng” của giáo dục Việt Nam cho đến nay.
Với “lượng” như vậy giáo dục Việt Nam đạt được những gì?
Thứ nhất là xóa nạn mù chữ, thành tích này luôn được so sánh với thời kỳ 1945, khi đó trên 90% dân số mù chữ.
Không ít lãnh đạo và cơ quan truyền thông đề cập đến những thứ hạng cao mà nước ngoài dành cho giáo dục Việt Nam.
Đôi khi có người “tự sướng” mà quên rằng trên đời này không phải là không có kiểu “khen cho chết”.
Nếu giáo dục Việt Nam đạt chất lượng cao như thế thì vì sao rất ít người nước ngoài đến Việt Nam học tập?
Người Việt Nam mỗi năm bỏ ra từ 3 đến 4 tỷ USD cho con du học là biểu hiện rõ nhất về chất lượng giáo dục nước nhà.
Quy ra tiền Việt, số tiền này tương đương 70 - 90 nghìn tỷ đồng nghĩa là bằng khoảng 1/3 ngân sách quốc gia chi cho giáo dục (năm 2017 chi ngân sách cho giáo dục là 248.118 tỷ đồng).
(Còn nữa)