Bộ Nội vụ đang làm gì với “Quốc sách hàng đầu” vậy?

10/10/2018 08:19
Xuân Dương
(GDVN) - Liệu có nên kiến nghị thay đổi nội dung “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” trong Hiến pháp bằng quy định “Nội vụ là quốc sách hàng đầu”?

Năm 2015 Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV. Thông tư này đưa ra các quy định về khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Năm 2017 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT “Hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng, người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập”.

Trong Thông tư liên tịch 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định về số trẻ (học sinh) trong một nhóm trẻ (lớp) và tỷ lệ giáo viên trên một nhóm trẻ (lớp) cấp mầm non khá chi tiết vì vậy trong bài viết này chỉ lấy các số liệu bình quân, chẳng hạn bình quân mỗi nhóm trẻ từ 03 tháng đến 36 tháng bố trí 20 trẻ, từ 36 tháng đến 6 tuổi bình quân là 30 trẻ, bình quân cả cấp Mầm non sẽ là 25 trẻ/lớp,…

Có thể thấy không một cơ quan nào cả chuyên môn lẫn truyền thông có được số liệu chính xác về sự “thừa, thiếu” giáo viên phổ thông. Ảnh minh họa: VTV
Có thể thấy không một cơ quan nào cả chuyên môn lẫn truyền thông có được số liệu chính xác về sự “thừa, thiếu” giáo viên phổ thông. Ảnh minh họa: VTV

Điều 17, Điều lệ trường tiểu học quy định sĩ số một lớp không quá 35 học sinh.

Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trung học phổ thông nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT quy định mỗi lớp học ở hai cấp này có không quá 45 học sinh.

Tổng hợp các quy định tại hai thông tư trên, cùng với số liệu trong “Tờ gấp giáo dục đào tạo năm 2017” được đưa vào bảng sau, (số liệu trong ngoặc đơn ứng với các trường hợp đặc biệt).

Cách tính trong bảng:

Mục “Số lớp theo tính toán” = số học sinh/sĩ số

Mục “Số giáo viên theo tính toán” = Số lớp theo tính toán*Tỷ lệ giáo viên/lớp (tỷ lệ thấp nhất)

Cấp học

Mầm non

Tiểu học

Trung học cơ sở

Trung học phổ thông

Số học sinh (hs)

5.085.635

7.801.560

5.235.524

2.477.175

Số giáo viên (gv)

316.616

397.098

310.953

150.721

Tỷ lệ giáo viên /lớp

2,2 (2,5)

1,2 (1,5)

1,9 (2,2)

2,25 (2,4)

Sĩ số

25

≤ 35

≤ 45

≤ 45

Số lớp theo tính toán

203.425

222.901

116.345

55.048

Số giáo viên theo tính toán

447.356

268.482

221.055

123.859

Thừa

129.616

89.897

26.862

Thiếu

130.920

                       Số liệu theo các văn bản quy phạm pháp luật

Với số liệu giáo viên, học sinh Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, cấp mầm non hiện thiếu 130.920 giáo viên, trong khi đó số giáo viên thừa tại các cấp tiểu học là 129.616 người; trung học cơ sở là 89.897 người và trung học phổ thông là 26.862 người.

Nếu tỷ lệ giáo viên/lớp chọn ở mức cao nhất (số trong ngoặc đơn) thì số giáo viên theo tính toán như sau:

Mầm non: 203.425*2.5 = 508.563 (thiếu 191.947 người)

Giáo viên tiểu học: 222.901*1.5 = 334.352 (thừa 62.745 người);

Giáo viên trung học cơ sở: 116.345*2.2 = 255.959 (thừa 54.994 người)

Giáo viên trung học phổ thông: 55.048*2.4 = 132.116 (thừa 18.605 người)

Báo điện tử Đài Truyền hình Việt Nam đưa thông tin:

Theo thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại 43 tỉnh thành hiện đang thiếu gần 76.000 giáo viên. Trong đó, bậc mầm non thiếu trên 43,7 nghìn người, tiểu học thiếu gần 19.000 người.

Riêng bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông xảy ra tình trạng thừa thiếu cục bộ.

Trung học cơ sở thiếu 10.000 người nhưng đồng thời cũng lại thừa 12.000 người. Bậc trung học phổ thông thiếu trên 3.000 người.

Đội ngũ giáo viên đang thừa nơi này nhưng lại thiếu nơi khác, thừa môn này nhưng lại thiếu môn khác. Thừa thiếu cục bộ xảy ra ngay trong quy mô nhà trường, trong 1 huyện, giữa các huyện trong 1 tỉnh”. [1]

Bộ Nội vụ đang làm gì với “Quốc sách hàng đầu” vậy? ảnh 2"Tôi không hiểu Bộ Nội vụ đánh giá quốc sách là như thế nào?"

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cung cấp một số liệu hơi khác:

Tính đến thời điểm tháng 8/2018, so với định mức giáo viên/lớp quy định, cả nước thiếu 43.732 giáo viên mầm non, 18.953 giáo viên tiểu học, 10.142 giáo viên trung học cơ sở, đây là số thiếu cục bộ ở một số địa phương, mặc dù cả nước hiện vẫn thừa 12.165 giáo viên trung học cơ sở; và thiếu 3161 giáo viên trung học phổ thông”. [2]

Có thể thấy không một cơ quan nào cả chuyên môn lẫn truyền thông có được số liệu chính xác về sự “thừa, thiếu” giáo viên phổ thông.

Vậy tìm đâu ra con số chính xác và cơ quan nào phải chịu trách nhiệm về sự “loạn xạ” trong số liệu thừa thiếu giáo viên này?

Chỉ tiêu tuyển dụng viên chức giáo dục bậc phổ thông, tổ chức thi tuyển hoàn toàn do Ủy ban Nhân dân (cụ thể là ngành Nội vụ) quản lý.

Đây là “sân chơi” mà ngành Giáo dục chỉ có thể quan sát chứ không có quyền tham dự.

Đã rất nhiều lần, xin nhắc lại là rất nhiều lần, người viết đã nêu ý kiến về thống kê giáo dục, chẳng hạn căn cứ vào số liệu tổng điều tra dân số, tỷ lệ sinh thay thế và phân bổ dân cư vùng miền, hoàn toàn có thể dự báo (với sai số không đáng kể) số trẻ em bắt đầu nhập học từ cấp mầm non đến trung học phổ thông.

Trên mạng xã hội xuất hiện không ít tài liệu, công trình nghiên cứu về lĩnh vực dự báo dân số, chẳng hạn:

Dự báo dân số Việt Nam bằng các mô hình thống kê. [3]

Dự báo dân số Việt Nam 2009 - 2034 (tổng cục Thống kê). [4]

Sử dụng công nghệ thông minh vào các công đoạn của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. [5]

Bộ Nội vụ đang làm gì với “Quốc sách hàng đầu” vậy? ảnh 3Giáo dục - cội nguồn của thành công và thất bại (1)

Vậy phải chăng cả hai cơ quan liên quan là Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ chưa tuyển đủ chuyên viên có thể ứng dụng Công nghệ Thông tin vào chuyên môn để đến nỗi mỗi nơi có một số liệu về đội ngũ thày cô giáo?

Và phải chăng khi thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì hai bộ nêu trên đang còn ở giai đoạn 0.4?

Để có được bảng tính toán nêu trên, người viết mất gần 2 giờ tìm kiếm thông tin và chỉ với công cụ Excel phiên bản cũ rích từ 2010, trong vòng 40 phút là tính toán xong.

Vậy đội ngũ “Công chức tin học” của các bộ không muốn tính hay thiếu … phần mềm?

Người viết không có ý đổ lỗi hoàn toàn cho Bộ Nội vụ khi nêu câu hỏi “Bộ Nội vụ đang làm gì với “Quốc sách hàng đầu”?”.

Bởi lẽ Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể không chịu một phần trách nhiệm song phải khẳng định, rằng Bộ Nội vụ là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc quy định chỉ tiêu tuyển dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên tại các địa phương.

Chẳng lẽ lại phải kêu lên, rằng “Các Bộ ơi, hãy chịu khó làm việc thêm chút nữa”?

Nói thế nhưng dẫu có kêu đến khản cổ liệu các bộ có nghe thấy?

Liệu có nên kiến nghị thay đổi nội dung “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” trong Hiến pháp bằng quy định “Nội vụ là quốc sách hàng đầu”?

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vtv.vn/giao-duc/nghich-ly-thua-thieu-giao-vien-truoc-them-nam-hoc-moi-20180826194652065.htm

[2]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/bo-gd-dt-khong-chu-dong-duoc-trong-viec-dieu-tiet-thua-thieu-giao-vien-474258.html

[3]https://text.xemtailieu.com/tai-lieu/du-bao-dan-so-viet-nam-bang-cac-mo-hinh-thong-ke-202806.html

[4] https://www.gso.gov.vn/Modules/Doc_Download.aspx?DocID=13086

[5]http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/91-11413-su-dung-cong-nghe-thong-minh-vao-cac-cong-doan-cua-tong-dieu-tra-dan-so-va-nha-o-nam-2019.html

Xuân Dương