Vinamilk nên làm rõ nguồn cung sữa tươi nguyên liệu cho Sữa học đường

30/11/2018 11:13
Hồng Thủy
(GDVN) - Hy vọng với vai trò nhà thầu cung cấp Sữa học đường cho Hà Nội, Vinamilk sẽ làm rõ 120 nghìn con bò sữa là của ai, quản lý khai thác như thế nào.

Ngày 28/11, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), đơn vị trúng thầu Gói thầu 01 mua sữa cho chương trình Sữa học đường tại Hà Nội, có thông tin gửi báo chí. Vinamilk cho biết:

Hiện tổng đàn bò của Vinamilk đang quản lý và khai thác sữa là khoảng 120 ngàn con bò với sản lượng sữa tươi nguyên liệu là 800 tấn/ngày. 

Với mức đăng ký tham gia chương trình Sữa học đường tại Hà Nội hiện nay thì mới chỉ sử dụng hết khoảng 12% tổng sản lượng sữa tươi nguyên liệu của Vinamilk. 

Với hàng loạt các dự án đầu tư, mở rộng phát triển vùng nguyên liệu đã và đang được triển khai, dự kiến tổng đàn bò của Vinamilk sẽ được nâng lên khoảng 200.000 con vào năm 2020;

Sản lượng sữa tươi nguyên liệu dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên hơn gấp đôi, đủ khả năng đáp ứng lâu dài cho chương trình Sữa học đường giai đoạn 2018 – 2020 không chỉ riêng Hà Nội mà còn các tỉnh, thành phố khác. 

Hình minh họa bài viết " Đề nghị doanh nghiệp thu mua hết sữa tươi cho nông dân" đăng ngày 2/2/2015 trên báo Công an Nhân dân.
Hình minh họa bài viết " Đề nghị doanh nghiệp thu mua hết sữa tươi cho nông dân" đăng ngày 2/2/2015 trên báo Công an Nhân dân.

Một lần nữa Vinamilk khẳng định:

Sản phẩm Vinamilk cung cấp cho gói thầu Sữa học đường Hà Nội toàn bộ là sản phẩm sữa tươi tiệt trùng.

Chất lượng và nguồn gốc, xuất xứ sữa tươi nguyên liệu tuyệt đối tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về sữa tươi nguyên liệu do Bộ Nông nghiệp &  Phát triển nông thôn ban hành.

Chất lượng sản phẩm sữa tươi tiệt trùng cung cấp cho đề án tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn và quy định của Bộ Y tế. [1] [2]

Mâu thuẫn thông tin về năng lực sản xuất sữa tươi nguyên liệu

Báo Đầu tư ngày 4/2/2017 đưa tin, ngày 2/2/2017, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo đại diện các sở ban ngành thành phố đã đến thăm và chúc Tết tại Nhà máy sản xuất sữa Việt Nam - thuộc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Báo cáo với đoàn công tác, bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk cho biết, về phát triển nguồn nguyên liệu, đến nay tổng đàn bò bao gồm trang trại của Vinamilk và bà con nông dân có ký kết hợp đồng bán sữa cho Vinamilk là gần 120.000 con, mỗi ngày cung cấp khoảng 750 tấn sữa bò tươi nguyên liệu.  

Vinamilk hiện có 10 trang trại đang hoạt động với quy mô tổng đàn gần 20.000 con. Tất cả bò của Vinamilk là bò cao sản, được nhập từ Úc, Mỹ. Nguồn cung cấp sữa tươi trong nước từ nông dân hiện chỉ chiếm khoảng 30% nhu cầu sản xuất của Vinamilk…[3]

Trang 72 Báo cáo thường niên năm 2017 của Vinamilk cho hay, cuối năm 2017, 10 trang trại bò sữa của Vinamilk có tổng đàn là 23.395 con. 

Ảnh chụp màn hình Báo cáo thường niên năm 2017 của Vinamilk, một phần trang 72.
Ảnh chụp màn hình Báo cáo thường niên năm 2017 của Vinamilk, một phần trang 72.

Trang 76 Báo cáo thường niên năm 2017 của Vinamilk cho biết, sản lượng bình quân sữa tươi nguyên liệu hệ thống trang trại của Vinamilk đạt 280 tấn / ngày.

Hiện Vinamilk quản lý hơn 80 trạm thu mua sữa trên phạm vi cả nước với tổng đàn bò trong dân hơn 100.000 con, mỗi ngày cung cấp trên 600 tấn sữa tươi. [4]

Nếu thông tin Báo Đầu tư dẫn lời bà Mai Kiều Liên là chính xác, như vậy, 10 trang trại đang hoạt động của Vinamilk có tổng đàn gần 20 nghìn con bò sữa, nhưng chiếm tới 70% sữa tươi nguyên liệu của Vinamilk, tương đương 525 tấn sữa tươi / ngày.

Con số này cao gần gấp đôi con số sản lượng sữa tươi nguyên liệu hệ thống trang trại của Vinamilk bình quân 1 ngày trong Báo cáo thường niên 2017.

Với sản lượng bình quân 280 tấn sữa tươi nguyên liệu / ngày từ 10 trang trại và khoảng 600 tấn sữa tươi nguyên liệu / ngày thu mua của bà con nông dân, chúng tôi đã gửi đến Vinamilk câu hỏi:

Hiện nay có bao nhiêu % sữa tươi nguyên liệu (bao gồm sữa tươi nguyên liệu tự sản xuất từ trang trại Vinamilk và sữa thu mua của nông dân) được Vinamilk sử dụng làm sữa chua, sữa tươi tiệt trùng & thanh trùng đang bán ra thị trường và, hoặc làm sữa bột xuất khẩu?

Bao nhiêu % đã sử dụng chế biến sản phẩm phục vụ chương trình Sữa học đường tại 8 tỉnh mà Vinamilk đã trúng thầu? Bao nhiêu % dự kiến sẽ được sử dụng chế biến sản phẩm sữa phục vụ chương trình Sữa học đường cho học sinh Hà Nội?

Vinamilk đang "quản lý và khai thác sữa" từ 120 nghìn con bò sữa của ai?

Thông tin Vinamilk cung cấp đến các cơ quan truyền thông ngày 28/11 rằng, tổng đàn bò của Vinamilk "đang quản lý và khai thác sữa là khoảng 120 ngàn con bò với sản lượng sữa tươi nguyên liệu là 800 tấn/ngày", một là khiến dư luận không thể biết trang trại của Vinamilk có bao nhiêu bò sữa, còn lại bao nhiêu là của nông dân.

Ảnh chụp màn hình một phần nội dung bài viết "Vinamilk hỗ trợ nông dân phát triển đàn bò sữa" trên Báo Đầu tư ngày 4/2/2017.
Ảnh chụp màn hình một phần nội dung bài viết "Vinamilk hỗ trợ nông dân phát triển đàn bò sữa" trên Báo Đầu tư ngày 4/2/2017.

Hai là, khái niệm "đang quản lý và khai thác" cũng nên được trình bày một cách tường minh hơn. 

Theo thông tin Báo Đầu tư dẫn lời bà Mai Kiều Liên, thì số bò sữa Vinamilk đang sở hữu trong 10 trang trại chỉ bằng số lẻ nếu so với tổng số 120 nghìn con, trong đó 100 nghìn con của các hộ nông dân ký hợp đồng cung cấp sữa tươi nguyên liệu cho Vinamilk.

Vấn đề đặt ra là, Vinamilk có hỗ trợ chi phí con giống, thức ăn, quy trình chăm sóc thú y, vắt và bảo quản sữa cho nông dân hay không? Nếu có, thì Vinamilk đã và đang hỗ trợ cho bao nhiêu nông hộ, trên bao nhiêu con bò vắt sữa?

Vinamilk có chuyển giao các quy trình kỹ thuật chăm sóc, thú y, vắt và bảo quản sữa đang áp dụng trong hệ thống trang trại của mình cho nông dân ký hợp đồng với Vinamilk hay không? Nếu không, sao đảm bảo được chất lượng, an toàn và sự đồng nhất của nguồn sữa tươi nguyên liệu?

Nếu các chi phí mua con giống, thức ăn, chăm sóc thú y, vắt và bảo quản sữa do nông dân chi trả và, hoặc tự thực hiện, thì đó là bò sữa của nông dân chứ không phải của Vinamilk, khi doanh nghiệp khác trả giá cao hơn thì Vinamilk làm sao đảm bảo được nguồn cung nguyên liệu? 

Những câu hỏi này, chúng tôi cũng đã chuyển đến Vinamilk trước khi doanh nghiệp gửi thông tin báo chí đến truyền thông ngày 28/11.

Sở dĩ phải đặt những câu hỏi này, là vì thực tế mối quan hệ giữa các nông dân chăn nuôi bò sữa với các công ty thu mua sữa tươi nguyên liệu không đơn giản như khẳng định của Vinamilk "đang quản lý và khai thác sữa là khoảng 120 ngàn con bò".

Báo Nhân Dân ngày 12/9/2018 có bài "Tháo gỡ khó khăn cho nông dân nuôi bò sữa ở Sóc Trăng", bài báo viết:

Vinamilk nên làm rõ nguồn cung sữa tươi nguyên liệu cho Sữa học đường ảnh 4

Vấn đề Sữa học đường Hà Nội không nằm ở đấu thầu, mà ở bài thầu

Giám đốc Ban Quản lý dự án phát triển chăn nuôi bò Sóc Trăng Lâm Minh Hoàng cho biết, hiện trên địa bàn có hai đơn vị thu mua sữa tươi cho nông dân là Công ty Vinamilk (mua theo chất lượng với năm loại giá, dao động từ 7.000 đến 14.000 đồng/kg, bình quân giá sữa tươi là 12.400 đồng/kg); 

Hợp tác xã nông nghiệp Evergrowth thu mua sữa tươi cho nông dân bình quân 10.200 đến 10.700 đồng/kg. 

Thế nhưng, theo các doanh nghiệp, lượng sữa đạt chuẩn loại 1 có giá 14.000 đồng/kg chỉ chiếm từ 10 đến 20%, vì vậy tính bình quân mỗi ki-lô-gam sữa tươi chỉ có giá từ 8.000 đến 10.000 đồng. [5]

Vinamilk mua sữa tươi nguyên liệu của nông dân với 5 loại giá, vậy sản phẩm bán ra thị trường sử dụng nguyên liệu 100% sữa tươi, nhất là Sữa học đường, Vinamilk có phân chia thành 5 loại hay không?

Sữa tươi nguyên liệu đạt chuẩn loại 1 của nông dân chỉ chiếm từ 10% đến 20% có được dùng để làm Sữa học đường không? Với tỉ lệ thấp như vậy liệu có đủ nguồn cung nguyên liệu cho 8 tỉnh Vinamilk đã trúng thầu và Hà Nội tới đây?

Củ Chi là nơi Vinamilk đặt Trung tâm thu mua sữa tươi nguyên liệu của nông dân, Báo điện tử Zing.vn ngày 19/6/2018 có bài: "Giá sữa còn 7.000 đồng/kg, nông dân Củ Chi bán bò lỗ hàng chục triệu". Bài báo cho biết:

Nhiều nông dân cho biết, lý do công ty Vinamilk từ chối thu mua bởi cho rằng, sữa nguyên liệu mà họ cung cấp không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Sau khi nhận sữa, các trạm sẽ kiểm tra hàm lượng chất khô, béo và tế bào Soma (tế bào Soma cao khi bò bị nhiễm trùng phía trong tuyến vú làm chất lượng sữa giảm). Tùy vào các chỉ số này, giá sữa sẽ dao động từ 7.000-14.000 đồng/kg.

Một nông dân cho biết: “Bình thường, chúng tôi bán sữa và lấy thức ăn gia súc tại trạm thu mua. Cuối tuần nhận tiền sẽ trừ lại chi phí. Giờ tạm ngưng rồi, họ cũng ngưng cung cấp cám ngay. Cứ thế này, nhà tôi phải mua chịu bên ngoài, khi nào có tiền rồi tính tiếp.” [6]

Vinamilk nên làm rõ nguồn cung sữa tươi nguyên liệu cho Sữa học đường ảnh 5

Không kiểm soát sữa tươi nguyên liệu Sữa học đường, Hà Nội có thể phải trả giá

Vậy bò sữa của những hộ nông dân mà 2 bài báo trên phản ánh, có nằm trong đối tượng "quản lý và khai thác" của Vinamilk không?

Như vậy phải chăng nông dân không được chuyển giao quy trình chăm sóc, thú y, vắt sữa và bảo quản sữa tươi nguyên liệu đúng kĩ thuật để đồng hành cùng doanh nghiệp?

Phải chăng hợp đồng chỉ dừng lại ở việc Vinamilk bán thức ăn chăn nuôi cho nông dân, rồi mua sữa tươi nguyên liệu từ nông dân?

Phải chăng quy trình và công cụ kiểm soát chất lượng sữa tươi nguyên liệu được sử dụng như tiêu chí để ấn định giá thu mua sữa tươi nguyên liệu của dân, thay vì là công cụ hỗ trợ nông dân?

Đặt câu hỏi như vậy, chúng tôi hy vọng với vai trò nhà thầu cung cấp sản phẩm Sữa học đường cho Hà Nội và 8 tỉnh, Vinamilk sẽ cung cấp thêm thông tin để làm rõ khẳng định hãng "đang quản lý và khai thác sữa là khoảng 120 ngàn con bò" là như thế nào.

Trong bối cảnh bài thầu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội bỏ qua hoàn toàn các công cụ kiểm soát năng lực sữa tươi nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm Sữa học đường phục vụ học sinh mầm non, tiểu học Thủ đô, thiết nghĩ đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp trúng thầu đưa thông tin chính xác, minh bạch và kịp thời đến người tiêu dùng.

Đó là cách ứng xử rất văn minh, chuyên nghiệp và sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và công nghệ phát triển vũ bão, khi chỉ cần một chiếc điện thoại quét mã QR, người tiêu dùng có thể truy nguyên được nguồn gốc, xuất xứ, vùng nguyên liệu của sản phẩm.

Đây cũng là cách để doanh nghiệp trúng thầu có thể đồng hành lâu dài với chương trình bằng cách mời người tiêu dùng, những khách hàng của mình và xã hội cùng giám sát chất lượng, nguồn gốc, thành phần ly sữa học đường đến với trẻ em thủ đô.

Minh bạch thông tin như vậy thiết nghĩ sẽ có hiệu quả thiết thực hơn rất nhiều những khẳng định hay quảng cáo, mà không có công cụ kiểm chứng.

Nguồn:

[1]https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep/vinamilk-trung-thau-de-an-sua-hoc-duong-thanh-pho-ha-noi-845079.vov

[2]https://dantri.com.vn/kinh-doanh/vinamilk-trung-goi-thau-cung-cap-sua-chuong-trinh-sua-hoc-duong-tp-ha-noi-20181129180051939.htm

[3]https://baodautu.vn/vinamilk-ho-tro-nong-dan-phat-trien-dan-bo-sua-d58411.html

[4]https://www.vinamilk.com.vn/static/uploads/article/1522065047-32b1b4e5de1437d42e844f5cdf151aae617e1ec5c94e4d89888d8f3f3f8c5d7b.pdf

[5]http://www.nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/37591702-thao-go-kho-khan-cho-nong-dan-nuoi-bo-sua-o-soc-trang.html

[6]https://news.zing.vn/gia-sua-con-7000-dongkg-nong-dan-cu-chi-ban-bo-lo-hang-chuc-trieu-post847231.html

Hồng Thủy