Vấn đề Sữa học đường Hà Nội không nằm ở đấu thầu, mà ở bài thầu

16/11/2018 09:40
Hồng Thủy
(GDVN) - Cũng có quan điểm so sánh giá của các doanh nghiệp dự thầu, nhưng so sánh giá chỉ có ý nghĩa khi thiết lập được một mặt bằng chung kỹ thuật về sản phẩm sữa.

Ngày 12/11, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức lễ mở Hồ sơ đề xuất tài chính Gói thầu Mua sữa thuộc Đề án thực hiện Chương trình Sữa học đường trên địa bàn Thủ đô.

2 nhà thầu đáp ứng được yêu cầu năng lực và kinh nghiệm được mời tham gia mở Hồ sơ đề xuất tài chính cho gói thầu này. 

Truyền thông quan tâm đến chênh lệch giá bỏ thầu giữa 2 doanh nghiệp [1] [2], nhưng ít ai để ý đến những kẽ hở về mặt bằng kỹ thuật của sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường trong Hồ sơ mời thầu, có thể dẫn đến những ngộ nhận.

Còn nhập nhèm sữa tươi với sữa tiệt trùng, phụ huynh không dễ dãi cho con tham gia

Đầu bài Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đưa ra còn thiếu chặt chẽ, mặt bằng kĩ thuật sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường, nhất là thông tin nguồn cung cấp sữa tươi nguyên liệu sạch cho chương trình không có;

Vấn đề Sữa học đường Hà Nội không nằm ở đấu thầu, mà ở bài thầu ảnh 1

Hà Nội nên tạm dừng đấu thầu sữa học đường, viết lại đề bài

Điều này khiến chủ thầu rất khó để tính toán mặt bằng giá dự thầu mà dưới mặt bằng ấy, doanh nghiệp không thể có lãi, dễ dẫn đến nguy cơ đưa các sản phẩm sữa tiệt trùng với chi phí thấp hơn, vào chương trình Sữa học đường.

Mục tiêu của đề án là cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội, sản phẩm sử dụng cho đề án phải là sữa tươi;

Nếu sử dụng "sữa tiệt trùng" (chủ yếu là sữa pha lại từ sữa bột), mục tiêu trên e rằng khó đạt.

So sánh giá dự thầu chỉ có ý nghĩa với đối tượng thụ hưởng là trẻ em Thủ đô và gia đình, khi ly sữa đảm bảo chất lượng theo đúng Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế.

Đồng thời Hồ sơ mời thầu phải thiết lập được hệ thống tiêu chí kiểm soát chặt chẽ nguồn cung sữa tươi nguyên liệu của nhà thầu theo đúng Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm sữa tươi nguyên liệu.

Phụ huynh quan tâm đến chất lượng và an toàn ly sữa của con hơn là giá rẻ.

Ngày 25/9/2018, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chia sẻ với báo chí về đề án Sữa học đường của Thủ đô, rằng:

"Mỗi tháng, phụ huynh học sinh đóng tiền uống sữa học đường hết khoảng 70.000 đồng. Số tiền này tôi vẫn nói vui là bằng giá của 2 bát phở ăn buổi sáng." [3]

Vậy nhưng đây không phải điều các bà mẹ Thủ đô quan tâm, cái họ quan tâm nhiều hơn là chất lượng và an toàn của ly sữa với con em mình.

Đó có lẽ là lý do tại sao Chuyển động 24h, VTV ngày 31/10/2018 phản ánh khó khăn khi triển khai đề án Sữa học đường tại Hà Nội. Theo VTV:

Không có học sinh tham gia chương trình Sữa học đường đang là câu chuyện có thật tại Hà Nội, riêng quận Nam Từ Liêm đã có tới 19 trường không có phụ huynh nào đăng ký cho con tham gia chương trình. 

Theo thống kê toàn quận, tỷ lệ học sinh tham gia cũng chưa quá bán, phụ huynh không mặn mà với đề án Sữa học đường đang đặt ra các thách thức đối với quá trình tổ chức thực hiện. [4]

Ảnh minh họa, chụp màn hình Chuyển động 24h, VTV.
Ảnh minh họa, chụp màn hình Chuyển động 24h, VTV.

Phải chăng chính cách làm thiếu minh bạch về sản phẩm sữa phục vụ chương trình Sữa học đường mà lại nhấn mạnh yếu tố giá cả, đã khiến nhiều bậc cha mẹ băn khoăn trước một chương trình nhân văn như vậy?

Với mặt bằng kinh tế, dân trí của Thủ đô, không dễ thuyết phục một bà mẹ cho con họ uống sữa, dù được trợ giá, khi thiếu thông tin minh bạch về chất lượng, an toàn và nguồn gốc sản phẩm.

Nên yêu cầu nhà thầu công khai thông tin nguồn cung sữa tươi nguyên liệu và quy trình kĩ thuật đảm bảo chất lượng sữa tươi

Trong bài viết trước, Hà Nội nên tạm dừng đấu thầu sữa học đường, viết lại đề bài, chúng tôi đã đề xuất việc bãi bỏ các tiêu chí không liên quan đến năng lực sản xuất, cung ứng sữa tươi nguyên liệu đảm bảo chất lượng phục vụ chương trình Sữa học đường.

Đó là tiêu chí doanh thu lên tới hàng nghìn tỷ đồng mà chẳng liên quan gì tới sản phẩm;

Bên cạnh đó Hà Nội cũng phải xem lại tiêu chí dưới đây, quy định trong công văn số 4173/SGDĐT-KHTC ngày 28/9/2018 về việc sửa đổi Hồ sơ mời thầu lần 2:

Nhà thầu có tổng giá trị các hợp đồng / đơn hàng cung cấp sữa tươi tiệt trùng, sữa tươi nguyên chất tiệt trùng, sữa tươi nguyên chất thanh trùng và sữa tươi sữa tươi thanh trùng bình quân 1 năm tính từ 1/1/2015 đến 31/12/2017 đạt giá trị tối thiểu là 2.100 tỷ đồng.

Thoạt nhìn tiêu chí này có vẻ rất chặt chẽ, vì liệt kê đầy đủ 4 loại sữa tươi theo QCVN 5-1:2010/BYT.

Nhưng đây là sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng, chứ không có thông tin nào giúp người sử dụng truy nguyên nguồn gốc các sản phẩm ấy có đúng là được chế biến chủ yếu từ sữa tươi nguyên liệu hay không (90% trở lên, theo QCVN 5-1:2017/BYT).

Vấn đề Sữa học đường Hà Nội không nằm ở đấu thầu, mà ở bài thầu ảnh 3

Hà Nội vẫn chưa thực sự công khai, minh bạch về sữa học đường

Thực tế trong số các doanh nghiệp tham gia đấu thầu, có đơn vị đang tham gia đấu thầu cung cấp sữa học đường ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, chứ không riêng Hà Nội.

Với mỗi một hợp đồng cung cấp sản phẩm cho chương trình Sữa học đường ở các tỉnh mà các doanh nghiệp này đã làm, cần phải có yêu cầu truy xuất được nguồn gốc sữa tươi nguyên liệu từ đâu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năng lực sản xuất sữa tươi nguyên liệu Việt Nam hiện nay đã đủ cung cấp cho chương trình Sữa học đường. [5]

Có điều, sữa tươi nguyên liệu ấy đến từ rất nhiều nguồn chứ không phải 1 nguồn, trong đó các hộ nông dân nuôi bò sữa cũng chiếm một tỉ lệ đáng kể.

Trong số các hợp đồng cung cấp sữa học đường cho các tỉnh mà họ đã làm, có bao nhiêu % sản phẩm sử dụng sữa tươi nguyên liệu do doanh nghiệp tự sản xuất, bao nhiêu % mua lại của nông dân?

Quan trọng hơn, họ đã có lộ trình và quy trình chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ nông dân (nhà thầu phụ) hay chưa?

Nếu không, làm sao đảm bảo được sự đồng nhất về chất lượng sữa tươi nguyên liệu cho chương trình sữa học đường, bởi thức ăn cho bò sữa khác nhau, quy trình vắt sữa, quy trình bảo quản và thu mua đều có thể dẫn tới những rủi ro về chất lượng nếu kiểm soát không chặt.

Có như vậy mới tránh tình trạng lợi dụng sự nhập nhèm tên gọi các loại sữa dạng lỏng và thiếu quy định chặt chẽ về tỉ lệ nguyên liệu trong QCVN 5-1:2010/BYT, để tuồn sản phẩm kém chất lượng vào học đường, kiếm lời trên sức khỏe của con trẻ.

Trong trường hợp Hà Nội vẫn tiếp tục gói thầu này, thì xin hãy vì con em Thủ đô, vì tương lai nòi giống, yêu cầu các nhà cung cấp minh bạch hóa các thông tin sau:

Số liệu được kiểm chứng về năng lực sản xuất sữa tươi nguyên liệu sạch cũng như quy trình kĩ thuật đảm bảo chất lượng và sự đồng nhất của sữa tươi nguyên liệu theo đúng quy định của Thông tư 29/2017/TT-BNNPTNT.

Nếu nhà thầu liên kết với nhà thầu phụ là các hộ nông dân, quy trình này cũng phải được chuyển giao nguyên vẹn cho bà con, để đảm bảo sự đồng nhất về chất lượng nguồn sữa tươi nguyên liệu.

Đây là cơ hội để phát triển nông nghiệp sạch, bền vững trong lĩnh vực sữa.

Ảnh chụp lễ mở thầu Hồ sơ đề xuất tài chính gói thầu mua sữa phục vụ đề án Sữa học đường tại Hà Nội ngày 12/11, ảnh: Khánh Ngọc / Hà Nội Mới.
Ảnh chụp lễ mở thầu Hồ sơ đề xuất tài chính gói thầu mua sữa phục vụ đề án Sữa học đường tại Hà Nội ngày 12/11, ảnh: Khánh Ngọc / Hà Nội Mới.

Cho nên ý nghĩa của chương trình Sữa học đường sẽ còn vượt xa khuôn khổ học đường, thay đổi nhận thức xã hội trước vấn nạn thực phẩm bẩn, nếu chương trình được triển khai đúng đắn, khoa học, bài bản và minh bạch.

Trong Hồ sơ mời thầu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không hề có bất kỳ thông tin nào về 2 yêu cầu cơ bản này để cho ra sản phẩm sữa học đường là sữa tươi đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trên truyền thông vẫn có thông tin về số lượng bò sữa, trang trại...cơ sở chế biến của doanh nghiệp. Nhưng người tiêu dùng không thể biết được độ xác thực của các thông tin trên cũng như chất lượng các yếu tố;

Tổng đàn bò sữa có bao nhiêu con đang cho sữa? Bao nhiêu phần trăm sữa tươi nguyên liệu đạt tiêu chuẩn? Quy trình sản xuất có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hay không và kiểm soát bằng công cụ nào?...

Bởi lẽ yêu cầu, đòi hỏi của ly sữa học đường không chỉ dừng ở ngưỡng đầy đủ dinh dưỡng mà còn phải sạch, không có dư lượng kháng sinh, hóc môn tăng trưởng...ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là gây chứng dậy thì sớm ở trẻ.

Đó là lý do tại sao phải sử dụng sữa tươi nguyên liệu sạch sản xuất trong nước, chứ không phải nhập khẩu sữa bột với đủ loại giá thành, hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ khác nhau về pha lại rồi bán cho con trẻ.

Đây vừa là cách nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng mà ở đây là thế hệ tương lai của mỗi gia đình cũng như đất nước, mà còn bảo vệ và thúc đẩy ngành Sữa nước nhà phát triển lành mạnh và bền vững.

Vấn đề nằm ở nội dung bài thầu, chứ không phải túi đựng bài thầu và quy trình mở

Vấn đề Sữa học đường Hà Nội không nằm ở đấu thầu, mà ở bài thầu ảnh 5

Vì học sinh, hay chỉ muốn bán thật nhiều sữa cho doanh nghiệp?

Trong bài viết trước chúng tôi đã phân tích các lỗ hổng của Hồ sơ mời thầu gói thầu cung cấp sữa học đường của Hà Nội. Chúng tôi nhận thấy lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội luôn khẳng định đấu thầu công khai, nghiêm túc. [6]

Đúng là nếu chỉ nhìn vào quy trình bóc túi hồ sơ dự thầu, thì Hà Nội không có gì đáng phàn nàn. Nhưng vấn đề nằm trong nội dung bài thầu, chứ không phải quy trình mở thầu.

Cũng có tờ báo đưa ra so sánh giá của các doanh nghiệp dự thầu, nhưng so sánh giá chỉ có ý nghĩa khi thiết lập được một mặt bằng chung kỹ thuật về sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường, mà điều này thì nhập nhèm ngay trong yêu cầu của Hồ sơ mời thầu, bởi tiền nào của ấy.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ hội mở ra cho ngành Sữa Việt Nam không chỉ từ thị trường trong nước, mà còn thị trường xuất khẩu.

Trung Quốc cũng đã thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để liên hệ với một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa của Việt Nam chuẩn bị nhập về thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch phục vụ người tiêu dùng nước họ.

Được biết Trung Quốc cử các đoàn chuyên gia kĩ thuật đến từng trang trại, kiểm tra từng khâu quy trình kĩ thuật, công nghệ, thức ăn, thú y, vắt sữa, bảo quản...để đảm bảo đầu vào sữa tươi nguyên liệu cho người dân nước họ sử dụng phải thực sự chất lượng, an toàn, minh bạch và truy nguyên được nguồn gốc.

Chương trình Sữa học đường có mục đích rất nhân văn, ý nghĩa sâu xa nhưng cách tổ chức hiện nay còn kém xa cách làm của Trung Quốc khi muốn nhập khẩu sữa từ Việt Nam theo đường chính ngạch cho dân họ sử dụng.

Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, việc thực hiện một chương trình nhân văn như Sữa học đường cũng cần thể hiện trách nhiệm với người dân Thủ đô, đồng vốn ngân sách, đáng lẽ phải làm mô phạm, mực thước để các tỉnh thành học tập, triển khai.

Vấn đề Sữa học đường Hà Nội không nằm ở đấu thầu, mà ở bài thầu ảnh 6

Hà Nội pha thêm những chất gì vào sữa học đường mà sữa ngoài không có?

Lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Hà Nội có thấy được ý nghĩa nhân văn, mục tiêu cao cả của Chương trình này, mới quyết định cấp những đồng ngân sách quý báu để đồng hành, hỗ trợ.

Nhưng cách làm của đơn vị được giao nhiệm vụ triển khai lại đang tạo ra những lỗ hổng dễ khiến mục tiêu của Chương trình khó đạt được, đồng thời tạo ra nguy cơ trục lợi cho một nhóm người.

Cho nên, thiết nghĩ lãnh đạo Thủ đô Hà Nội nên đánh giá lại quá trình triển khai của cấp dưới, tạm dừng đấu thầu và viết lại bài thầu cho chuẩn xác, bền vững, minh bạch, khách quan theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ trong Quyết định 1340/QĐ-TTg, cũng như Quyết định 5450/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

Vừa qua những tranh luận xung quanh việc đưa các loại sữa dạng lỏng khác vào chương trình Sữa học đường mà Hiệp hội Sữa Việt Nam đề xuất, cho thấy rõ xu hướng vận động chính sách cho các doanh nghiệp mạnh về nhập khẩu sữa bột pha lại, ý nghĩa và mục tiêu chương trình bị xem nhẹ.

Qua đây, các tỉnh đã triển khai chương trình Sữa học đường sử dụng một phần kinh phí từ ngân sách cũng nên xem lại, hộp sữa đến tay con em mình đã thực sự đảm bảo đúng là sữa tươi sạch hay lại là sữa tiệt trùng?

Đã từng có tờ báo phải thốt lên, trục lợi trên trẻ em là tội ác! Nhưng những bà mẹ Hà Nội không dễ tin vào quảng cáo với các sản phẩm sử dụng cho con em mình, gia đình mình, vì thế chớ nên coi thường người dân Thủ đô, để doanh nghiệp muốn bán thế nào thì bán.

Bởi vậy, khi phát hiện các lỗ hổng trong Hồ sơ mời thầu, thiết nghĩ Hà Nội dừng lại hiệu chỉnh là cách làm thận trọng, an toàn và ứng xử văn minh, có trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng và đồng vốn ngân sách, rất nên làm, rất đáng làm.

Có như vậy, Chương trình Sữa học đường mới đạt được mục đích nhân văn, cao cả, mang lại lợi ích lâu dài cho trẻ em, doanh nghiệp và nền sản xuất, đặc biệt là sự thay đổi trong nhận thức và hành động để bảo vệ vệ sinh an toàn thực phẩm bằng sự minh bạch.

Nguồn:

[1]https://tuoitre.vn/vi-sao-vinamilk-bo-thau-gia-sua-hoc-duong-thap-hon-130-ti-20181114114603238.htm

[2]https://tintucvietnam.vn/dau-thau-sua-hoc-duong-ha-noi-vinamilk-gianh-loi-the-truoc-th-true-milk-50251

[3]https://vtv.vn/giao-duc/tien-uong-sua-hoc-duong-moi-thang-chi-bang-2-bat-pho-2018092600541994.htm

[4]https://vtv.vn/chuyen-dong-24h/kho-khan-khi-trien-khai-de-an-sua-hoc-duong-o-ha-noi-20181031193811291.htm

[5]http://congan.com.vn/doi-song/viet-nam-du-sua-tuoi-nguyen-lieu-cho-chuong-trinh-sua-hoc-duong_65115.html

[6]http://laodongthudo.vn/thuc-hien-dau-thau-cong-khai-nghiem-tuc-82992.html

Hồng Thủy