LTS: Công việc của giáo viên tiếp xúc thường xuyên với nhiều học sinh, mỗi em lại một cá tính khác nhau.
Vì thế, trong bài viết này, nhà giáo Mai Hoa chia sẻ cách kiềm chế cảm xúc giận dữ của một số giáo viên.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Hằng ngày trên lớp, giáo viên phải đối mặt với biết bao chuyện bực mình, bao tình huống dở khóc dở cười do học sinh mang lại.
Khi không giữ được bình tĩnh để kìm nén cơn giận sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng trách.
Nén “cơn bốc hỏa” để tiếp tục giảng dạy và giáo dục học sinh không phải ai cũng làm được.
Vậy kìm nén cơn giận bằng cách nào luôn là điều trăn trở với nhiều thầy cô giáo.
Giáo viên kìm nén cơn giận bằng cách nào? Ảnh minh hoạ: Giadinh.net.vn |
Sau đây là chia sẻ của khá nhiều giáo viên ít nhiều thành công trong việc không dùng bạo lực với trò (chứ chưa hẳn đã thành công trong giảng dạy).
Thông qua những chia sẻ được người viết tổng hợp lại chúng ta sẽ biết lựa chọn cho mình những cách làm đúng nhất.
Tảng lờ như không biết và tiếp tục bài dạy
Một giáo viên bậc Trung học cơ sở cho biết chưa bao giờ mình dùng bạo lực với học sinh mặc dù nhiều lúc “cơn giận bốc lên đầu”.
Có em đang trong giờ học nhưng cứ ngồi chọc phá các bạn, giáo viên nhắc nhở, em trả treo “không thích học thì sao thầy?” cùng thái độ câng câng xấc xược.
Có không ít lần em còn tỏ ra thách thức “thầy ngon thì đánh đi, đánh xem ai mới phải là người bước ra khỏi trường này?”.
Khá nhiều lần thầy tặc lưỡi “phải cho kẻ hỗn hào kia vài bợp tai rồi nghĩ dạy cũng được vì tức không thể nào chịu nổi”.
Nhưng ngay sau đó, thầy D. cho biết “mình làm thế có đáng không? Học sinh ấy cũng chẳng thay đổi gì mà mình lại mang tội”.
Nghĩ thế, thầy D. nói mình tảng lờ như không nghe học sinh ấy chửi và vẫn tiếp tục dạy cho hết tiết.
Những lần dạy sau, thấy trò ấy không nghiêm túc hoặc thầy D. xem như không thấy, hoặc nhắc tên và tiếp tục bài học.
Cô N. giáo viên một trường tiểu học lại nói rằng “mình không la mắng, đánh đòn học sinh bao giờ mà chỉ nhắc nhở, mời phụ huynh.
Dù biết làm vậy những học sinh này vẫn chứng nào tật ấy nhưng bản thân mình an toàn và chẳng có gì phải day dứt vì mình cũng không bỏ mặc các em".
Một giáo viên trung học phổ thông luôn được học trò yêu mến cũng chia sẻ rằng:
“Phương châm của mình là dạy hết mình nhưng ai thích học thì học, không thích học cũng chẳng làm gay gắt vì sợ bản thân không bình tĩnh.
Những lúc đang giảng bài, học trò ấy có gây mất trật tự cũng nhắc nhở qua (tránh gọi lên đối chất, mẳng mỏ) và cố dạy cho xong tiết học để bước ra".
Không quan tâm nhiều đến thứ hạng
Không đặt nặng chuyện thi đua, không quan tâm nhiều đến thứ hạng những giáo viên này cho biết cứ dạy trò hết mình là được.
Chỉ khi giáo viên không đặt nặng chuyện thi đua sẽ không gây áp lực nhiều lên học sinh. Khi lớp bị tụt hạng cần tìm hiểu nguyên nhân?
Ví như đi học trễ, không mang khăn quàng, mang đồng phục sai… cần cảm thông nhiều hơn vì có nhiều lý do khách quan từ phía gia đình mang lại…
Khi thầy cô không nặng về thi đua sẽ chẳng làm căng, gây áp lực nhiều cho học sinh chỉ vì những lỗi sơ đẳng ấy.
Và như thế, giáo viên sẽ không thấy nóng giận thái quá khi các em vi phạm nội quy.
Không la mắng học trò khi đang giận
Một số thầy cô chia sẻ rằng lúc nóng giận thường mất bình tĩnh không vào lớp ngay để “xả” như cách mà nhiều thầy cô vẫn đang làm.
Những lời nói ra khi tức giận có thể sẽ làm tổn thương học sinh hoặc nặng hơn sẽ dẫn đến việc bạo hành các em.
Nếu đang đứng trong lớp thì bước ra ngoài hít thở thật sâu, trấn tĩnh vài phút cho cơn giận lắng xuống mới bước vào tiếp tục bài dạy và xem như chưa có chuyện gì xảy ra.
Kìm nén cơn giận là cả một nghệ thuật. Với giáo viên lại càng cần điều này. Bởi chính thầy cô là người luôn đối diện với sự tức giận hằng ngày.
Dù với động cơ tốt muốn các em tiến bộ thì dư luận vẫn không đồng tình việc thầy cô giảng dạy bằng bạo lực với học sinh.