LTS: Thầy giáo Thiên Ấn bày tỏ quan điểm đề cao tính dân chủ trong học sinh, sinh viên để hướng đến một nền giáo dục tốt hơn.
Theo đó, thầy cũng chia sẻ cách làm mà trường của thầy đang triển khai để khuyến khích học sinh thể hiện tiếng nói của mình.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Cách đây 23 năm, khi là giáo sinh thực tập tại Trường Trung học phổ thông số 2 Mộ Đức (Quảng Ngãi), sau hơn hai tháng thực tập sư phạm, tôi từng tự làm phiếu với 5 câu hỏi để học sinh lớp 10A2 đánh giá về công việc thực tập chủ nhiệm và giảng dạy của mình.
Lần đầu tiên được một thầy giáo thực tập cho cái "quyền" đánh giá, nhận xét về người dạy, chủ nhiệm mình, các em khá hào hứng.
Các em nhận xét, ý kiến rất vô tư, trong đó có những ý kiến xác đáng, thầy còn hạn chế chỗ này, chưa được chỗ kia…
Tốt nghiệp ra trường, về công tác tại Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (Thành phố Quảng Ngãi) từ năm 1996 đến nay, tôi từng nhiều lần phát phiếu cho học sinh lớp chủ nhiệm và các lớp giảng dạy đánh giá về ưu điểm, hạn chế cần khắc phục của thầy giáo vào cuối học kỳ 1 và kết thúc năm học.
Phát huy dân chủ sẽ làm cho giáo dục tốt lên. Ảnh mang tính minh họa: www.giaoduc.edu.vn |
Qua những phiếu góp ý, nhận xét của học sinh như vậy, tôi hiểu các em hơn và có những thay đổi, điều chỉnh phù hợp trong công tác giảng dạy và chủ nhiệm với mong muốn chất lượng, hiệu quả giáo dục cao hơn.
Nhiều năm nay, trường chúng tôi cũng thường hay làm phiếu khảo sát tâm lý học sinh về việc chủ nhiệm và dạy dỗ của các giáo viên ở cuối học kỳ 1 và cuối năm học.
Sau khi tổng hợp, thống kê số liệu, các ý kiến của học sinh, ban giám hiệu chúng tôi trao đổi, thông tin đến tất cả thầy cô giáo và họ đón nhận rất tích cực.
Ngoài ra, trường tôi có một tủ hộp thư riêng để ở nơi thuận lợi, học sinh nào có ý kiến, tâm tư gì không tiện nói trực tiếp với thầy, cô thì có thể viết đơn, viết thư bỏ vào trong đó.
Hàng tuần, hàng tháng chúng tôi cử người mở tủ, nếu có đơn, thư là chúng tôi xem xét, giải quyết.
Phát huy dân chủ, luôn tôn trọng, lắng nghe tiếng nói phản biện của học sinh ở trường tôi được đông đảo phụ huynh và học sinh đồng tình, ủng hộ.
Một số trường phổ thông, kể cả đại học, cao đẳng từng tổ chức học sinh, sinh viên cho ý kiến, đánh giá về các mặt của thầy cô giáo, nhà trường.
Có thời điểm, việc làm trên nảy sinh hai luồng thông tin, dư luận trái chiều nhau. Nhiều thầy cô, phụ huynh thì rất đồng tình, ủng hộ, cần duy trì thường xuyên hằng năm.
Nhưng lại có không ít thầy cô, nhà quản lí giáo dục, các bậc cha mẹ phản đối gay gắt, vì làm như vậy là xúc phạm đến người thầy, đến truyền thống "tôn sư trọng đạo", học sinh, sinh viên không được quyền bình luận, đánh giá nọ, kia về thầy cô.
Có thể nói, việc thanh tra, đánh giá, phân loại quá trình công tác, năng lực giảng dạy và quản lí giáo dục của đội ngũ giáo viên là thuộc vào nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cấp quản lí từ cấp trường đến cấp phòng, cấp sở giáo dục.
Tất nhiên, có nhiều hình thức để đánh giá, phân loại giáo viên mà chúng ta từng áp dụng, như dự giờ thăm lớp, thanh tra đột xuất, định kỳ, tổ chức hội thi thi giáo viên dạy giỏi các cấp... Ở hình thức nào cũng có điểm tích cực của nó.
Theo chúng tôi, việc đánh giá, phân loại thầy cô giáo, trong hiện nay và trong tương lai, rất cần thêm kênh thông tin, phiếu đánh giá, cảm nhận công khai, rộng rãi từ phía các em về người thầy, cô đang quản lí và dạy dỗ mình.
Kênh thông tin này sẽ cung cấp cho cấp quản lí giáo dục, ban giám hiệu và tất cả thầy cô giáo trong mỗi trường nắm bắt được diễn biến tâm lí, nguyện vọng, yêu cầu của các em thời này là gì, như thế nào ...về các giáo viên đang dạy dỗ mình.
Nếu có vấn đề phức tạp, nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, xúc phạm hành hung học sinh... thì cơ sở giáo dục sớm có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, không để vụ việc tái diễn.
Chưa hẳn là các em đã nói đúng và hiểu hết, nhưng người lớn, thầy cô giáo chúng ta cần tôn trọng và thừa nhận quyền lợi, nguyện vọng, tiếng nói dân chủ, thẳng thắn, nghiêm túc từ phía học sinh, sinh viên.
Có như vậy, thầy cô giáo mới hiểu được các em, mà sớm thay đổi cách thức giáo dục, quản lí theo hướng đạt hiệu quả cao hơn, tốt hơn, đáp ứng khá, tốt mong mỏi, đề nghị của người học, tạo cho người học thêm hứng thú, phấn chấn cho học tập, nghiên cứu, sáng tạo.
Thực tế cho thấy, nhiều thầy cô giáo giảng dạy tiến bộ nhanh chóng, học sinh càng ngày yêu thích hơn, là vì các thầy cô ấy biết lắng nghe ý kiến đóng góp ý từ phía học sinh.
Đến hỏi một số trường trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi từng cho học sinh đánh giá thầy cô giáo bằng hình thức trắc nghiệm, các ban giám hiệu đều công nhận rằng:
"Sau những lần tổ chức lấy phiếu tín nhiệm từ phía học sinh, việc giáo dục và giảng dạy của nhiều cô thầy có chuyển biến rõ rệt, không còn la, chửi, đánh học sinh nữa, tích cực, chủ động trong hướng dẫn, truyền đạt tri thức, học sinh dễ tiếp thu bài hơn.
Nhờ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đều đặn nên giáo viên ít áp đặt, chủ quan, hời hợt trong công việc, ứng xử học sinh, vì rất sợ bị mất uy tín trước học trò, đồng nghiệp, lãnh đạo của mình."
Quan niệm, học sinh đánh giá thầy giáo là xúc phạm thầy, học sinh chưa đủ trình độ, tư cách để nhận xét về thầy cô, chúng tôi cho rằng quan niệm ấy không còn phù hợp nữa, đã lạc hậu rồi.
Hãy để cho các em được tự đánh giá, giãi bày chính kiến của bản thân về giáo viên, dù là đó lời chê trách nặng nề nhất.
Tin chắc, đánh giá của học trò không làm cho người thầy yếu đi, mà trái lại, là cho người thầy mạnh lên.
Nền giáo dục của ta trong thời đại mới rất cần sự thẳng thắn, dân chủ, một động lực để giáo dục phát triển, văn minh, giảm thiểu đi những vụ việc bạo hành gây tai tiếng đến đau lòng trong thời gian qua ở một số địa phương.