Học thêm thời vụ đã...vào mùa

16/12/2018 07:40
Băng Thanh
(GDVN) - Cứ gần thời gian thi học kì những học sinh này đều đăng kí đi học thêm để cải thiện kết quả. Thế nên các lớp học thêm vào thời điểm này luôn đông đến bất ngờ.

LTS: Trong bài viết này, nhà giáo Băng Thanh tiếp tục có những chia sẻ xung quanh vấn đề học thêm thời vụ của các em học sinh khi chuẩn bị tới thời gian thi học kì (học kì 1 hoặc học kì 2). 

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đến nhà bạn chơi thấy lớp học thêm (của học sinh trung học cơ sở) khá đông, chúng tôi đùa với bạn “học trò đông thế này thì sống khỏe rồi, vậy mà suốt ngày cứ than nghèo kể khó”.

Bất ngờ nghe bạn lên tiếng “được mãi thế trong năm hay sao? Đây chỉ là những đứa học thêm thời vụ vì gần thi rồi”.

À ra thế! Một đồng nghiệp đi bên buông lời. Thảo nào dạo này mình cũng thấy mấy thầy cô dạy Toán, tiếng Anh bên trường trung học phổ thông ở gần nhà, học sinh cứ gọi là tấp nập vào ra suốt cả tối.

Muốn điểm cao phải học thêm thời vụ  

Học sinh cần kiến thức thường sẽ đăng kí học thêm ngay từ đầu năm học. Những học sinh này sẽ chọn những môn mình học còn yếu để cân bằng kiến thức hay những môn cần bồi dưỡng nâng cao.

Học thêm thời vụ đã...vào mùa ảnh 1Dạy thêm - sự tiếp tay cho gian dối

Số ít học sinh (thường học sinh xuất sắc) có phương pháp tự học ở nhà, học trên các trang mạng.

Số còn lại nhiều hơn cần điểm thi cao để được nhận khen thưởng hoặc muốn cải thiện điểm số để không bị thi lại.

Các em đã chọn học vào thời gian gần thi học kì nên gọi là học thêm thời vụ.

Cứ gần thời gian thi học kì (cuối học kì 1 và cuối học kì 2) những học sinh này đều đăng kí đi học thêm để cải thiện kết quả. Thế nên các lớp học thêm vào thời điểm này luôn đông đến bất ngờ là điều dễ hiểu.

Cần học sinh giáo viên cũng phải tung “bí kíp”

Đề thi thầy cô ra thế nên đề cương cho học sinh cả lớp (lớp dạy chính khóa) cũng giáo viên đưa ra. Cầm cả sấp đề cương dày cộm học sinh lười chỉ “khóc tiếng mán”.

Những môn học thuộc lòng còn đỡ bởi chỉ cần cầm sách đánh dấu những đoạn cần học. Những môn như Toán, Anh văn, Lý, Hóa…ngoài lý thuyết còn có cả phần bài tập chẳng phải ai cũng có thể làm được.

Ở lớp học thêm, giáo viên sẽ soạn luôn lý thuyết cho học sinh về học và tiến hành giải từng đề một.

Gần đến ngày thi, các em sẽ được thầy cô “bật mí” cho biết khả năng đề thi sẽ rơi vào dạng nào cụ thể hơn. Đề cương dày cả tập lúc này sẽ được rút ngắn đến mức có thể.

Có giáo viên còn tính bài chắc ăn ngay buổi học cuối cùng cho học sinh làm đề (sẽ có nhiều dạng trong đề thi sắp tới) và thu ngay đề lại đề phòng bị rò rỉ.

Những học sinh đi học thêm chỉ việc nghe, ghi chép về nhà học thuộc là yên tâm có đủ kiến thức vào thi. Không chỉ thế còn đạt kết quả cao.

Các em học sinh tại một lớp học thêm (Ảnh minh họa: PL).
Các em học sinh tại một lớp học thêm (Ảnh minh họa: PL).

Có thầy cô còn ra lệnh cấm học sinh đi học thêm cho bạn mượn đề cương mình đã ôn trên lớp.

Dù giáo viên nói “các bạn không đi học sẽ không hiểu được những kiến thức này” nhưng ai chẳng hiểu đây cũng là cách buộc những học sinh muốn điểm cao phải tự tìm đến lớp học thêm để học.

Điểm cao nhưng chất lượng vẫn ảo

Được ôn tập những kiến thức có trong đề thi nên phần đông học sinh thi đạt kết quả khá cao. Ngày thường giáo viên nào chẳng than học sinh lười học, tiếp thu chậm, chất lượng học tập không đảm bảo. Thế nhưng kết quả cuối cùng luôn vượt ngưỡng 90% mức điểm đạt trở lên.

Có thầy cô chấm bài thi còn phải thốt lên “chấm mà toàn 9, 10 cũng chán lắm”. Điểm tuy cao thế nhưng chất lượng học tập vẫn không được nâng lên.

Điều này đã được chứng minh bằng việc có năm huyện thị ấy tổ chức thi học kỳ bằng đề của phòng giáo dục hoặc sở giáo dục.

Các em học sinh không trúng tủ những gì đã được ôn, được học, nhiều điểm dưới 5 xuất hiện và điểm giỏi chẳng có bao nhiêu.

Học thêm thời vụ đã...vào mùa ảnh 3Ở trường em đã học thêm, vậy sao tối vẫn phải đến nhà thầy?

Hay như việc cuối năm điểm tổng kết của học sinh 100% ở mức đạt nhưng chỉ qua 2 tháng hè khi vào năm học mới, nhà trường khảo sát lại chỉ còn 1/3 số ấy đủ điểm đạt yêu cầu.

Cách nào ngăn được chất lượng ảo?

Người ta nói đến ngân hàng đề để giảm thiểu việc giáo viên ôn tủ cho học sinh.

Nhưng, nhiều trường học hiện nay cứ gần ngày thi thầy cô phải ra đề nộp về trường. Phó hiệu trưởng sẽ lấy đề ngẫu nhiên hoặc trộn thành một đề mới.

Dù thế, thầy cô giáo cũng đã kịp liên kết chia sẻ đề cho nhau “mình cùng ôn luyện”. Thế nên dù chưa thi giáo viên cũng biết được đề sẽ thi cái gì và ra như thế nào.

Có thầy cô cần dạy thêm, có thầy cô cần đạt chi tiêu chất lượng môn học nên chẳng ngần ngại gì mà không ôn luyện kiến thức sẽ thi.

Dẹp được tình trạng trên chỉ còn cách người ra đề thi học kì ở các trường không thể là giáo viên của trường.

Điều này muốn làm được thì từng huyện thị phải có sự trao đổi đề cho nhau và lập thành một ngân hàng riêng đề cho chính huyện thị ấy. Có thế mới đánh giá đúng thực chất chất lượng học tập thật sự của các em.

Băng Thanh