LTS: Tiếp tục bàn luận về vấn nạn dạy thêm, học thêm đang diễn ra ngày càng phổ biến và lan rộng như hiện nay, thầy Sơn Quang Huyến đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Sau khi Thông tư 17 ra đời, nạn dạy thêm học thêm hoàn toàn được “hợp pháp hóa”. Giáo viên có mặt bằng làm đơn xin phép thế là có giấy phép dạy thêm, không còn phải lo lắng nữa. Đừng nói dạy thêm tràn lan nhé, tôi dạy có giấy phép hẳn hoi, mộc son đỏ chót.
Với “món hời” đó nhà trường dễ gì bỏ qua, trường làm hồ sơ xin phép dạy thêm trong trường tỷ lệ đã được quy định, 80% người dạy hưởng, 20% nhà trường chi công tác quản lý.
Để đảm bảo nguồn thu, quy định cho giáo viên không dạy thêm ở nhà, trùng giờ dạy thêm ở trường, đảm bảo 100% học sinh được học “phụ đạo”.
Dạy ở trường, mỗi học sinh chỉ phải đóng từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng trở lên cho mỗi tiết học, bù lại sĩ số đông nên nguồn thu của giáo viên cũng không nhỏ.
Thủ phạm khiến dạy thêm trái phép, biến tướng là Thông tư 17 |
Thử tính môn văn, tuần bốn tiết, tiết 5.000 đồng, một lớp trung bình 40 em, một tháng nhà trường thu khoảng 800.000 đồng/lớp, giáo viên “dạy thêm chính khóa” được hưởng khoảng 640.000 đồng/lớp.
Một giáo viên phải dạy ít nhất 4 lớp, một tháng thu nhập thêm khoảng 2.560.000 đồng, cao hơn lương của “giáo viên hợp đồng”. Đó là ước tính mức thu thấp nhất, thực tế thì còn cao hơn số đó nhiều.
Chính thu nhập “khủng” từ dạy thêm, nạn “chạy lớp” của giáo viên các môn Toán, Văn, Anh còn khốc liệt hơn cả “chạy trường” của học sinh, góp phần bôi đen bức tranh giáo dục.
Thế nhưng, học trò đi học “phụ đạo” ở trường còn phải về nhà giáo viên học thêm với thời lượng tương tự, vì thế guồng quay con trẻ chỉ có ba việc, thứ nhất là học, thứ nhì là học, thứ ba là làm hai việc trên; tuổi học trò qua mau, không còn chút kỷ niệm đẹp.
Có gia đình thấy con học tội quá chỉ cho con đi học thêm nhà giáo viên buổi đầu tháng, đóng tiền học rồi nghỉ. Giáo viên vẫn nhận tiền học vô tư, khi nào có “bài quan trọng” thì nhắn học sinh đi học.
Làm sao giảm được tệ nạn dạy thêm, học thêm khi nhà trường đã tổ chức nhưng học sinh vẫn phải đến nhà chính giáo viên dạy thêm ở trường đó để học thêm?
Bãi bỏ Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, đó là giải pháp mà rất nhiều nhà giáo tâm huyết đã kiến nghị. Chính Thông tư 17 là “cái khiên che chắn dạy thêm học thêm chính khóa” trong, ngoài nhà trường.
Kế đến, phân lớp theo năng lực học tập khi dạy “phụ đạo”. Lý luận của giáo viên “kéo học sinh” về nhà dạy tiếp: “ở trường, em giỏi lẫn em dở, bài giảng các em dở chưa hiểu, các em giỏi chưa được nâng cao, nên phải… tiếp tục học”.
Dạy thêm trong trường phải phân lớp theo năng lực học tập, buộc giáo viên dạy đúng bản chất “phụ đạo”.
Với học sinh yếu, dạy lấy lại kiến thức cơ bản; với học sinh khá, giỏi, dạy kiến thức bồi dưỡng nâng cao; không mở lớp “phụ đạo” với học sinh trung bình.
Ở trường em đã học thêm, vậy sao tối đến vẫn học thêm nhà thầy? (Ảnh: P.L). |
Với cơ sở dạy thêm cấp phép, bắt buộc người dạy phải tổ chức phân lớp như dạy thêm trong nhà trường.
Việc phân lớp dạy thêm như vậy chỉ có lợi cho người học, thế nhưng các lớp dạy thêm ngoài nhà trường có phân lớp lực học đều giải tán sớm, vì động cơ học thêm không phải kiến thức mà chỉ là theo phong trào, làm màu, vừa lòng giáo viên, tránh bị “đì”, được gà bài kiểm tra.
Học sinh suốt ngày đi học thêm, chất lượng giáo dục thực sự không nâng lên mà chỉ có bài kiểm tra đạt điểm cao do được gà bài trước.
Điều này phản ánh trung thực trong điểm thi tuyển sinh trung học phổ thông, có nhiều trường năm học 2018-2019 lấy trung bình chưa đầy 2 điểm/môn mà báo chí đã viết.
Cuối năm tổng kết điểm cao, đầu năm khảo sát điểm thấp bất thường, điểm thấp đó là điểm thực của học trò. Khảo sát để “động viên” học sinh học thêm, lấy lại kiến thức.
Dạy và học thêm quá nhiều, bỏ qua quá trình tự học, cốt lõi của giáo dục tự thân. Muốn giáo dục phát triển thực sự, phải giáo dục năng lực tự học, học sinh phải coi trọng tự học.
Trả lại tuổi thơ cho học sinh, dành lại thời gian tự học cho các em là một trong những nhiệm vụ cấp bách của ngành giáo dục hiện nay.