Mộc mạc như nghề giáo
Khi có quyết định về Cần Giờ dạy, thầy Nguyễn Văn Hùng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mê Linh (phường 6, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) không cảm thấy bị “đì” mà lại có cảm giác thích thú.
Thầy nghĩ đây là vùng thiên nhiên do bản tính thầy thích vùng sông nước với rừng rậm có lẽ phù hợp với mình.
Thời điểm này, nhiều giáo sinh ra trường vẫn có người được phân Củ Chi, Hóc Môn và thầy Hùng ở Cần Giờ cũng là lẽ đương nhiên.
Thầy Nguyễn Văn Hùng. (Ảnh: H.L) |
Thầy nghĩ việc phân công công việc ở những nơi vùng xa cũng đơn giản như nộp hồ sơ vào để học. Cứ xách ba lô lên và đi đến Cần Giờ dạy, được thì ở lại, còn không được thì lại… bỏ về.
Thầy Hùng chia sẻ, hãy nhìn cuộc sống một cách đơn giản, không đòi hỏi nhiều đến những yếu tố xung quanh. Từ nhỏ, thầy đi học về đã phụ cha làm mộc và cứ thế cuộc đời lại trôi đi…
Cuộc sống của thầy “mộc” như chính nghề của cha mình đã từng làm. Những năm sau chiến tranh, từ năm 1975 – 1979, thầy Hùng tham gia các hoạt động Đoàn thanh niên, sinh hoạt tập thể để đến các trung tâm, thăm trẻ em nghèo ở Nhà Bè và cả trong khu phố.
Thầy từng là Trưởng ban Báo chí của Khu phố… Hoạt động đến năm 1977, thầy Hùng có quyết định đi học và được bồi dưỡng đối tượng Đoàn.
Thời điểm này, thầy Hùng học xong cấp 3 thì và được kết nạp vào Đoàn đã là rất khó. Chi hội thanh niên hoạt động rất vui với các phong trào biểu diễn văn nghệ Tổ dân phố cho bà con xem…
Thầy cũng biết tự dựng kịch bản cho các chương trình văn nghệ, tự tập để biểu diễn trước hàng trăm người dân.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, thầy xác định luôn cho bản thân là nếu rớt Đại học thì đi nghĩa vụ quân sự. Quãng thời gian sinh hoạt thanh niên đã rèn luyện cho thầy nhiều về cuộc sống có ích, sống giản đơn.
Hiệu trưởng phải là thầy giáo giỏi, một nhà quản lý có tài |
Trong 7 năm ở Cần Giờ, từ năm 1979 – 1986, thầy Hùng phấn đấu và đạt được nhiều thành tích nhất định. Hơn 3 năm sau, thầy Hùng được đề bạt từ giáo viên lên làm Hiệu phó rồi 2 năm kế tiếp trở thành Hiệu trưởng.
Về lại thành phố, thầy Hùng lại rơi vào tình trạng “thất nghiệp” tạm thời. Tức là, thầy đã từng làm Hiệu trưởng ở Cần Giờ nên chuyển về quận 3 không còn “ghế” Hiệu trưởng để ngồi.
Đến tháng 10/1986, thầy vẫn không có chổ trống để bổ nhiệm. Phòng Giáo dục cũng không biết bố trí cho thầy Hùng đi đâu vì Ban Giám hiệu các trường đều đã ổn định.
Thầy liền đề xuất với Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 3 là không cần làm Hiệu trưởng và trường nào thiếu giáo viên thì xin được… đi dạy.
Lãnh đạo của Phòng Giáo dục gợi ý, Trường Tiểu học Lê Lợi (quận 3) thiếu giáo viên lớp 5 và thầy có đồng ý đi dạy lại không?
Thầy Hùng trả lời ngay: “Trường nào thiếu giáo viên thì cho tôi đi dạy, chứ tôi ngồi ở không mệt lắm”.
Trầm lặng nghề gieo chữ
Vậy là, thầy được phân công về trường với công tác giảng dạy như hồi mới tốt nghiệp ra trường. Thầy dạy 2 năm ở Trường Tiểu học Lê Lợi rồi được điều chuyển sang Trường Tiểu học Kỳ Đồng.
Ba năm kế tiếp, thầy Hùng chuyển sang Trường Tiểu học Trần Văn Đang và được cất nhắc lên làm Hiệu phó.
Bốn năm sau, thầy tiếp tục làm Hiệu phó ở Trường Tiểu học Phan Đình Phùng rồi làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thiện Thuật suốt gần 13 năm.
Thầy Nguyễn Văn Hùng (áo trắng, ở giữa) và tập thể giáo viên Trường Tiểu học Mê Linh. (Ảnh: H.L) |
Sau đó, thầy Hùng tiếp tục được điều chuyển và giữ vị trí Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mê Linh đã được 7 năm.
Thầy không nghĩ đến việc từng giữ cương vị là Hiệu trưởng khi còn rất trẻ rồi trở lại làm một nhà giáo để dạy học là một sự… đi xuống trong công việc.
Trong bất kỳ nhiệm vụ nào, thầy Hùng vẫn luôn đặt trọng tâm của bản thân chỉ mới mục đích “trồng người”. Dù làm một giáo viên hay là một Hiệu trưởng thì thầy vẫn luôn hướng đến các em học sinh cho nghề giáo của mình.
Từng quản lý các giáo viên rồi lại trở thành người bị quản lý, thầy Hùng không cảm thấy bất kỳ một áp lực nào cho bản thân.
Thầy hiểu được công việc người quản lý phải như thế nào với giáo viên nên thầy Hùng không lo ngại trong mọi vấn đề.
Thầy Hùng tự cho mình là may mắn khi ở cương vị nào cũng có người hỗ trợ. Khi làm giáo viên, thầy nhận được hỗ trợ từ đồng nghiệp hoặc từ Ban giám hiệu.
Và bây giờ, thầy Hùng lại nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các giáo viên để hoàn thành tốt vai trò của một Hiệu trưởng.
Nhớ lại quãng thời gian còn công tác ở Cần Giờ, tâm trí thầy vẫn luôn hướng đến các em học sinh. Nhiều em học lớp 5 nhưng đã ở độ tuổi 14 – 15.
Thầy truyền đạt cho các em ngoài con chữ thì còn bằng cả tình yêu thương và những kinh nghiệm sống đã từng trãi qua. Thầy Hùng dặn dò các em: “Tụi con cứ học đi, học để hiểu, để biết rồi sau này còn dạy dỗ lại cho con của mình”.