Hiệu trưởng phải là thầy giáo giỏi, một nhà quản lý có tài

13/12/2018 06:42
Trinh Phúc
(GDVN) - Theo thầy Phạm Tất Dong: “Sức đổ ra đào tạo hiệu trưởng gấp đôi lần đào tạo giáo viên. Một hiệu trưởng phải là nhà giáo giỏi và nhà quản lý giáo dục giỏi”.

Càng ngày trong công tác giáo dục càng trao quyền cho các hiệu trưởng. Tuy nhiên, có những vấn đề giáo dục vừa qua đã bộc lộ năng lực của hiệu trưởng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.

Chẳng hạn như vụ việc 231 cái tát ở Quảng Bình, hiệu trưởng đã tổ chức điều tra học sinh mặc dù vụ việc đã quá rõ ràng. Hay các vấn đề lạm thu, lạm chi bộc lộ nhiều yếu kém của hiệu trưởng xảy ra liên tục trên địa bàn cả nước.

Thực tế cho thấy thực lực của nhiều hiệu trưởng yếu kém nhưng nói về các quy định tiêu chí, tiêu chuẩn của hiệu trưởng đã được ban hành thì lại rất cao.

Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay chính là công tác đào tạo hiệu trưởng làm sao để có nhiều hiệu trưởng đạt chuẩn, gánh vác trách nhiệm ngày càng cao.

Ông Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam (ảnh TTXVN).
Ông Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam (ảnh TTXVN).

Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam liên quan đến vấn đề này.

Theo ông Dong, thường người ta nhìn góc độ hiệu trưởng như một nhà quản lý nhưng thực ra hiệu trưởng trước hết phải là nhà sư phạm.

Nếu hiệu trưởng không phải là nhà sư phạm thì làm sao quản lý được giáo dục. Cho nên, người hiệu trưởng vốn được đào tạo trong các trường sư phạm và sau đó phải được bồi dưỡng ở những trường đào tạo cán bộ hành chính. Như vậy sức đổ ra để đào tạo hiệu trưởng gấp đôi lần đào tạo giáo viên.

Giáo viên chỉ đào tạo về mặt chuyên môn, đứng lớp giảng dạy nhưng hiệu trưởng không chỉ là giáo viên mà còn là cương vị người quản lý. Như vậy, hiệu trưởng một lúc có hai nhiệm vụ đè lên vai.

Làm hiệu trưởng…sướng thật

Cũng theo ông Phạm Tất Dong, trong công tác đào tạo hiệu trưởng hết sức chú ý là không phải cứ giáo viên dạy giỏi thì có thể làm hiệu trưởng được.

Bởi nhiệm vụ của hiệu trưởng quản lý sẽ không giống như quản lý một doanh nghiệp vì môi trường nhà trường là đào tạo ra nhân cách học sinh.

Công tác của hiệu trưởng cũng không chỉ quản lý về mặt hành chính mà phải quản lý theo công nghệ giáo dục.

Trong đó, môi trường nhà trường là môi trường đạo đức chứ không phải môi trường vật lý đơn thuần.

Chính vì thế, một hiệu trưởng phải là nhà giáo giỏi và nhà quản lý giáo dục giỏi.

Do đó, theo Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, đào tạo hiệu trưởng phải có quy trình, cách làm riêng. Nếu một người không đủ tư chất quản lý mà chỉ dạy được thôi thì cũng không nên bố trí để làm quản lý.

Ông Dong lấy ví dụ: “Trường hợp cụ thể như cô Phan Anh trong vụ 231 cái tát ở Quảng Bình.

Qua câu chuyện này, nhận định của tôi là cô Phan Anh không đủ điều kiện, năng lực, tầm nhìn để quản lý một trường học.

Một trường học vì thi đua mà bưng bít đi cái xấu là không được. Một hiệu trưởng cần nhận thức được việc đánh học sinh là điều cấm kỵ nhưng nếu không nhận thức được điều đó thì làm sao làm hiệu trưởng được.

Khi nhận thông tin tổ chức điều tra học sinh về vụ việc tát 231 cái, tôi đã phát biểu, giá như tôi ở ngành giáo dục thì tôi sẽ cách chức hiệu trưởng ngay.

Vì hành động như vậy không thể quản lý giáo dục được”.

Hiệu trưởng có trăm phương, ngàn kế để lạm thu

Để xảy ra các vụ việc bạo hành trong giáo dục thời gian quan, vị chuyên gia này còn cho rằng không chỉ phải đào tạo hiệu trưởng một cách bài bản, chính quy mà cần thiết phải xem lại môi trường đào tạo giáo viên.

“Tôi cho rằng, các trường đào tạo như thế nào mà hiện tượng giáo viên lộn xộn trong trường không dẹp được.

Nếu không giải quyết được đội ngũ giáo viên thì khó lòng đào tạo được hiệu trưởng. Vì hiệu trưởng tốt trước hết là nhà giáo giỏi, một nhà giáo mẫu mực”.

Trinh Phúc