LTS: Câu chuyện về chỉ tiêu trong giáo dục đã được nhiều thầy cô phản ánh vì những hệ luỵ của nó.
Trong bài viết này, cô giáo Mai Hoa chia sẻ về bí quyết đạt chỉ tiêu chất lượng của các nhà trường.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Đầu năm trường học nào cũng ra chỉ tiêu chất lượng học tập của học sinh cao ngất ngưởng. Giáo viên phản ứng rần rần vì cho rằng không thể nào hoàn thành được.
Thế nhưng tại sao cuối năm lớp nào chất lượng cũng đều đạt mĩ mãn. Học sinh thật sự nỗ lực trong học tập để nhận kết quả xứng đáng hay thầy cô có những bí kíp hay?
Tại sao cuối năm lớp nào chất lượng cũng đều đạt mĩ mãn. Ảnh minh hoạ: Vtv.vn |
10 thế hệ học trò chỉ một đề kiểm tra
Là giáo viên mới chuyển về trường nên tôi được một đồng nghiệp thân thiết bật mí cho cách ôn thi “đảm bảo trúng y chang đề thi của nhà trường”.
Có phần thắc mắc, tôi hỏi “bộ biết trước đề thi à?”. Bạn mới bật mí cho biết “ai cho mình biết đâu, chỉ là ở trường lâu nên biết kiểu ra đề của thầy hiệu phó”.
Rồi bạn kể, mấy năm nay khi ra đề thi giáo viên để ý, đề năm nào cũng ra y chang đề năm ấy. Vì thế, thầy cô đều để lại đề cũ năm ngoái. Và năm nay, mang ra ôn cho học trò thể nào cũng trúng.
Nghe thế, tôi cũng không thể hình dung nổi sao lại có chuyện kì lạ như thế.
Tôi hỏi bạn mình “họ vô tình hay cố ý làm thế để nâng chất lượng học sinh lên?” bạn tôi nói rằng mình cũng chẳng hiểu nhưng thấy nhiều năm liền như thế và thành quen.
Dù được bật mí nhưng tôi vẫn không tin chuyện ấy là thật.
Tôi vẫn cứ ôn thi cho học trò tất cả những kiến thức mình cho là cơ bản.
Ngày thi, vừa nhìn thấy đề thi, cô bạn đồng nghiệp nói rằng “y chang như em nói mà không chịu tin”.
Sau này, tôi biết được gần như giáo viên nào trong trường cũng biết kiểu ra đề của thầy hiệu phó.
Thế nên họ nhởn nhơ, thoải mái ôn tủ cho học trò và đạt kết quả cao.
Chẳng bù cho tôi miệt mài ôn tập nhưng kết quả kiểm tra lớp mình vẫn đứng sau các lớp của nhiều đồng nghiệp.
Dạng đề để nguyên chỉ thay đổi vài thông số
Không bê y nguyên đề thi cho năm này đến năm khác như thầy hiệu phó trường tôi, một số hiệu phó khác siêng hơn thì giữ nguyên các dạng bài trong đề thi cũ và thay đổi vài số liệu cho có vẻ khang khác.
Với kiểu ra đề như thế, giáo viên cũng dễ dàng trong việc ôn tập cho học sinh.
Vào đến lớp học hay ở lớp học thêm, thầy cô cứ ra tất cả những dạng bài giống như trong đề thi.
Ngày nào cũng ôn tập những nội dung y chang nhau như thế mà giáo viên luôn nói vui là “nhừ như cháo, nát như tương” nên kết quả thi của các em bao giờ cũng cao bất thường.
Có giáo viên trong lúc chấm bài thi còn ngán ngẩm thốt lên rằng “em nào cũng điểm 9, 10 chấm thi phát ngán”.
Đã có không ít học sinh ngày thường học bình thường nhưng thi được luôn 9, 10 điểm toán buộc giáo viên phải tìm cách hạ điểm xuống cho khỏi bất thường.
Tự ra đề và tự chấm thi
Khác với cấp tiểu học thì hiệu phó ra đề, bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông giáo viên dạy bộ môn ấy trực tiếp ra đề.
Thế nên để nâng chất lượng học sinh lên theo đúng chỉ tiêu quy định giáo viên ra đề dễ và cho đề cương sát sườn để các em ôn tập.
Nói là ôn tập chứ gần như biết trước đề sẽ thi nên chỉ cần học thuộc là nắm chắc đạt điểm cao.
Một số thầy cô giáo bậc trung học bật mí, đề cương có 6 câu nhưng trong đề thi đã có tới 5 câu sao không thể làm được?
Với kiểu ra như đề như hiện nay ở nhiều trường học thì nhìn vào kết quả giáo dục cũng chẳng thể nào đánh giá được chất lượng thật hay ảo.
Muốn đánh giá chất lượng thật cần đổi mới cách ra đề, cách kiểm tra, đánh giá như hiện nay.
Nhưng chừng nào giáo viên còn chịu áp lực về chỉ tiêu chất lượng thì chừng đó các nhà trường cũng không thể làm khác.