Cố gắng chạy theo chuẩn, cố quá thành ra...quá cố

13/12/2018 06:42
Thảo Ly
(GDVN) - Sau giây phút hào hứng, chúng tôi được hiệu trưởng “tẩy não” bằng một số chỉ tiêu buộc phải đạt để không bị khống chế vào các quy định làm mất cơ hội đạt chuẩn

LTS: Trong bài viết này, cô giáo Thảo Ly chia sẻ những hệ lụy khi nhiều trường cố gắng tìm mọi cách để lên trường chuẩn, gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Hàng chục năm về trước khi nghe ngôi trường nào đạt chuẩn quốc gia, giáo viên chúng tôi đều hết lời thán phục và ước ao “giá mình được dạy trong những ngôi trường ấy sẽ thích thú biết bao nhiêu”.

Suy nghĩ như thế là bởi chúng tôi nghĩ trường chuẩn thì mọi cái (chất lượng, nề nếp, cơ sở vật chất…) đều chuẩn. Đương nhiên từ chuẩn phải đúng nghĩa của nó.

Hàng chục năm về trước khi nghe ngôi trường nào đạt chuẩn quốc gia, giáo viên đều hết lời thán phục. Ảnh minh họa: http://baoquangninh.com.vn
Hàng chục năm về trước khi nghe ngôi trường nào đạt chuẩn quốc gia, giáo viên đều hết lời thán phục. Ảnh minh họa: http://baoquangninh.com.vn

Ao ước nhiều thất vọng càng lớn

Vài năm sau, nhiều trường học ở địa phương tôi cũng được công nhận chuẩn. Khác với sự mong ước, khát khao của chúng tôi, một số đồng nghiệp giảng dạy trong những ngôi trường chuẩn ấy đều so vai, thở dài đôi khi buông thõng vài câu nói lấp lửng “vào dạy thì biết có nên ước ao không?”.

Chúng tôi hiểu có điều gì làm bạn khó nói nên cũng chẳng dám hỏi tới.

Vài năm sau nữa, trong buổi họp hội đồng nhà trường, hiệu trưởng thông báo “năm nay trường mình đăng kí xây dựng chuẩn, cuối năm đoàn thanh tra sẽ về công nhận”.

Sau giây phút hào hứng, chúng tôi được hiệu trưởng “tẩy não” bằng một số chỉ tiêu buộc phải đạt để không bị khống chế vào các quy định làm mất cơ hội đạt chuẩn.

Cố gắng chạy theo chuẩn, cố quá thành ra...quá cố ảnh 2Những chuyện rất buồn ở trường chuẩn quốc gia

Hàng loạt chỉ tiêu về lên lớp thẳng, học sinh tiên tiến, học sinh giỏi, chỉ tiêu hoàn thành chương trình, độ tuổi, hiệu quả đào tạo sau 5 năm… ngoài ra, còn các chỉ tiêu khác về các giải học sinh giỏi như Toán, tiếng Anh trên mạng, Hoa trạng nguyên…

Nói rồi, Ban giám hiệu giảng giải “nếu trước đây, tỉ lệ học sinh trường mình lên lớp thẳng chỉ đạt 97% thì nay buộc phải 99% là ít nhất.

Có ý kiến phản đối vì thực trạng học sinh không theo nổi chương trình khá nhiều. Cho các em ở lại 3% đã là quá nương nhẹ. Nay chỉ tiêu gần 100% biết làm cách nào cho đạt?

Giáo viên tá hỏa hỏi nhau “hóa ra lên chuẩn mà khốn khổ thế sao? Thảo nào nhiều đồng nghiệp trước đây thấy chúng tôi ao ước được dạy trong trường chuẩn đã cười và nói bóng gió đầy ẩn ý”.

Những hệ lụy kéo theo khôn lường

Nhà trường lên chuẩn phải thực hiện đúng các chỉ tiêu theo quy định nên phải ép xuống các tổ chuyên môn. Giáo viên không thể thực hiện được nên sinh ra nhiều cách để đối phó.

Đó là việc luyện đề thi Violympic thay học sinh, cho học sinh yếu kém lên lớp, hạ chuẩn đánh giá chất lượng học tập bằng cách ra đề thi dễ, gợi ý sát sườn… chất lượng học tập được nâng cao nhưng đó chỉ là hình thức, là cái biểu hiện bề nổi bên ngoài.

Thực sự không ít học sinh bị bắt cho lên lớp đúng chỉ tiêu đã phải bỏ học giữa chừng vì không theo nổi.

Cố gắng chạy theo chuẩn, cố quá thành ra...quá cố ảnh 3Nỗi khổ mang tên "trường chuẩn quốc gia"

Chất lượng học tập đi xuống, đạo đức của học sinh cũng tụt dốc nghiêm trọng. Thầy cô vì chỉ tiêu thi đua đôi khi cũng bày cho học trò nói điều gian dối.

Học trò vi phạm cũng chẳng dám hạ hạnh kiểm mà tự thỏa hiệp làm ngơ. Không ít giáo viên vướng sai phạm nhưng nhà trường chỉ dám xử lý nội bộ.

Cái ác, cái xấu cứ âm ỉ tồn tại. Môi trường giáo dục vốn bình yên nhưng thực ra luôn cuộn sóng. Cho đến một ngày không thể che đậy được nên mới bùng phát ra thế.

Chuyện 231 cái tát của một giáo viên vào má cậu học trò và một cái tát của hiệu trưởng nhà trường vào ngành giáo dục đã chứng minh điều ấy. Người ta luôn tìm cách bưng bít, bao biện dù sự việc đã quá rõ ràng.

Xét cho cùng thi đua không có tội, cái tội đến từ tính hiếu thắng của con người, từ ước muốn thay đổi địa vị của chính mình, thay đổi cách nhìn về bản thân mà mình chưa hoặc không có được.

Ai cũng hiểu áp lực hiện nay trong ngành giáo dục đến từ các chỉ tiêu quy định một cách cứng nhắc.

Nhưng có ai đảm bảo được rằng khi bỏ các chỉ tiêu ấy, ngành giáo dục sẽ chấm dứt áp lực lên giáo viên? Lên học sinh? Cái chính vẫn là cần đổi mới cách làm nếp nghĩ về thành tích đã ăn sâu vào trong máu thịt của tất cả chúng ta.

Thảo Ly