Giá trị thật của Sáng kiến kinh nghiệm là gì?

21/12/2018 07:08
Nguyễn Nguyên
(GDVN) - Rõ ràng, một số hướng dẫn đánh giá, xếp loại, xét thi đua đối với giáo viên hiện nay còn nhiều bất cập và quá đề cao Sáng kiên kinh nghiệm.

LTS: Cho rằng, sáng kiến kinh nghiệm đang được quá đề cao trong việc xếp loại, đánh giá và xét thi đua cho giáo viên, nhà giáo Nguyễn Nguyên tiếp tục có những chia sẻ về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mục đích, bản chất của việc phát động, thực hiện viết Sáng kiến kinh nghiệm hiện nay của ngành giáo dục là không xấu.

Bởi, ngành giáo dục hay bất kỳ một ngành nghề khác đều muốn có những sáng kiến, cải tiến mới để tạo khâu đột phá cho ngành và cũng là cách để tìm ra những thầy cô giáo tiêu biểu, đam mê với nghiên cứu khoa học.

Song, thực tế thực hiện dưới cơ sở lại phát sinh ra một số tiêu cực và nó trở thành một trở ngại cho thi đua của giáo viên và các nhà trường khi tất cả các văn bản hướng dẫn xét thi đua hàng năm đều gắn liền với tiêu chí Sáng kiến kinh nghiệm.

Bất cập trong cách viết, cách chấm

Phải nói rằng việc thực hiện Sáng kiến kinh nghiệm hiện nay ở các cơ sở giáo dục còn tồn tại rất nhiều những bất cập và thậm chí tiêu cực.

Sáng kiến kinh nghiệm đang được quá đề cao trong việc xét thi đua cho giáo viên (Ảnh minh họa: pgdnamtruc.edu.vn).
Sáng kiến kinh nghiệm đang được quá đề cao trong việc xét thi đua cho giáo viên (Ảnh minh họa: pgdnamtruc.edu.vn).

Hàng năm, ngành giáo dục phát động viết Sáng kiến kinh nghiệm đến toàn thể giáo viên trong ngành.

Các trường căn cứ vào phát động của cấp trên rồi yêu cầu giáo viên trong trường thực hiện. Có người tự nguyện đăng ký nhưng cũng có người được ban giám hiệu giao chỉ tiêu…phải viết.

Việc viết Sáng kiến kinh nghiệm đa phần giáo viên không hướng tới tính khoa học và hiệu quả của đề tài nhằm chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy của mình với đồng nghiệp. Bởi, đa phần giáo viên lên mạng Internet tải về “cắt, dán”.

Đề tài này lấy một đoạn, đề tài khác vài đoạn và sau một đêm “gia công” là tự nhiên có một… đề tài khoa học nộp lên cấp trên.

Khi chấm, đối với cấp trường thì thường là Ban giám hiệu chấm, rồi lên đến phòng giáo dục thì lãnh đạo phòng giáo dục chấm.

Nhiều người chẳng có chuyên môn về môn học liên quan đến đề tài nhưng vẫn chấm Sáng kiến kinh nghiệm một cách…bình thường.

Bởi, lãnh đạo trường hay phòng giáo dục thì cũng chỉ có mấy người và họ cũng chỉ tương ứng với chừng ấy môn học đã được đào tạo thời ở trường sư phạm. Nhưng, thực tế ở trường phổ thông hiện nay có đến hơn 10 môn học.

Vậy nhưng, nhiều lãnh đạo vẫn chấm, vẫn nhận xét và đưa ra quyết định loại hay công nhận giải cho giáo viên.

Vòng quay kì diệu của một Sáng kiến kinh nghiệm ở ngành giáo dục

Một số nơi còn có tình trạng nhìn mặt người dự thi để chấm giải. Thường, các cán bộ quản lý, người thân của lãnh đạo mà viết thì rất ít khi…rớt.

Vì thế, việc viết Sáng kiến kinh nghiệm và chuyện được công nhận giải bây giờ phụ thuộc rất nhiều vào lương tâm của người cầm cân nảy mực.

Tất nhiên, dù cách thực hiện, cách chấm như vậy nhưng mọi khâu thực hiện đều phải chi trả tiền mà tiền chi cho việc chấm Sáng kiến kinh nghiệm thì không hề ít.

Mỗi đề tài phải có 2 người chấm, mỗi đề tài như vậy là mấy trăm ngàn đồng và qua nhiều cấp chấm (trường-phòng-sở). Vì thế, số tiền chấm, số tiền trao giải cũng được nhân lên theo từng cấp.

Vậy nhưng, đa phần những Sáng kiến kinh nghiệm này chấm và công bố giải xong là…bỏ xó.

Vì đa phần chẳng có ai đem Sáng kiến kinh nghiệm mà mình vừa đạt giải ra áp dụng cho công việc thực tế nên nó chẳng có tác dụng gì cho người đạt giải và ngành giáo dục.

Bất cập việc quy đổi Sáng kiến kinh nghiệm

Mặc dù việc viết và công nhận giải Sáng kiến kinh nghiệm hiện nay ở nhiều địa phương đang tồn tại muôn vàn những bất cập.

Thế nhưng, theo quy định của ngành thì Sáng kiến kinh nghiệm lại là đứng đầu trong tất cả các phong trào thi đua của ngành. Các thành tích thi đua khác đều phải “quy đổi” thành Sáng kiến kinh nghiệm.

Chẳng hạn, để được công nhận là giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi thì phải trải qua 2 vòng thi lý thuyết và thực hành.

Trong đó, vòng thi lý thuyết bắt buộc phải có 1 Sáng kiến kinh nghiệm hay một cải tiến chất lượng bộ môn. Như vậy, Sáng kiến kinh nghiệm chỉ là một điều kiện để tham gia thi giáo viên giỏi.

Giá trị thật của Sáng kiến kinh nghiệm là gì? ảnh 2Dạy giỏi, tích cực, nhiệt tình... cũng không bằng một sáng kiến kinh nghiệm

Nhưng, khi được công nhận là giáo viên giỏi rồi thì danh hiệu giáo viên giỏi mới được quy đổi thành 1 Sáng kiến kinh nghiệm và dĩ nhiên khi xét thi đua phải đứng sau người đạt giải Sáng kiến kinh nghiệm.

Phong trào ôn thi học sinh giỏi đối với các trường phổ thông hiện nay rất nặng, thường giáo viên phải ôn suốt cả gần năm học nhưng khi các em đạt từ giải 3 cấp tỉnh trở lên cũng mới được công nhận bằng 1 Sáng kiến kinh nghiệm cấp cơ sở.

Và, còn rất nhiều phong trào thi đua khác trong ngành giáo dục đòi hỏi giáo viên phải đầu tư lớn về thời gian, vật chất, thậm chí là phải có sự cộng hưởng của cả thầy và trò trong nhiều tháng trời…nhưng thua một Sáng kiến kinh nghiệm.

Không chỉ với cá nhân mà những trường, tổ chuyên môn dù có đạt bao nhiêu thành tích trong giảng dạy và các giải thưởng trong các Hội thi nhưng tập thể không có người đạt giải Sáng kiến kinh nghiệm thì đương nhiên tập thể đó không được xét, đề nghị danh hiệu thi đua cho tập thể!

Trong khi, ngành giáo dục chưa có những công cụ giám sát việc thực hiện viết Sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên nên chất lượng Sáng kiến kinh nghiệm thường rất thấp.

Nhiều người viết (ăn cắp, xin…) một Sáng kiến kinh nghiệm chỉ cần một vài thao tác và chỉnh sửa một vài tiếng đồng hồ và không có giá trị thực tiễn gì, chỉ toàn là lý thuyết suông được cấp Phòng (khối Mầm non; Tiểu học; Trung học cơ sở), cấp trường (khối Trung học phổ thông; Trung tâm Giáo dục Thường xuyên và Dạy nghề) công nhận là đương nhiên được đứng trên “đỉnh cao muôn trượng”.

Trớ trêu nhất là những thành tích quy đổi thành Sáng kiến kinh nghiệm chỉ được xét thi đua đến danh hiệu cao nhất là Chiến sĩ thi đua cơ sở nhưng người đạt giải Sáng kiến kinh nghiệm thì có thể xét tới Bằng khen của Thủ tướng, Huân, Huy chương các loại….

Danh hiệu thi đua luôn gắn tiêu chí Sáng kiến kinh nghiệm

Đối với người thầy đang trực tiếp giảng dạy hay các thầy cô đang làm cán bộ quản lý thì có lẽ tiêu chí đầu tiên để xét thi đua phải là chất lượng giảng dạy, quản lý nhà trường hay kết quả đầu ra của trường để xét thi đua.

Giá trị thật của Sáng kiến kinh nghiệm là gì? ảnh 3Mỗi năm một sáng kiến mới sinh ra dối trá

Nhưng không, tất cả các danh hiệu thi đua cao quý đều yêu cầu có Sáng kiến kinh nghiệm làm tiêu chí cứng để xét và đề nghị công nhận danh hiệu thi đua.

Các danh hiệu thi đua ở ngành giáo dục đang áp dụng có rất nhiều nhưng bắt đầu từ danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên là gắn với Sáng kiến kinh nghiệm.

Ví dụ Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh phải có 3 Sáng kiến kinh nghiệm, Bằng khen cấp Tỉnh, cấp Bộ có 2 Sáng kiến kinh nghiệm liên tục. Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ có 5 Sáng kiến kinh nghiệm liên tục…

Chính vì những bất cập này mà nhiều người chưa thực sự giảng dạy tốt nhưng lại có danh hiệu cao quý nếu người đó “chịu khó” viết Sáng kiên kinh nghiệm hàng năm.

Ngược lại, những thầy cô giảng dạy tốt, có kết quả cao trong bồi dưỡng cho học sinh thi chuyển cấp, thi đại học, có nhiều học sinh giỏi khi tham gia cấp tỉnh, quốc gia lại ngậm ngùi dừng lại ở danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở!

Không chỉ các văn bản của Bộ Giáo dục mà ngay cả Nghị định 56 của Chính phủ đã được sửa đổi thành Nghị đinh 88 của Chính phủ cũng quá đề cao Sáng kiến kinh nghiệm.

Đối với Nghị định 56 trước đây, nếu không có Sáng kiến kinh nghiệm là xét “không hoàn thành nhiệm vụ”, bây giờ Nghị định 88 ra đời (2017) thì người có Sáng kiến kinh nghiệm được cấp có thẩm quyền công nhận thì mới được xếp loại viên chức cuối năm là “xuất sắc”.

 Nếu không có Sáng kiến kinh nghiệm thì chỉ được xếp mức tối đa là “Hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Trong Hướng dẫn số 16 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng mới ban hành ngày 24/9/2018 về việc kiểm điểm, xếp loại, đánh giá đảng viên hàng năm hướng dẫn những cá nhân được xếp loại đảng viên “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” như sau:

Đảng viên là công chức, viên chức phải được xếp loại cán bộ, công chức, viên chức “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Giáo viên vào mùa tìm kiếm sáng kiến kinh nghiệm

Nhưng, muốn được xếp loại viên chức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì phải có…Sáng kiến kinh nghiệm.

Rõ ràng, một số hướng dẫn đánh giá, xếp loại, xét thi đua đối với giáo viên hiện nay còn nhiều bất cập và quá đề cao Sáng kiên kinh nghiệm.

Đã đến lúc ngành giáo dục nên đánh giá lại thực trạng của việc thực hiện Sáng kiên kinh nghiệm hiện nay của ngành.

Nếu không, nó cũng chỉ là bệnh hình thức, vừa tốn công sức cho giáo viên (viết), lãnh đạo (chấm) và hàng năm phải chi một khoản kinh phí khổng lồ để cho người chấm, người đạt giải và chi gián tiếp cho các danh hiệu thi đua.

Nhưng, cuối cùng, khâu then chốt nhất là chất lượng giảng dạy lại không được coi trọng, đề cao nên nhiều người đang chạy theo những hư danh mà quên đi nhiệm vụ chính của người thầy.       

Nguyễn Nguyên