Thế nào là dạy học tích cực?

22/12/2018 07:34
TỪ TẤN PHÚC - ĐỖ TẤN NGỌC
(GDVN) - Khi áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, giờ giảng của mỗi giáo viên trở nên sinh động, hấp dẫn và có ý nghĩa.

LTS: Đề cập đến việc đổi mới giáo dục, hai tác giả Từ Tấn Phúc và Đỗ Tấn Ngọc nhấn mạnh đến vai trò của người thầy trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đổi mới phương pháp dạy học là bước chuyển đổi từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của người học, nghĩa là tổ chức cho học sinh hoạt động thay vì thụ động nghe giảng. 

Để đảm bảo được điều đó, phải thực hiện chuyển từ phương pháp dạy học theo lối "truyền thụ một chiều" sang dạy cách học, cách vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và phẩm chất.

Tăng cường việc học tập trong nhóm, đổi mới quan hệ giáo viên - học sinh theo hướng cộng tác có ý nghĩa quan trọng nhằm phát triển năng lực xã hội. 

Bên cạnh việc học tập những tri thức và kỹ năng riêng lẻ của các môn học chuyên môn cần bổ sung các chủ đề học tập tích hợp liên môn nhằm phát triển năng lực giải quyết các vấn đề phức hợp.

Gắn chặt việc sử dụng phương pháp dạy học với các hình thức tổ chức dạy học

Ảnh minh hoạ: Laodong.vn
Ảnh minh hoạ: Laodong.vn

Tuỳ theo mục tiêu, nội dung, đối tượng và điều kiện cụ thể mà có những hình thức tổ chức thích hợp như học cá nhân, học nhóm; học trong lớp, học ở ngoài lớp... 

Giáo viên cần chuẩn bị tốt về phương pháp đối với các giờ thực hành để đảm bảo yêu cầu rèn luyện kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, nâng cao hứng thú cho người học.

Khi áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, giờ giảng của mỗi giáo viên trở nên sinh động, hấp dẫn và có ý nghĩa. 

Đổi mới dạy học lấy người học là trung tâm và giáo viên có vai trò tổ chức, kiểm tra, hỗ trợ hoạt động học tập của học sinh một cách hợp lý sao cho học sinh tự chủ chiếm lĩnh tri thức. 

Khả năng chuyên môn của người thầy sẽ tăng lên nhờ áp lực của phương pháp, bởi nội dung kiến thức của từng giờ giảng phải được cập nhật liên tục để đáp ứng các câu hỏi của người học trong thời đại thông tin rộng mở. 

Thế nào là dạy học tích cực? ảnh 2Làm rồi hãy nói, triết lý đấy chứ sao phải đi tìm?

Chúng tôi còn nhớ, trong những năm đầu đổi mới phương pháp dạy học, chuyển từ dạy học truyền thống sang dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực được triển khai sâu rộng và cụ thể trong các tiết học, các chủ đề. 

Lúc đầu, đa phần giáo viên còn rất mơ hồ, không phân biệt được phương pháp dạy học và kỹ thuật dạy học, nhiều giáo viên không hình dung thế nào là dạy học theo chủ đề và dạy học theo nghiên cứu bài học. 

Học sinh thì lúng túng khi giáo viên triển khai các phương pháp dạy học tích cực. 

Bằng cách làm sáng tạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, các cụm chuyên môn được hình thành, các buổi sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt cụm được tổ chức thường xuyên, giáo viên có điều kiện giao lưu học hỏi, được dự giờ các tiết giảng mẫu. 

Có thể nói rằng, sau khi đổi mới đồng bộ về mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức… đa phần giáo viên đều có khả năng tổ chức và giảng dạy thành thạo các chủ đề và bài học minh họa. 

Đổi mới phương pháp giảng dạy cũng gắn liền với vận dụng công nghệ thông tin vào việc soạn giảng, phần lớn giáo viên có trình độ công nghệ thông tin tốt và biết cách vận dụng vào các bài học của mình. 

Bên cạnh đó, các cuộc thi về dạy học tích hợp, dạy học chủ đề cũng được tổ chức đều đặn, thu hút sự tham gia và khả năng sáng tạo của giáo viên, nhờ đó kết quả thu được rất khả quan. 

Không chỉ vậy, các kỳ thi tuyển giáo viên và hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp cũng đồng bộ áp dụng phương pháp dạy học tích cực, nhiều tiết học sinh động, hấp dẫn và thu hút học sinh, giáo viên cũng linh hoạt trong sử dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học. 

Đổi mới phương pháp dạy học đi đôi với đổi mới kiểm tra, đánh giá

Hình thức thi trắc nghiệm khách quan hầu như được áp dụng trong các môn học với kĩ thuật xây dựng ma trận đề và biên soạn câu hỏi kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh. 

Thế nào là dạy học tích cực? ảnh 3Chương trình mới cần phải bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên

Đề kiểm tra bao gồm các câu hỏi theo các cấp độ nhận thức cụ thể từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Các môn học thuộc tổ hợp xã hội cũng có nhiều đổi mới đáng nói về tư duy ra đề. 

Đặc biệt, môn Ngữ văn với hình thức thi tự luận, do đặc thù của bộ môn cũng tập trung chủ yếu vào đánh giá hai năng lực đọc và viết, tuân thủ quy trình biên soạn đề kiểm tra đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực. 

Những đề thi hay và thời sự giúp học sinh phải tư duy nhiều chiều chứ không còn tư duy theo kiểu bài văn mẫu. Đó là những đổi mới mang tính đột phá và từng bước đạt những kết quả khả quan. 

Dạy học là quá trình trao đổi kiến thức giữa thầy và trò. Nếu thầy chỉ thuyết trình, có gì nói nấy thì những gì thầy giảng chỉ là kiến thức một chiều.

Có thể người học đã biết những kiến thức ấy, hay đó là những nội dung không hữu ích đối với cuộc sống hiện tại và tương lai của họ. 

Người thầy phải luôn đổi mới bài giảng cũng như phong cách đứng lớp. 

Quá trình dạy học là quá trình tương tác thống nhất giữa giáo viên và học sinh. Khi giáo viên tổ chức giờ học bằng phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực, người học thấy họ “được học” chứ không “bị học”. 

Người học được chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm của mình đồng thời với việc bổ sung những kiến thức, kinh nghiệm không chỉ từ người thầy mà còn từ chính các bạn trong lớp. 

Họ hạnh phúc khi được học, được sáng tạo, được thể hiện, được làm chủ kiến thức. 

Nhờ học theo hướng tích cực mà học sinh ghi nhớ sâu kiến thức và tăng khả năng áp dụng vào thực tế lên gấp 3-4 lần so với cách học thụ động một chiều. 

Học sinh sẽ vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các tình huống thực tiễn, nhờ vậy mà các em trở nên tự tin, chủ động và quan trọng hơn hết, kiến thức các em học được không chỉ gói gọn trong những trang sách mà trở thành những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm thực tiễn.

Khi áp dụng phương pháp giáo dục chủ động, người học là chủ thể nhận thức, người thầy thông qua tổ chức các hoạt động học tập mà hỗ trợ, giúp đỡ học sinh của mình. 

Như vậy, nhiều người sẽ tự đặt câu hỏi rằng liệu vai trò của người thầy có giảm đi không với cách dạy học đổi mới như vậy?

Tôi xin khẳng định ngay là không. Ngược lại, vai trò người thầy càng trở nên quan trọng. Giữa biển thông tin mênh mông, điều gì cần gạn lọc, cách sử dụng ra sao và ứng dụng chúng vào cuộc sống như thế nào… 

Tất cả những điều ấy đều cần đến sự linh hoạt của người thầy.

Mời quý bạn đọc quan tâm đón đọc phần cuối của bài viết, Thầy cô cần làm gì để thay đổi phương pháp dạy học?

TỪ TẤN PHÚC - ĐỖ TẤN NGỌC