LTS: Cho rằng, việc ra đề kiểm tra theo trào lưu chưa hẳn đã là hay, nhà giáo Thanh An đã đưa ra những chia sẻ của mình thông qua bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Là một giáo viên đang giảng dạy tại một trường phổ thông, điều mà tôi ghi nhận được trong thời gian qua đó là việc các địa phương đang thực hiện việc đổi mới dạy học và cách ra đề kiểm tra đối với các môn học.
Những vấn đề thời sự nổi bật, có ảnh hưởng tới một bộ phận đông đảo người dân là lập tức được một số trường đưa vào đề kiểm tra, đề thi.
Nói thật, những đề kiểm tra như vậy hay thì cũng có hay nhưng đọc một số đề kiểm tra, chúng tôi nhận thấy ngoài tính thời sự ra thì một số đề bài này chưa có sự chú trọng đầu tư về câu chữ, về nội dung, tính giáo dục mà người ra đề cần hướng tới cho học trò.
Các em học sinh làm bài kiểm tra (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Gần đây nhất là sự kiện đội tuyển bóng đá Việt Nam đăng quang ngôi vô địch AFF Cup năm 2018. Sự kiện này đã tạo nên sự hưng phấn, hạnh phúc cho phần lớn người dân cả nước bởi chúng ta đã chờ đợi ngôi vô địch suốt 10 năm qua.
Khi đội tuyển Việt Nam đăng quang cũng là lúc các trường học chuẩn bị bước vào kiểm tra học kỳ I. Vì thế, một số trường học đã lấy sự kiện này vào đề kiểm tra môn Văn, môn Sử, thậm chí là cả môn Hóa học.
Điều đáng ghi nhận là các thầy cô đã nhanh nhạy khi ra những đề kiểm tra gắn liền với hơi thở của cuộc sống xã hội. Nhiều em học sinh thích thú bởi các em có nhiều điểm tương đồng. Bởi, nhiều em học sinh, nhất là các em nữ đều hâm mộ các cầu thủ trẻ của đội tuyển.
Tuy nhiên, khi đọc đề Văn lớp 12 của kỳ kiểm tra học kỳ I của Trường trung học phổ thông Nguyễn Du (thành phố Hồ Chí Minh) chúng tôi nhận thấy nhiều điều chưa ổn.
Đề câu 2 (2 điểm) của phần Làm văn có nội dung yêu cầu như sau:
“Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về sự cống hiến hết mình của những cầu thủ vừa đăng quang ngôi vô địch AFF Cup 2018, lứa cầu thủ yêu quê hương đất nước, tự hào tự tôn dân tộc, có ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc, lao động và học tập để khẳng định bản lĩnh, tài năng cá nhân và phục vụ cống hiến cho đất nước, sẵn sàng có mặt khi Tổ Quốc cần”.
Xét về nội dung, đề bài gán ghép một cách khiên cưỡng giữa sự việc này sang một sự việc khác không thuyết phục.
Xây dựng ma trận đề kiểm tra cũng cần thiết và quan trọng lắm |
Chẳng lẽ, những cầu thủ bây giờ mới là “lứa cầu thủ yêu quê hương đất nước, tự hào tự tôn dân tộc” còn trước đây là không có tinh thần này hay sao?
Hơn nữa, chúng ta thấy rằng bóng đá trước hết phải là một môn thể thao nên việc người ra đề đã cố tình gắn thêm nhiệm vụ này khác vào thì hoàn toàn mâu thuẫn, phi khoa học, không đúng với bản chất của một môn thể thao.
Về hình thức, đề bài này cố tình phô diễn những điều không cần thiết nên không cô đọng và chắt lọc được từ ngữ. Cả một yêu cầu dài dằng dặc như vậy nhưng người ra đề chỉ dừng lại có 1 câu văn.
Ngoài ra, chúng ta còn thấy chữ “Quốc” không cần phải viết hoa như vậy.
Rõ ràng, khi đọc đề bài Văn như vậy, chúng ta thấy người ra đề rất yếu về ngữ pháp, cách diễn đạt và viết hoa sai quy tắc tiếng Việt.
Ngược lại dòng thời gian, chúng ta cũng đã bắt gặp rất nhiều những đề kiểm tra lấy từ những sự việc tương tự.
Như khi bộ phim Hàn Quốc là “Hậu duệ mặt trời” được công chiếu thì trong đề kiểm tra học kỳ II, năm học 2015-2016 của Trường chuyên Trung học phổ thông Lê Qúy Đôn (Quảng Trị) cũng lấy cảm bộ phim này làm đề kiểm tra cho học trò của mình.
Trong đó, có những câu hỏi như sau: “Một bộ phim truyền hình nhưng lại nhận được sự quan tâm đặc biệt của các chính trị gia. Theo em sự quan tâm ấy đã chứng tỏ điều gì của bộ phim? Câu văn nào (trong văn bản) đã thể hiện điều đó?.
Với niềm cảm hứng được gợi lên từ bộ phim cùng những gì văn bản này thể hiện, hãy viết một đoạn văn (không quá 15 dòng) với chủ đề: “Nếu tôi là đạo diễn”…
Nói thật, phim “Hậu duệ mặt trời” hay hiện tượng “Bà Tưng”, “Lệ Rơi”, “Sơn Tùng M-TP” và một số sự kiện khác trong thời gian qua đi vào đề kiểm tra môn Ngữ văn cũng như một số môn học khác chỉ có một số học sinh thích thú bởi các nhân vật hay sự kiện đó được các em thích thú và theo dõi.
Kiểm tra 1 tiết bằng đề chung của Quảng Ngãi, không phải là một sáng kiến hay |
Nhưng, nhiều học sinh không xem bóng đá, không xem phim mà đề bài yêu cầu, không theo dõi những ca ca sĩ “đình đám” trên các trang mạng thì làm sao các em làm được bài?
Và, vấn đề quan trọng là những sự kiện như vậy có tác dụng nhiều đến các em hay không?
Chúng tôi cho rằng ra đề kiểm tra môn học gì đi chăng nữa cũng phảo tuân thủ theo một nguyên tắc nhất định và đặc trưng môn học để hướng tới đại đa số bộ phận học sinh.
Đề kiểm tra, đề thi phải dựa trên cơ sở khoa học hoặc nếu lấy những sự kiện thời sự cũng cần phải chắt lọc cụ thể những sự kiện, con người thật tiêu biểu, có tác động sâu rộng đến đất nước.
Những “Bà Tưng” hay “Lệ Rơi” và ngay cả “Sơn Tùng M-TP”…thì hướng học sinh giải quyết được vấn đề gì đây?
Chúng ta hướng tới việc ra đề mở nhưng đề mở không phải là ra một cách tùy tiện, ngẫu hứng chủ quan của người ra đề.
Nói gì thì nói, đề kiểm tra học kỳ sẽ có ảnh hưởng đến hàng trăm, hàng ngàn học sinh nên tính giáo dục phải hướng tới đầu tiên.
Ra đề kiểu trào lưu theo sự kiện “hot” như một số trường đang làm xem chừng chưa phải là giải pháp hay trong tình hình đổi mới giảng dạy và ra đề kiểm tra hiện nay.