Huấn luyện viên Alfred Riedl đã nổi tiếng với câu nói “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”, bởi bóng đá Việt Nam một thời gian dài chạy theo bệnh thành tích mà lãng quên công tác đào tạo, giáo dục cầu thủ trẻ.
Thế nhưng, mọi việc đã đổi thay khi công tác đào tạo, giáo dục cầu thủ trẻ được chú trọng.
Hơn 10 năm của sự nghiệp gieo mầm cho bóng đá Việt Nam, chúng ta đã hái được những quả ngọt.
Năm 2008, Việt Nam vô địch AFF Cup với những chiến thắng ngoạn mục. Lần đầu tiên, Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á.
Cũng từ 2007, bóng đá Việt Nam đã bắt tay câu lạc bộ Arsenal và mở học viện Hoàng Anh Gia Lai JMG.
Với triết lý đào tạo cầu thủ có đủ tài và đức, Hoàng Anh Gia Lai đã trình làng những sản phẩm đào tạo tinh tú cho bóng đá Việt Nam.
Bóng đá ở Việt Nam giờ đây không chỉ là một môn thể thao. (Ảnh: chưa rõ nguồn). |
Năm ngoái có thời điểm tới 9/18 cầu thủ đội hình U23 Việt Nam là xuất phát từ lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai JMG.
Không chỉ Hoàng Anh Gia Lai, các trung tâm bóng đá trẻ khác trên cả nước như PVF, Trung tâm bóng đá Hà Nội cũng đã chú trọng đào tạo và giáo dục cầu thủ trẻ.
Trong đội hình U23 Việt Nam giành ngôi Á quân giải U23 châu Á tại Thường Châu (Trung Quốc) vào tháng 8 vừa qua có tới 10 cầu thủ đến từ Câu lạc bộ Hà Nội. Đây cũng là những nhân tố quan trọng tại đội tuyển quốc gia dự AFF Cup 2018.
Cũng từ đó, bóng đá Việt Nam cũng vươn ra thế giới ở nhiều cấp độ hơn như mới đây là đại diện duy nhất của Đông Nam Á tại U20 World Cup.
Thành công tại ASIAD và AFF cup 2018 cho thấy bóng đá bóng đá Việt Nam đang trải qua những ngày tươi sáng và đầy hi vọng.
Bên cạnh những thành công về chuyên môn bóng đá, đây có lẽ là thế hệ cầu thủ được giáo dục một cách toàn diện cả về “tài” lẫn “đức” và đang giành được sự tin tưởng tuyệt đối từ người hâm mộ.
Nhìn những Công Phượng, Xuân Trường tự tin giao tiếp với trọng tài nước ngoài bằng tiếng Anh cho thấy họ được đào tạo rất bài bản, không ít các tuyển thủ quốc gia đang theo học Đại học.
Địa chấn U23 Việt Nam và lời răn dạy "không thầy đố mày làm nên" |
Nói về việc học văn hóa của cầu thủ, chợt nhớ đến những gì diễn ra sau trận đấu đầu tiên của Đội tuyển Việt Nam tại AFF Suzuki Cup 2008.
Trận ấy, Việt Nam thua Thái 0-2, và các cầu thủ không giấu được nỗi buồn ghê gớm khi trở về khách sạn Royal Phuket City.
Buổi họp đội hôm sau, Huấn luyện viên trưởng Calisto "lên lớp": "Các anh có biết mình sinh ra trong một dân tộc như thế nào, có một lịch sử như thế nào không? Nếu các anh yếu đuối và gục ngã, các anh không xứng đáng là công dân của một dân tộc anh hùng".
Ông Ngô Lê Bằng, phiên dịch cho Calisto hồi ấy nhận xét: "Nghe một người nước ngoài như Calisto nói về lịch sử Việt Nam, về dân tộc Việt Nam mà một người Việt Nam như tôi cũng thấy nóng lên bừng bừng".
Câu chuyện này cho thấy, nếu các cầu thủ được giáo dục đầy đủ, hiểu được những giá trị to lớn của dân tộc mình, giá trị của bản thân, nghề nghiệp mình đang theo đuổi thì chắc chắn họ có động lực và làm được những điều phi thường hơn so với chính họ.
Quả ngọt của đội tuyển Việt Nam thu hái từ việc đào tạo những cá thể bóng đá tử tế. (Ảnh: Trung tâm PVF) |
Nhìn lại những sự cố, những vết đen về nghi án bán độ của những tài năng một thủa như Văn Quyến, Quốc Vượng… đã khiến người hâm mộ cả nước thất vọng và quay lưng.
Trách cách cầu thủ trót nhúng chàm một phần nhưng người hâm mộ cũng trách những người làm đào tạo ở những câu lạc bộ đào tạo ra những cầu thủ đó mười phần.
Bởi họ chạy theo thành tích mà quên mất việc giáo dục cầu thủ thành một con người, họ chỉ chăm chăm đào tạo cầu thủ thành một chiếc máy biết đá bóng.
Và hậu quả không ít người đã không thoát khỏi những cạm bẫy của xã hội, cái giá của việc không giữ mình trước sự nổi tiếng.
Tại các nước phát triển, khi những nhu cầu cơ bản của con người đã được đảm bảo, họ quan tâm nhiều hơn tới thể thao.
Bởi lẽ, thể thao mới là nền tảng của một thể lực tốt, là công cụ quan trọng để phát triển trí tuệ và uốn rèn nhân cách.
Bóng đá đôi khi vượt qua khuôn khổ của một môn thể thao đơn thuần mà nó còn là nơi thể hiện những đam mê, khát vọng và uốn rèn nhân cách cho con người.
Và trách nhiệm của những người làm bóng đá nói riêng và trách nhiệm của xã hội nói chung là tạo nên và nuôi dưỡng những cá thể bóng đá tử tế.
Quả ngọt mà bóng đá Việt Nam đang hưởng được thành công từ cái gốc của đào tạo ra con người tử tế.
Việt Nam là một đất nước nhỏ với một tình yêu to lớn dành cho bóng đá. Người ta có thể xuống đường không phải để ăn mừng một chiếc cúp cụ thể nào.
Người ta xuống đường đơn giản chỉ vì không thể bỏ lỡ một dịp vui đến thế. Ở Việt Nam những ngày này, rất khó để giam mình trong phòng trọ chật hẹp với những u uất khó nói khi ngoài kia, tiếng kèn, tiếng tù và, tiếng loảng xoảng của mâm, của xoong chảo bị kéo lê trên mặt đường như thúc giục cả những con người đang trầm uất nhất.
Chính thứ bóng đá của những con người tử tế, được đào tạo đã làm nên những cảm xúc xúc động và tự hào đến vậy.