LTS: Chia sẻ những góc khuất trong công tác ra đề kiểm tra, đề thi của một số địa phương, nhà giáo Nguyễn Nguyên đã đưa ra bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Mỗi năm nhà trường có 2 kỳ kiểm tra quan trọng đó là kiểm tra học kỳ I và II, tỉnh có 1 kỳ thi quan trọng là thi tuyển sinh 10, Bộ cũng có kỳ thi lớn là thi Trung học phổ thông Quốc gia.
Dù được chuẩn bị khá kỹ lưỡng nhưng hàng năm, chúng ta vẫn bắt gặp một vài sự cố lộ đề.
Chuyện lộ đề thường nằm ở cấp trường và cấp tỉnh bởi thực tế một số cán bộ ra đề chưa nghiêm minh, đặt lợi ích cá nhân của mình lên trên quyền lợi của địa phương và nhà trường.
Mấy ngày nay, lại có chuyện lộ đề kiểm tra học kỳ I, môn Toán ở Trường trung học phổ thông Phú Quốc, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Việc lộ đề là do thầy giáo Trần Văn Mạnh, giáo viên môn Toán - người ra đề kiểm tra của nhà trường lại đang tham gia dạy thêm cho học trò.
Lộ đề kiểm tra toán ở Trường trung học phổ thông Phú Quốc (Ảnh: Tuấn Anh/vietnammoi.vn). |
Chuyện cũng dễ hiểu bởi thầy ra đề, thầy lại dạy thêm cho trò thì ắt thầy sẽ muốn học trò mình đang dạy thêm có điểm cao hơn những học sinh không học thêm để tạo “uy tín” cho mình.
Đây là chuyện không mới nếu không nói là cũng khá phổ biến đối với một số giáo viên đang dạy thêm ở nhà cho học trò.
Có điều, những bí mật ấy được cả thầy và trò làm chặt chẽ và bí mật hơn mà thôi.
Thực tế, chuyện lộ đề kiểm tra học kỳ thì năm nào chúng ta cũng thấy, cuối năm học trước, trong kỳ kiểm tra học kỳ II, khối 11 của tỉnh Đồng Tháp bị lộ 2 môn Toán và môn Sử.
Điều nghiêm trọng nhất là 2 đề này do Sở ra - ảnh hưởng đến học sinh toàn khối 11 của tỉnh.
Cũng may, trước khi tổ chức kiểm tra, đề kiểm tra chính thức của 2 môn này đã được lan truyền trên mạng xã hội.
Sau đó, Sở phải yêu cầu dừng kiểm tra 2 môn này và xác minh thì xác định ông Bùi N.A. là giáo viên Trường trung học phổ thông thành phố Cao Lãnh là người làm lộ đề thi.
Ông A. là người trong tổ sao đề nên đã tự ý mang hai đề thi này về nhà với mục đích “trả ơn” cho gia đình chị T. - một phụ huynh học sinh, vì trước đây gia đình chị T. đã từng giúp đỡ gia đình ông A. nhiều việc.
Tại Khánh Hòa cũng đã từng xảy ra việc lộ đề kiểm tra học kỳ I của lớp 12, năm học 2017-2018 vừa qua.
Sự việc được phát hiện vào trưa 29/12/2017, trên mạng xã hội xuất hiện các thông tin cho rằng đề Toán sắp thi bị lộ trước buổi kiểm tra.
Qua điều tra phát hiện, giáo viên Lê Thái T. - Trường trung học phổ thông Đại Việt được giao nhiệm vụ in sao đề kiểm tra môn Toán, tuy nhiên thầy T. đã mang đề ra ngoài photo, giáo viên này lén photo thêm 1 bản, sau đó cho một học sinh mà giáo viên dạy kèm biết trước.
Những sự việc như thế này, chúng ta thấy đều có điểm chung là giáo viên làm công tác ra đề hay in sao đề kiểm tra học kỳ muốn tư lợi việc của riêng mình mà làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những học sinh khác, ảnh hưởng đến uy tín nhà trường và ngành giáo dục của địa phương.
Những “bí mật”, nằm trong bí mật
Chúng tôi có một người bạn khá thân, hiện nay anh đang giảng dạy tại một trường trung học cơ sở đã tâm sự một bí mật mà anh là người trong cuộc của kỳ thi tuyển sinh 10 của tỉnh cách nay 4 năm.
Năm ấy, anh được Sở triệu tập tham gia ra đề thi tuyển sinh 10. Cùng tham gia với anh là 2 giáo viên ở 2 huyện khác nữa. Ba người ra đề và chịu trách nhiệm in sao toàn bộ đề thi cho tỉnh khoảng trên 30 nghìn đề thi.
Sau kỳ thi đó, anh ấm ức mãi mấy năm sau mới tâm sự với chúng tôi bởi anh bảo kỳ thi không công bằng, tốn kém hàng tỉ đồng của địa phương để tổ chức một kỳ thi mà làm như một…trò hề.
Anh kể: theo quy định thì những người tham ra gia đề, coi thi, chấm thi phải là người không có con cháu ruột rà tham gia trong kỳ thi đó.
Và, lâu nay ở địa phương mình thì thường là Trưởng Hội đồng bộ môn của tỉnh là người ra đề tuyển sinh 10.
Hai giáo viên còn lại sẽ là người phản biện (chế độ người ra đề cao hơn nhiều so với người phản biên).
Nhưng, năm đó con gái vị Trưởng Hội đồng bộ môn này tham gia thi tuyển 10 nên đương nhiên vị này không được tham gia ra đề thi như những năm khác.
Trước khi bước vào phòng cách ly anh vẫn tưởng là vào mới ra đề nhưng hóa ra không phải vậy.
Vào đến nơi, một đồng nghiệp của anh chìa ra sẵn 4 cái đề thi gồm 2 đề chuyên và 2 đề đại trà (các môn khác cũng vậy) và yêu cầu 2 đồng nghiệp phản biện.
Khi phản biện, anh thấy đề thi và đáp án có một số chỗ không phù hợp nên đề nghị sửa thì người kia nhất quyết không chịu.
Anh đồng nghiệp kia nói đề thầy (…) ra nên không thể sửa được. Anh bạn tôi phản đối vì nhiệm vụ, trách nhiệm được giao cho 3 người mà lại ông thầy Trưởng Hội đồng bộ môn kia ra đề trước nếu sai sót thì 3 người được triệu tập theo quyết định chịu trách nhiệm chứ ông thầy kia không có dính dáng gì đâu.
Nhưng, 2 người còn lại không chịu, có lẽ “cái bóng” ông Trưởng Hội đồng bộ môn quá to nên 2 người kia sợ.
Anh ấm ức, không phục với cách làm khuất tất này nhưng giữa chốn cách ly như vậy đành phải im lặng làm cái nhiệm vụ mà mình được giao.
Ngày kết thúc kỳ thi, các anh được ra khỏi khu vực cách ly để trở về nhà. Khi về nhà, qua một số nguồn tin khác nhau, anh biết đề thi bị lộ trước khi thi nên cảm thấy buồn và hẫng hụt vô cùng.
Sau này có dịp, anh hỏi một người bạn là chủ trung tâm gia sư là làm sao học sinh ở trung tâm biết được đề thi của tỉnh trước khi thi thì cô này cười nói: Chúng em có nhiều nguồn thông tin, vì thế kỳ thi năm nay các em biết trước được 2/3 đề thi của Sở.
Cuối hè năm ấy, Sở mở một lớp tập huấn cho đội ngũ cốt cán của môn học, anh bạn tôi cũng tham gia trong lớp học đó.
Trong lúc ngồi ngồi uống cà phê khi giải lao thì thầy Trưởng Hội đồng bộ môn chia sẻ: Vừa qua, tôi định làm đơn phúc khảo cho con gái vì nó được có 7,5 điểm môn Văn. Nhưng, cũng may nó đậu vào được lớp đại trà trường chuyên của tỉnh nên tôi mới thôi.
Buộc thôi việc cán bộ văn thư ở Đồng Tháp làm lộ đề kiểm tra học kỳ |
Ông thầy này nói một cách “tỉnh bơ” như không có chuyện gì xảy ra với mình.
Có lẽ, trong lòng vị Trưởng Hội đồng bộ môn Văn của tỉnh có một “niềm tin mãnh liệt” vào đứa con gái yêu của mình.
Nhưng, sự thật thì có mấy người ngồi trong bàn cà phê hôm ấy biết được những “góc khuất” phía sau những lời tuyên bố mạnh miệng của ông thầy này.
Chúng ta biết rằng, dù khi tổ chức kiểm tra học kỳ hay một kỳ thi tuyển thì ngân sách nhà trường, địa phương đều phải chi rất nhiều và liên quan đến hàng trăm, thậm chí là hàng chục ngàn học sinh.
Thế nhưng, chỉ vì một số cái lợi trước mắt mà một số thầy cô được lãnh đạo tin tưởng giao nhiệm vụ đã tự ý làm hỏng cả một kỳ thi với biết bao nhiêu công sức của nhiều người. Hơn nữa, làm mất đi niềm tin của phụ huynh và xã hội.
Nếu vẫn còn học thêm, nếu một số địa phương vẫn còn tình trạng để Trưởng Hội đồng bộ môn ra đề sẵn trước khi bước vào phòng cách ly trong kỳ thi tuyển sinh 10, vẫn còn đề cao thành tích thì những chuyện dối trá như thế này vẫn luôn xảy ra.
Thực tế, những vụ việc bị lộ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm bởi thường những chuyện bí mật như thế này thì chỉ có những người thân tín truyền tai nhau, điện cho nhau biết và ít khi có thể lọt được ra ngoài.