Tại buổi họp báo công bố chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều ý kiến băn khoăn rằng việc tập huấn giáo viên thường theo cách qua các giáo viên cốt cán sau đó về đến giáo viên ở các địa phương, theo nhiều nấc khiến chất lượng khó đảm bảo; khi đến giáo viên lại không tiếp thu được tinh thần đổi mới.
Về vấn đề này, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Quản lý cán bộ giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay:
Kể từ khi có Nghị quyết 29 tức là từ năm 5 trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo và các trường Sư phạm để tổ chức những khóa bồi dưỡng, đào tạo giáo viên cốt cán theo hướng phát triển định hướng học sinh và xây dựng chủ đề liên môn.
"Những năng lực để tiếp cận chương trình phổ thông mới và đã bắt đầu cách đây 5 năm. Bản thân chương trình phổ thông hiện hành cũng đã được các giáo viên áp dụng đổi mới để thích ứng dần.
Khi chương trình giáo dục phổ thông mới chuẩn bị ban hành, kế hoạch 791 vào tháng 9/2018 đã nói rất kỹ về đào tạo bồi dưỡng giáo viên theo lộ trình.
Với tinh thần ấy, bắt đầu từ quý III năm 2019 sẽ bồi dưỡng cho giáo viên lớp 1. Sau đó sẽ tiếp tục với các khối lớp khác cho đến hết lộ trình”, ông Minh nói.
Ông Minh nhấn mạnh tới việc bồi dưỡng theo "chuẩn nghề nghiệp", ứng dụng bài giảng đã được "số hoá" và thông qua mạng. Giáo viên chủ yếu sẽ tự học.
Và Bộ cũng tính đến việc chú ý hơn bồi dưỡng về ứng dụng công nghệ thông tin cho giáo viên cốt cán trong các đợt tập huấn giáo viên trực tiếp.
Theo ông Hoàng Đức Minh, bắt đầu từ quý III năm 2019 sẽ bồi dưỡng cho giáo viên lớp 1. Sau đó sẽ tiếp tục với các khối lớp khác cho đến hết lộ trình (Ảnh: Thùy Linh) |
Một lo ngại khác được đặt ra, đó là ở cấp trung học phổ thông, với việc học sinh học có 5 môn bắt buộc và 5 môn tự chọn, Bộ đã tính đến bất cập thừa thiếu giáo viên do việc lựa chọn môn học lệch hay chưa thì ông Hoàng Đức Minh cho hay Bộ cũng đã tính đến vấn đề thừa thiếu giáo viên. Bộ đã rà soát, quy hoạch lại hệ thống sư phạm.
Đồng thời các tỉnh cũng đã rà soát số lượng, cơ cấu chất lượng để có phương án cùng với Bộ Nội vụ đề xuất, bổ sung kịp thời.
"Đồng thời, đối với những môn tự chọn cho trung học phổ thông, Bộ cũng đã tính đến việc tuyển dụng tối thiểu để đảm bảo phát huy tất cả hoạt động trao đổi, thảo luận, định hướng nhóm chọn cho học sinh; làm sao cho số lượng giáo viên kiểm soát được và các địa phương cũng không gặp khó khăn trong việc điều chỉnh giáo viên.
Những việc này Bộ cũng đã tính và đồng thời cũng giao cho các đơn vị nghiên cứu lại định mức làm việc của giáo viên để có cơ cấu giáo viên hợp lý nhất giúp các địa phương không bị động”, ông Minh khẳng định.
Ông Minh cũng cho rằng, về cơ bản, đội ngũ giáo viên không thiếu khi số giáo viên cần đáp ứng chương trình cũ và mới không quá chênh lệch. Do đó không lo về nguồn tuyển.
Cũng theo ông Minh, hiện Bộ đang rà soát lại chuẩn nghề nghiệp giáo viên, gắn các với chuẩn để nâng cao năng lực giáo viên và vị trí việc làm.
Cùng đó, hằng năm, sẽ có bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao chất lượng đội ngũ, đáp ứng chuẩn chương trình.
Bộ trưởng biết giáo viên đi tập huấn, bồi dưỡng chỉ điểm danh, ghi tên |
"Tuy nhiên, tôi tin đội ngũ giáo viên và các cơ sở đào tạo đồng hành cùng các giải pháp của Bộ thì có thể nâng cao chất lượng và đáp ứng yêu cầu.
Và cũng không phải học sinh được giảm tải đi thì giáo viên phải làm việc nhiều hơn.
Ở đây học sinh được hoạt động trải nghiệm nhiều hơn, không có nghĩa là giáo viên phải làm thay, mà là tổ chức cho học sinh. Do đó không phải là tăng tải đối với giáo viên", Cục trưởng Cục nhà giáo nói.
Theo ông Minh, Bộ cũng đã giao cho một viện nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế quốc dân tính lại căn cơ toàn bộ chế độ làm việc của giáo viên qua đó xác định lại định mức cho giáo viên một cách khách quan.
"Việc này sẽ tính lại toàn bộ định mức giáo viên theo đúng lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Năm tới đề tài này sẽ được nghiệm thu và quy đổi số giờ đối với giáo viên.
Như vậy, giáo viên dạy lớp 1 từ năm 2020 thì việc tính lại định mức một cách khách quan", ông Minh nói.