Nằm ngay trên triền dốc dựng đứng cạnh con sông Nho Quế, Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Đồng Văn B đang có nhiều bước chuyển mình trong công tác dạy và học cho con em các dân tộc thiểu số vùng phên dậu của Tổ quốc.
Nhiều năm nay, việc giáo dục kỹ năng hiểu biết xã hội tại trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Đồng Văn B không dừng lại ở việc đưa nội dung giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương vào giảng dạy trong nhà trường.
Chương trình giáo dục văn hóa lịch sử truyền thống còn được thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Đồng Văn B (Thị trấn Đồng Văn, Huyện Đồng Văn, Hà Giang) đưa vào hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp trong nhà trường.
Những hoạt động gắn liền với lịch sử văn hóa, dân tộc, trò chơi trí tuệ đã tạo sân chơi, môi trường học tập bổ ích, lành mạnh cho các em học sinh góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy bền vững giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của các đồng bào dân tộc thiểu số.
Để thực hiện và duy trì được hoạt động này, thầy giáo Bùi Văn Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thông qua hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, nhà trường giáo dục cho các em học sinh hiểu biết về văn hóa địa phương, dân tộc mình, thông qua đó giáo dục truyền thống và kỹ năng sống.
Để các em thực hiện được các môn nghệ thuật dân gian, nhà trường đã mời các nghệ nhân từng bộ môn đến truyền dạy cho các em học sinh vào các buổi tối sau giờ học.
Các điệu múa sênh tiền, múa bát... đều được các nghệ nhân nhiệt tình truyền dạy cho các em.
Được học về truyền thống văn hóa của dân tộc mình các em học sinh tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Đồng Văn B tỏ ra rất hào hứng.
Các buổi hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp được nhà trường tổ chức sinh hoạt định kỳ vào 2 buổi thứ 3 và thứ năm hàng tuần.
Trong giờ sinh hoạt, các em học sinh đều được mặc trang phục truyền thống đầy màu sắc của đồng bào dân tộc vùng cao, tập trung giữa sân trường háo hức chờ đợi đến lượt đội mình biểu diễn.
Những tiết mục múa hát, những điệu múa quen thuộc với đời sống đồng bào như: Múa bát, múa gậy sênh tiền, kéo co đẩy gậy… của dân tộc mình được các em thể hiện một cách nhịp nhàng, uyển chuyển, thành thục, bài bản.
Khán giả của những màn biểu diễn đó ấy chính là các em học sinh, thầy cô giáo trong trường.
Bên cạnh trò chơi truyền thống, các trò chơi trí tuệ như cờ vua, ô ăn quan… cũng đều thu hút nhiều cô cậu học trò vùng biên giới.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ghi nhận một số hình ảnh các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Đồng Văn B trong giờ hoạt động ngoài giờ trên lớp:
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Đồng Văn B nằm giữa đường biên giới Việt Nam và nước bạn Trung Quốc. |
Sân trường vừa là sân chơi vừa là sân khấu biểu diễn của chính các cô cậu học trò. |
Phần mua bát của dân tộc tày được các em thực hiện rất hào hứng. |
Nghệ sĩ nhí rất tươi và... vô tư |
Các nghệ sĩ dân gian mang khăn quàng đỏ. |
Múa khèn của dân tộc Mông. Chàng trai nhỏ tuổi nhưng múa khèn rất điệu nghệ. |
Đội sênh tiền chuẩn bị. |
Xếp hàng ngay ngắn đợi đến lượt mình biểu diễn. |
Bên cạnh sân khấu chính là đội múa sạp sôi động. |
Quyết tâm trong phần thi kéo co. |
Giờ hoạt động ngoài giờ lên lớp của học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú Đồng Văn B |
Câu bé dân tộc Mong đang đăm chiêu trước nước cờ khó của đội bạn. |
Ô ăn quan thu hút một nhóm khác. |
Trong không gian trường, các thầy cô cũng đã sưu tầm rất nhiều dụng cụ gắn liền với đời sống đồng bào để giáo dục về nguồn cội. |