Chiếc xe lầm lũi đưa chúng tôi đến những ngôi trường lẩn khuất trên cao nguyên đá, đường vào đến trường là những khúc cua quanh co vằn vèo trên những triền núi đá.
Từ bao đời nay, những người nơi biên cương vẫn sống và gắn liền với mảnh đất khắc nghiệt, lạnh lẽo như vậy.
Cao nguyên đá Đồng Văn đang vào mùa khô, những ngày này, trên các sườn đồi, chân núi khung cảnh không gì khác ngoài đá và những lùm cây lạnh lẽo.
Đường vào Sủng Trái quanh co, gập gềnh theo đá. |
Đến với với Sủng Trái, xã nằm xa trung tâm huyện Đồng Văn, chúng tôi phải qua những đoạn cua tay áo gấp đến chóng mặt giữa một bên là vực sâu và một bên là từng lớp núi đá dốc đứng.
Khung cảnh hoang sơ và hùng vĩ của sơn nguyên Đồng Văn hiện ra trong mờ mịt khói mây như để thử thách những người tìm đến “miền đá khát.”
Trên cung đường ấy có những khúc cua “Cô Giáo”, khúc cua gợi nhớ về thế hệ “huyền thoại” của những người gieo chữ giữa vùng cao.
Những người thầy lặng lẽ gửi lại tuổi thanh xuân của mình nơi miền đá để gieo mầm con chữ
Nối tiếp thế hệ “huyền thoại”, thế hệ thầy cô giáo trẻ khác lại tiếp bước những người thầy, người cô để tiếp tục giấc mơ thay đổi tương lai cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Sủng Trái, Lũng Táo hay Lũng Thầu không còn “khát” như xưa nữa, đời sống cũng đã có nhiều đổi thay, tuy còn rất khó khăn.
Đóng góp vào những đổi thay ấy, không thể không nhắc tới những người thầy gửi lại cả tuổi thanh xuân của mình trên những triền đá giữa cao nguyên.
Sủng Trái bây giờ đổi khác bởi có những người thầy người cô trẻ tuổi, những thế hệ người thầy 8x, 9x sẵn sàng bỏ lại những cơ hội giữa thị thành để về với miền đá.
Cô giáo Thoan đã chọn ở lại với vùng cao nguyên đá, cùng đàn em nhỏ thay vì nơi phồn hoa đô hội. |
Ở Sủng Trái, chúng tôi gặp cô giáo Nông Thị Thoan (Giáo viên dạy Toán trường Phổ thông bán trú Trung học cơ sở Sủng Trái, người dân tộc Tày, quê huyện Bắc Quang), một cô giáo thế hệ 9x, thế hệ tiếp theo đang gieo mầm chữ cho vùng đất này.
Trước khi về với Sủng Trái, cô Thoan cũng đã từng có một công việc nhàn hạ, có thu nhập tốt ở thành phố, có cuộc sống nơi đô thị phồn hoa đầy sôi động. Thế nhưng cô Thoan đã bỏ lại tất cả lên với đàn em trên cao nguyên.
Tâm sự với chúng tôi cô Thoan cho biết:
“Lúc mới lên đến Sủng Trái, mọi người cũng bảo em có rất nhiều khó khăn nhưng em cũng chẳng thể tưởng tưởng ra được cuộc sống lại khó khăn đến thế. Nhất là vấn đề nước. Mới lên em cũng phải đi xách nước rất xa.
Thú thật là lúc đầu lên đây em cũng thấy buồn, cũng có suy nghĩ, nhưng có sự động viên của mọi người em cũng cố ở lại. Bây giờ thì em quen rồi (cười)”.
Đối diện với học sinh vùng khó khăn, nhận thức của các em còn có nhiều hạn chế, cô Thoan thừa nhận công việc ban đầu của mình gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, bằng sự cố gắng và tấm lòng dành cho học trò của mình, các em cũng khá dần hơn. Có sự động viên của cô giáo và đặc biệt bằng tình cảm chân thành của mình dành cho học trò, môn toán của cô Thoan cũng đã hấp dẫn học trò hơn.
Trẻ vùng cao có đặc thù riêng, các em rất cá tính nhưng cũng rất ngoan khi được động viên, dạy bảo kịp thời.
Trong câu chuyện với chúng tôi, cô Thoan kể về em Giàng Thị Máy, một cô bé học rất giỏi nhưng bỏ học đến 21 ngày chỉ vì… sợ.
Bởi khi học lớp 5 em học tại điểm trường, đến lớp 6 phải xuống trường chính học, Máy sợ và nghỉ học.
Cô Thoan đã đến động viên Máy đi học, bằng những lời thật từ cô giáo trẻ và những câu chuyện rất gần gũi, Máy đồng ý đi học và đến nay Máy học rất giỏi.
Thầy Đặng Trần Huân nguyện gắn bó với mảnh đất Sủng Trái, góp phần xây dựng nên lớp người mới nơi cao nguyên đá. |
Ngoài cô Thoan, trò chuyện với chúng tôi là thầy Đặng Trần Huân, thầy giáo dạy Lịch sử (quê Vĩnh Phúc), thầy Huân cũng đã gắn bó với đất Sủng Trái của Đồng Văn này cũng đã gần 4 năm.
Thầy Huân cũng đã tìm được hạnh phúc của riêng mình nơi cao nguyên đá, cũng từ hạnh phúc đó, thầy Huân cũng đã nguyện gắn bó với vùng đất biên ải xa xôi này.
Cũng như nhiều thầy cô giáo khác, nỗi sợ lớn nhất của thầy Huân không phải là những con đường xa xôi, những dốc cao nguy hiểm hay những cô cậu học trò khó dạy mà chính là…nỗi buồn sau những giờ lên lớp.
Vượt qua những khó khăn ấy, thầy Huân cũng như rất nhiều thầy cô giáo trẻ khác bắt đầu công việc dạy học bằng việc học ngoại ngữ của mình bằng…tiếng Mông và tìm hiểu văn hóa địa phương.
Bằng những bài học từ thực tế địa phương thầy Huân đã biến những bài học lịch sử nơi vùng biên cường thành những giờ học thú vị.
Cô Hương, cô Thoan những người trẻ đang để lại tuổi thanh xuân trên vùng cao nguyên đá cùng càng em thơ. |
Cũng như cô Thoan, thầy Huân, cô Hoàng Thị Hương (quê Ngân Sơn, Bắc Kạn), giáo viên trường phổ thông bán trú Tiểu học Sủng Trái gắn bó với mảnh đất này cũng đã gần 10 năm.
Những ngày đầu, cô Hương được phân công ở điểm trường Sủng Dìa, điểm xa nhất của Sủng Trái.
Vượt qua những khó khăn của những ngày đầu thiếu nước, thiếu điện, cuộc sống thiếu thốn, tại Sủng Trái, cô Hương cũng đã tìm kiếm được hạnh phúc của riêng mình.
Những ngày đầu khó khăn, đối diện với sự buồn tẻ giữa cao nguyên, không ít lần cô Hương muốn bỏ về, nhưng nghĩ đến học trò, nghĩ đến sự hi sinh của những người thầy đi trước cô Hương đã chọn ở lại.
Hoa đã nở trên vùng đá khát Sủng Trái nhờ những thầy ở lại. |
“Ngẫm về thế hệ đi trước, các thầy cô đã vượt qua những điều kiện khó khăn hơn cả mình bây giờ mà mọi người vẫn sống tốt. Em cũng tự nhủ mình rằng các thế hệ đi trước đã vượt qua được mình cũng sẽ vượt qua được”. Cô Hương tâm sự.
Công tác giáo dục vùng cao ngoài việc dạy tốt, việc duy trì sĩ số trên lớp là công việc quan trọng và còn gặp nhiều khó khăn.
Một trong những kỷ niệm mà cô Hương nhớ nhất chính là mua dép tặng học sinh, bởi em nghỉ học chỉ vì em không có dép.
Đã có rất nhiều đôi dép, tấm áo ấm được thầy cô giáo bỏ tiền túi ra mua cho các em đến trường.
Bằng tình yêu trẻ, mến trò, công tác giáo dục ở Sủng Trái, Đồng Văn đang ngày càng đi lên và đổi khác.
Các thầy, các cô ở những điểm trường xa, trường chính ngày đêm tiếp bước những thế hệ “huyền thoại” của cha anh đi gieo chữ giữa vùng cao nguyên đá.
Trong số họ không ít người đã tìm được hạnh phúc cho riêng mình và coi đây là quê hương để mình gắn bó và xây dựng.
Sủng Trái của những năm trước là những ngày gian khó, Sủng Trái ngày nay là ngày của những thế hệ mầm xanh đang được ươm trồng từ những bàn tay người cô, người thầy như thế.