“Phóng viên đã gặp và tìm hiểu về cô Bích Nhung chưa? Cô này ai cũng kiện”, đó là câu hỏi của ông Nguyễn Khắc Thắng - Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quốc Oai (Hà Nội) với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trong buổi làm việc hoom 19/12/2018.
Sau nhiều ngày liên hệ với lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quốc Oai, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam mới được bố trí một buổi làm việc xung quanh việc cô Nguyễn Thị Bích Nhung tố bị hiệu trưởng trù dập, ép ra khỏi ngành.
Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh đơn kêu cứu của cô giáo âm nhạc Nguyễn Thị Bích Nhung, Trường trung học cơ sở Yên Sơn tố nhiều năm liền bị hiệu trưởng trù dập rồi ép ra khỏi ngành.
Vụ giáo viên tố hiệu trưởng Yên Sơn trù dập, lộ nhiều khoản thu chi bất minh |
Ngoài việc cô Nguyễn Thị Bích Nhung tố bị hiệu trưởng trù dập, o ép, cô Nhung cũng gửi kèm theo bằng chứng về một số khoản thu chi bất minh tại Trường trung học cơ sở Yên Sơn từ năm học 2015-2016 và năm học 2016-2017.
Bằng việc bị hiệu trưởng cho biểu quyết bằng hình thức giơ tay, cô Nguyễn Thị Bích Nhung sau 15 năm cống hiến cho ngành giáo dục buộc phải nghỉ việc. Đáng nói, việc cô Nhung bị trù dập với lý do vì dám nói lên những tiêu cực, bất công diễn ra trong một thời gian dài mà không ai ở trường dám lên tiếng.
Có lẽ trường hợp cô Nguyễn Thị Bích Nhung là trường hợp giáo viên biên chế đầu tiên của ngành giáo dục phải ra khỏi ngành kể từ khi hiệu trưởng được trao quyền chấm dứt hợp đồng với giáo viên 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về việc cô Nguyễn Thị Bích Nhung bị chấm dứt hợp đồng, ông Nguyễn Khắc Thắng bày tỏ sự đáng tiếc và buồn: “Là cơ quan quản lý về chuyên môn, trên địa bàn huyện có một giáo viên phải ra khỏi ngành, chúng tôi cũng rất buồn”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, là lãnh đạo ngành giáo dục địa phương có nắm được cô Nguyễn Thị Bích Nhung tố bị hiệu trưởng trù dập, o ép không hoàn thành nhiệm vụ, Phòng có nắm được?
Về việc này, ông Nguyễn Khắc Thắng trả lời một cách vòng vo và né trách nhiệm với lý do mới nhận chức Trưởng phòng chưa lâu, trước đó làm Phó phòng lại không phụ trách mảng trung học cơ sở.
Ông Nguyễn Khắc Thắng cho rằng: "Để đánh giá một giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ cuối năm, nhà trường phải có các biên bản, chứng cứ.
Việc bình xét, đánh giá phải đầy đủ, khách quan như tổ chuyên môn, hội đồng sư phạm nhà trường và các thành viên khác cũng tham gia cho ý kiến.
Không phải cá nhân hiệu trưởng hay ban giám hiệu được đánh giá, xếp loại một giáo viên mà phải làm đúng quy trình, quy định”.
Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quốc Oai cho rằng, kết luận của huyện Quốc Oai đã rõ. Cô Nhung bị thôi việc có thể kiện ra Tòa. Ảnh: Vũ Phương. |
Tại buổi làm việc với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Khắc Thắng cũng thông tin, kể từ ngày 1/8/2018, cô Nguyễn Thị Bích Nhung bị chấm dứt hợp đồng vì theo quy định mới hiệu trưởng được quyết định.
Hiện, cô Nhung đang kiện ra Tòa về quyết định của hiệu trưởng. Đó là quyền của cô Nhung, Tòa cũng đang thụ lý”.
Ông Nguyễn Khắc Thắng khẳng định: “Những nội dung khiếu nại, phản ánh của cô Nhung đã gửi lên huyện Quốc Oai, huyện đã thành lập tổ công tác gồm Thanh tra huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Tài chính, Phòng Nội vụ vào cuộc xác minh, làm rõ và đã có kết luận”.
Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quốc Oai cung cấp cho phóng viên kết luận số 18 ngày 25/11/2017 và kết luận số 08 ngày 23/8/2018 cùng do ông Nguyễn Đức Phương - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai ký.
Nhiều khoản thu chi (gạch đỏ) tại Trường trung học cơ sở Yên Sơn bị giáo viên tố không công khai minh bạch, mập mờ. Ảnh: NVCC. |
Tiền dạy thêm, học thêm cũng bị sử dụng sai mục đích, chi nhiều khoản bất thường. Ảnh: NVCC. |
Ông Nguyễn Khắc Thắng cho rằng, tất cả nội dung cô Nhung khiếu nại, tố cáo đều được cơ quan chức năng, chuyên môn huyện Quốc Oai vào cuộc và kết luận rõ ràng.
Trước câu hỏi của phóng viên, Phòng Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chuyên môn có nắm được việc cô Nguyễn Thị Bích Nhung bị tai nạn phải nhập viện đã xin phép hiệu phó và dạy bù đủ số giờ, nhưng hiệu trưởng vẫn xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ vì cho rằng nghỉ dạy không xin phép.
Về việc này ông Nguyễn Khắc Thắng cho rằng: “Cô Nhung chỉ xin phép hiệu phó, nhưng sau đó nhà trường đã có đề xuất, tổ chức đi thăm hỏi. Đó chỉ là một lý do dẫn đến cô Nhung bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ.
Trường đã thành lập hội đồng kỷ luật, đương nhiên họ phải làm đúng. Còn lý do gì nữa cô Nhung bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ tôi chưa nắm được. Tôi căn cứ vào các kết luận của Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai. Để có kết luận đó có sự tham gia của nhiều cơ quan”.
Đề làm rõ nội dung cô Nguyễn Thị Bích Nhung phản ánh bị trù dập, o ép và ép ra khỏi ngành, phóng viên đã nhiều lần liên hệ với bà Phan Thị Thanh Hương - Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Yên Sơn, nhưng bị từ chối với lý do phải được cấp trên là Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quốc Oai đồng ý.
Về việc có hay không sự chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quốc Oai né báo chí, ông Nguyễn Khắc Thắng đổ cho huyện, các trường trên địa bàn huyện hay Phòng Giáo dục và Đào tạo muốn trả lời hay làm việc với báo chí phải qua Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai, lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện đồng ý mới được phép.
Giáo viên Trường Yên Sơn tố tiêu cực bị trù dập, ép ra khỏi ngành |
Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng không có quyền đồng ý cho Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Yên Sơn làm việc với báo chí khi chưa có sự đồng ý của lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai.
Ngày 19/12/2018, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đặt lịch làm việc với Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai.
Tuy nhiên, cán bộ văn phòng huyện Quốc Oai thông tin, đã trình lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai, nhưng vụ việc đang được Thành phố Hà Nội vào cuộc. Khi nào Thành phố có kết luận sẽ thông báo cho cơ quan báo chí biết.
Như vậy trước cách làm việc khó hiểu, đặt ra quy định tréo ngoe nhằm cấm cửa báo chí của Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai (Thành phố Hà Nội) nhằm mục đích gì?
Huyện Quốc Oai có đi ngược phương châm 12 chữ của Chính phủ năm 2019 là: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”.
Trước đó, ngày 1/8/2018 bà Phan Thị Thanh Hương - Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Yên Sơn ra quyết định số 10 về việc chấm dứt hợp đồng làm việc và giải quyết thôi việc đối với viên chức hai năm liền không hoàn thành nhiệm vụ.
Điều này có nghĩa sau 15 năm cống hiến cho giáo dục, 11 năm giảng dạy tại Trường trung học cơ sở Yên Sơn, cô giáo Nguyễn Thị Bích Nhung trước nguy cơ phải ra khỏi ngành vì dám nói lên những tiêu cực, bất công diễn ra trong một thời gian dài mà không ai dám lên tiếng.