Khởi kiện hiệu trưởng ra tòa
Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, cô Nguyễn Thị Bích Nhung, giáo viên âm nhạc Trường trung học cơ sở Yên Sơn (huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội) phản ánh vì đứng lên tố tiêu cực, vạch trần sai phạm bị hiệu trưởng nhà trường trù dập, o ép, và đỉnh điểm bị ép ra khỏi ngành.
Theo đó, ngày 1/8/2018 bà Phan Thị Thanh Hương - Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Yên Sơn đã ban hành quyết định số 10 về việc chấm dứt hợp đồng làm việc và giải quyết thôi việc đối với viên chức hai năm liền không hoàn thành nhiệm vụ.
Điều đó có nghĩa sau 15 năm cống hiến cho giáo dục, 11 năm giảng dạy tại Trường trung học cơ sở Yên Sơn, cô giáo Nguyễn Thị Bích Nhung trước nguy cơ phải ra khỏi ngành vì nói lên những tiêu cực, bất công diễn ra trong một thời gian dài mà không ai dám lên tiếng.
Giáo viên Trường Yên Sơn tố tiêu cực bị trù dập, ép ra khỏi ngành |
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nhung cho biết, đã khởi kiện quyết định của Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Yên Sơn ra tòa. “Tôi đã làm đơn khởi kiện quyết định của bà Phan Thị Thanh Hương, hiệu trưởng nhà trường ra tòa. Tòa án đã nhận đơn, trong một tuần nữa tôi sẽ được thông báo thời gian nào phiên tòa diễn ra”, cô Nhung nói.
Cô Nhung cũng thẳng thắn cho biết, tại ngôi trường nằm tại huyện ngoại thành của Thủ đô, hiệu trưởng lạm quyền đến mức đưa ra những quy định, quy chế làm việc không tuân thủ các quy định pháp luật nhằm hạn chế giáo viên đấu tranh tiêu cực, thiếu công khai, dân chủ.
Cụ thể, cô Nguyễn Thị Bích Nhung chỉ ra: “Hiệu trưởng cho ban hành Quy chế làm việc năm học 2016-2017 có rất nhiều điểm bất cập, hạn chế, mang nặng tính áp đặt cá nhân.
Tại Khoản 4 điều 27, quy định “Không khiếu nại vượt cấp”. Quy định này trái với Luật Tố cáo.
Hay khoản 5 Điều 27 trong quy chế cũng cấm “quay phim, chụp ảnh trong cuộc họp”. Điều này trái với quy định trong Luật dân sự và trái với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc “Cản trở trách nhiệm của nhà giáo trong việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của nhà trường”.
Đáng nói, như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, cô Nhung cho biết, công tác thu chi tài chính của trường này rất mập mờ, nhiều dấu hiệu bất thường.
Hiệu trưởng còn đưa ra những quy định phạt rất buồn cười nhằm trục lợi, như việc hỏng bàn ghế lớp nào, phụ huynh phải thuê thợ đến sửa chữa hoặc nộp phạt, nhưng trong khi đó đó vẫn chi rất nhiều tiền để sửa chữa cơ sở vật chất, mua bàn ghế mới.
Cô Nhung cho biết: “Công khai tài sản, năm học 2014 có 24 máy tính bàn, phòng học của học sinh có 15 cái còn lại các phòng phòng hiệu trưởng, hiệu phó, kế toán… mà một năm chi số tiền 11,6 triệu đồng chỉ để bảo trì, sửa chữa máy tính.
Không trường nào như trường này học sinh ngồi bàn ghế bị hỏng phải nộp phạt, tự sửa chữa.
Đáng nói, vấn nạn học thêm, một năm trường thu tiền học thêm lên đến hơn 1 tỷ đồng. Bằng nhiều cách họ ép học sinh dưới hình thức “tự nguyện” học thêm cả tuần trừ thứ 5. Người quản lý nhận cả trăm triệu đồng mỗi năm”.
Giáo viên Trường Trung học cơ sở Yên Sơn tố nhiều khoản hiệu trưởng chi từ tiền ngân sách và tiền từ quỹ học thêm không công khai minh bạch, dấu hiệu lập mờ, bất thường. Ảnh: NVCC. |
Ép học sinh học thêm dưới mác tự nguyện
Theo tài liệu phóng viên có được, năm học 2015-2016, Trường trung học cơ sở Yên Sơn tổng thu tiền dạy thêm, học thêm tổ chức dạy tại trường hơn 1,044 tỷ đồng.
Theo quy định về dạy thêm, học thêm, 70% sẽ chi cho giáo viên giảng dạy trực tiếp; 15% cho công tác quản lý; 15% còn lại cho cơ sở vật chất, tiền điện, nước, vệ sinh.
Điều vô lý trên khiến không ít giáo viên đặt câu hỏi về việc hiệu trưởng nhà trường chi hơn 204 triệu đồng (tức hơn 19,5%) từ quỹ dạy thêm học thêm để sửa chữa cơ sở vật chất. Điều này trái với quy định.
Có điều khó hiểu nữa vào năm học 2014-2015, trường này đã chi sửa chữa cơ sở vật chất từ quỹ dạy thêm học thêm bị chi âm trên 26,1 triệu đồng. Năm học 2015-2016, trường lại tiếp tục chi âm từ quỹ dạy thêm, học thêm số tiền trên 53,4 triệu đồng.
Trong Thông báo số 60 về kết quả giải quyết tố cáo do ông Đỗ Lai Luật – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai ký ngày 27/3/2017 gửi cô Nguyễn Thị Bích Nhung 10 nội dung khiếu nại, tố cáo đối với bà Phan Thị Thanh Hương – Hiệu trưởng cũng chỉ rõ việc này.
Nhiều khoản chi (gạch chân đỏ) như sửa chữa tài sản, chi phí chuyên môn, mua sắm tài sản tại Trường trung học cơ sở Yên Sơn thiếu minh bạch, lập lờ. Ảnh: NVCC. |
Cô Nguyễn Thị Bích Nhung cũng chỉ rõ những tiêu cực tại ngôi trường này như năm học: “Năm học 2016-2017, trường đặt ra nhiều khoản thu trái quy định, giáo viên chủ nhiệm đứng lên thu tiền đề kiểm tra, tiền quỹ Phụ huynh, tiền quỹ đội, tiền gửi xe đạp của học sinh”.
Cô Nhung cũng chỉ rõ, việc hiệu trưởng nhà trường đã chi sửa chữa cơ sở vật chất trên 213 triệu đồng bao gồm chi xây tường hoa 99,6 và chi tiền đổ bê tông sân trường 101 triệu đồng triệu đồng có nhiều bất thường. Bởi thời điểm đó Trường trung học cơ sở Yên Sơn mới đi vào sử dụng, nhiều hạng mục chủ đầu tư chưa thực hiện.
Hai hạng mục này nằm trong những hạng mục mà chủ đầu tư phải làm, vậy tại sao trường lại vội vàng dùng ngân sách để làm. Như vậy, một cái sân, bồn hoa nhà nhà nước phải trả hai lần tiền.
“Xây dựng tường hoa số tiền cả trăm triệu đồng bằng tiền ngân sách, nhưng một thời gian sau bà Phan Thị Thanh Hương lại cho phá đi. Tôi vẫn còn video ghi lại”, cô Nhung nói.
Đáng nói, không ít lần cô Nguyễn Thị Bích Nhung bị phá hoại tài sản là những chiếc điện thoại cô Nhung dùng để ghi, chụp lại những bằng chứng cho thấy sự lạm quyền, sự o ép mà hiệu trưởng “ưu ái” cho cô.
Hiệu trưởng Phan Thị Thanh Hương họp cán bộ, giáo viên để hạ mức đánh giá, bình xét cô Nhung từ hoàn thành nhiệm vụ xuống mức không hoàn thành nhiệm vụ bằng hình thức giơ tay biểu quyết. Ảnh: Cắt từ video NVCC. |
Hình ảnh cán bộ, giáo viên nhà trường dưới sự chỉ đạo của hiệu trưởng đã giơ tay hạ mức hoàn thành nhiệm vụ cô Nhung xuống mức không hoàn thành nhiệm vụ. Ảnh: Cắt từ video NVCC. |
Cô Nhung cũng gửi cho phóng viên đoạn video ghi lại buổi họp cuối năm học 2015-2016, bà Phan Thị Thanh Hương, hiệu trưởng nhà trường chủ trì yêu cầu cán bộ, giáo viên đánh giá, bình xét bằng hình thức giơ tay hạ thi đua cô Nguyễn Thị Bích Nhung từ hoàn thành nhiệm vụ xuống mức không hoàn thành nhiệm vụ.
Để làm rõ nội dung giáo viên phản ánh, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhiều lần nhắn tin và liên hệ với ông Đỗ Huy Chiến – Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai, nhưng ông chiến không phản hồi cũng như không nghe máy.
Ngày 10/12, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục liên hệ với người đứng đầu huyện Quốc Oai, ông Chiến bắt máy nói bận họp rồi cúp máy.