Cũng là giáo viên nhưng nơi thưởng chục triệu nơi chỉ có 0 đồng

13/01/2019 07:17
Phan Tuyết
(GDVN) - Nơi ăn không hết, nơi lần chẳng ra. Sự công bằng trong giáo dục là rất cần thiết. Đây cũng chính là động lực để nhà giáo hết mình cho sự nghiệp giáo dục.

Thưởng tết cho giáo viên luôn là đề tài nóng hổi trên các diễn đàn hiện nay. Nhiều thầy cô buồn lòng vì cũng là giáo viên nhưng nơi thưởng vài chục triệu nơi lại chẳng có nổi một ngàn.

Chuyện nghịch lý này không chỉ làm nhiều thầy cô giáo chạnh lòng mà chính hiệu trưởng nhiều trường học không có thưởng tết cũng khá đau đầu.

Nơi thưởng bạc triệu nơi chỉ có 0 đồng

Mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Văn Hát, Quận 9 thành phố Hồ Chí Minh đã thông báo mức thu nhập tăng thêm cho công chức, viên chức (hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ) là 12.885.300 đồng/người.

Nếu thưởng theo 3 quý, mức thưởng cao nhận được tại trường gần 40 triệu đồng/người. Đây quả là con số quá ấn tượng.

Trường mầm non Hướng Dương huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh cũng có mức thưởng bình quân cho người lao động trong trường là 30 triệu đồng/người.

Nhiều trường học khác trong thành phố này, người lao động cũng được thưởng ít nhất gần chục triệu đồng.

Mức thưởng ấy quả thật là đỉnh cao để những thầy cô nhiều vùng miền khác luôn phải tấm tắc, xuýt xoa và ao ước.

Thưởng Tết (Hình VOV)
Thưởng Tết (Hình VOV)

Bên cạnh niềm vui của nhiều thầy cô giáo được thưởng tết lớn là những nỗi buồn, sự ngậm ngùi của khá nhiều đồng nghiệp khắp nơi vì họ không có một đồng thưởng Tết.

Một số giáo viên trường Mầm Non Phú Mỹ tỉnh Bà Rịa Vũng tàu cho biết, nhiều năm nay nhà trường không có tiền thưởng Tết.

Để an ủi, động viên anh em trong trường sau một năm làm việc cật lực, công đoàn nhà trường đi vận động một số nơi để có được vài chai nước mắm hoặc vài ba bị bánh cho giáo viên, công nhân viên nhà trường đỡ tủi thân.

Một số giáo viên ở Đắc Nông cũng chia sẻ “tụi em chưa bao giờ có khái niệm thưởng Tết là gì. Ngày Tết cũng như những ngày bình thường khác thôi”.

Khá nhiều giáo viên tại huyện đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận cũng cho biết, nhiều năm qua bản thân họ chưa bao giờ nhận được một đồng tiền thưởng Tết.

Cũng là giáo viên nhưng nơi thưởng chục triệu nơi chỉ có 0 đồng ảnh 2Bạn nghĩ gì khi: Hàng nghìn giáo viên chưa bao giờ có thưởng Tết?

Cô giáo L. chia sẻ “nếu ai cũng như mình thì cũng thấy bình thường. Thế nhưng đọc báo chí cứ nghe trường này thưởng dăm chục triệu, trường kia thưởng vài chục triệu. Nơi ít cũng thưởng dăm bảy triệu tự nhiên cũng thấy chạnh lòng”.

Có thầy H thẳng thắn bày tỏ “chúng tôi cũng biết ngành giáo dục không có tiền thưởng. Tất cả là tiền ngân sách tiết kiệm. Thế nên chúng tôi thắc mắc vì sao cũng là ngân sách nhà nước cấp có nơi lại thưởng được nhiều, nơi lại chi không đủ?

Nỗi lòng của hiệu trưởng trước mùa thưởng Tết

Khổ nhất vẫn là trên cùng một địa bàn, trường thưởng Tết nhiều, trường lại thưởng quá ít, thậm chí không có tiền thưởng.

Giáo viên buồn vì không có thưởng Tết, nhưng nhiều hiệu trưởng không chỉ buồn còn khá đau đầu vì phải nghe những “lời ong tiếng ve”, lời bóng gió xa xôi của chính đồng nghiệp.

Đành rằng, cũng có hiệu trưởng lươn lẹo, xà xẻo tiền công quỹ khi chi tiêu vô tội vạ. Nhưng vẫn có nhiều hiệu trưởng liêm khiết không bao giờ tơ túi của công dù một đồng.

Thế nhưng cuối năm nhà trường cũng không thể có tiền để thưởng. Nói về chuyện này, cô Hoài Thu một hiệu trưởng tiểu học ở Kiên Giang cho biết:

“Mình cũng khá tâm tư về chuyện thưởng Tết. Cũng là giáo viên, nhưng nơi thưởng đến dăm chục triệu, nơi chẳng có một đồng để mua bánh mứt. Chưa nói đến giáo viên vùng khó vất vã, cực khổ trong công việc hơn nhiều. Có sự mất công bằng này là do chuyện phân bổ ngân sách giữa các vùng miền khác nhau”.

Được biết những trường học ở tỉnh Kiên Giang, giáo viên cũng không có tiền thưởng Tết. Cô Hoài Thu cho biết thêm:

Cũng là giáo viên nhưng nơi thưởng chục triệu nơi chỉ có 0 đồng ảnh 3Giáo viên có quyền mơ tiền thưởng Tết?

“Nếu các địa phương thực hiện theo Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì ngân sách nhà nước chi cho hoạt động giảng dạy và học tập đảm bảo tối thiểu 18% thì chuyện tiền thưởng Tết cho giáo viên chỉ là chuyện nhỏ”.

Thế nhưng hiện nay nhiều địa phương không áp dụng kiểu phân bổ ngân sách thế này.

Nơi ăn không hết, nơi lần chẳng ra là một thực tế đang diễn ra trong ngành giáo dục hiện nay. Sự công bằng trong giáo dục (đương nhiên không thể tuyệt đối) là rất cần thiết. Đây cũng chính là động lực để nhà giáo hết mình cho sự nghiệp giáo dục.

Phan Tuyết