LTS: Trước những thông tin đưa ra trong bài viết "Đây hẳn là một tin vui về thưởng Tết cho nhà giáo!" của thầy Đỗ Tấn Ngọc, cô giáo Phan Tuyết chia sẻ đôi điều về ước mơ nhận được thưởng Tết của nhà giáo.
Tôn trọng tranh luận đa chiều, Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Cứ nói đến thưởng Tết, giáo viên đều cảm thấy chạnh lòng. Trong khi nhiều ngành nghề khác, người ta có tiền thưởng lên đến vài chục triệu đồng thì đa phần thầy cô giáo chỉ được thưởng từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.
Những ví dụ một số trường học thưởng Tết cho giáo viên lên đến con số vài chục triệu đồng mà thầy Đỗ Tấn Ngọc dẫn ra trong bài viết không thể gọi là tin vui cho các nhà giáo (nếu không muốn nói đó là nỗi buồn vì sự so bì “trông người mà ngẫm đến ta”).
Những ví dụ được nêu lên trong bài chỉ là hiện tượng đơn lẻ, cá biệt chứ không thể đại diện chung cho toàn ngành giáo dục được.
Nhiều nơi thưởng Tết cho giáo viên chỉ mang tính động viên. (Ảnh minh họa trên báo Giadinh.net.vn) |
Đối lập với mức tiền thưởng khủng như thế, nhiều trường học trong cả nước chỉ có đủ tiền thưởng cho giáo viên là gói bột ngọt, cân đường hộp sữa, đó đã là sang lắm vì ít nhất số quà ấy cũng gót nghét cả trăm ngàn.
Có trường tiền thưởng chỉ là 30 ngàn đồng đó sao.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà cha ông ta lại nói “Mười quan tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”.
Nói vậy để thấy, giá trị vật chất của tiền thưởng tuy không lớn bằng tiền lương nhưng nó có ý nghĩa cỗ vũ, động viên và mang lại niềm vui, niềm tự hào đối với người lao động bởi thành quả của họ đã được công nhận.
Giáo viên cũng như những người lao động khác họ luôn mong muốn sau một năm làm việc vất vả cũng sẽ được nhận một khoản tiền thưởng xứng đáng với bao công sức, sự nỗ lực đã đổ ra.
Thế nhưng ngành Giáo dục lại không thể cho giáo viên được một tháng lương 13 mà giao phó hoàn toàn cho các trường tự cân đối bằng việc cắt giảm chi tiêu trong số tiền hoạt động để cuối năm thưởng cho thầy cô gọi là an ủi.
Bởi thế, số tiền giáo viên được thưởng nhiều hay ít tùy thuộc vào từng trường học có mức thu chi khác nhau.
Và như thế những trường học vùng núi, miền thôn quê sẽ chẳng bao giờ có khoản tiền gì khác ngoài số tiền hoạt động ngân sách cấp.
Bởi thế, hiệu trưởng biết gói ghém thầy cô có được ít trăm ngàn sắm sửa Tết, hiệu trưởng chi mạnh tay thì giáo viên chỉ nhận được lời chúc mừng năm mới.
“Gói ghém” bằng tiền ngân sách cũng có nhiều bất cập.
Một hiệu trưởng đã bật mí “Muốn cho giáo viên có chút tiền thưởng, ngay từ đầu năm khi kinh phí hoạt động cấp về cho trường, nhà trường phải để riêng một khoản để cuối năm thưởng Tết. Số tiền còn lại mới cân đong đo đếm sao cho đủ một năm”.
Do vậy, phần lớn các trường không dám sắm sữa nhiều đồ dùng dạy học, sách tham khảo hay tu sửa cơ sở vật chất đã xuống cấp…
Xưa đến nay chúng ta luôn tung hô “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” nhưng lại chưa có một sự đãi ngộ xứng đáng dành cho nghề giáo.
Ngoài một số ưu đãi như cho phần trăm tiền đứng lớp, tiền thâm niên. Nhưng chưa có nhà giáo nào sống được bằng đồng lương của mình.
Ngoài một số thầy cô giáo kiếm tiền bằng việc “bán kiến thức” thì đa phần các nhà giáo phải bươn chải với đủ các thứ nghề trong xã hội.
Một năm lao động cật lực, Tết đến xuân về thầy cô cũng muốn có thêm ít tiền thưởng bổ sung vào khoản tiền lương còm cõi hàng tháng để đi Tết nội ngoại cho tươm tất, mua cho con manh áo mới xông xênh với mọi người…
Nhưng ngành Giáo dục còn nghèo không thể lo cho thầy cô giáo một khoản tiền Tết như nhiều ngành nghề khác. “Quả bóng trách nhiệm” lại đè nặng về các trường học.
Bởi thế, tiền thưởng Tết của giáo viên chỉ là niềm ao ước trong tâm tưởng. Câu hỏi “Bao giờ mình có được tháng lương 13?” sẽ chẳng bao giờ có câu trả lời sau đó.