LTS: Cho rằng, Bộ Giáo dục đừng củng cố, đầu tư thêm nhiều nguồn lực, tiền bạc vào mô hình trường chuyên làm gì nữa, chỉ toàn thấy “lợi bất cập hại” mà thôi, thầy Hữu Sơn đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm học 2018 tất cả 63 tỉnh/thành phố đều đã có trường chuyên.
Hệ thống trường chuyên gồm: 76 trường chuyên (71 trường trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, 05 trường thuộc cơ sở giáo dục đại học); 11 khối chuyên (09 khối chuyên thuộc trường trung học phổ thông, 02 khối chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học).
Giai đoạn này có 08 trường chuyên được thành lập. Số học sinh chuyên năm học 2018 – 2019 là 72.998 học sinh, tăng 16.736 học sinh (chiếm khoảng 2,1% số học sinh trung học phổ thông).
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chất lượng giáo dục tại các trường chuyên có chuyển biến rõ nét, thể hiện qua kết quả xếp loại 2 mặt hạnh kiểm và học lực, kết quả thi đại học, kết quả thi Olympic khu vực, quốc tế, thi Intel ISEF trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, hệ thống trường chuyên đã, đang nảy sinh một số bất cập, việc xây dựng các trường chuyên có cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ và hiện đại, có chất lượng giáo dục ngang tầm với các trường trung học tiên tiến trong khu vực, quốc tế chưa được triển khai ở nhiều địa phương.
Có nên bỏ mô hình trường chuyên? (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Một số trường chuyên chưa thực sự phát huy được vai trò đi đầu trong việc đổi mới tổ chức và quản lý hoạt động dạy học, quản lý nhà trường; chưa chứng tỏ được vai trò hình mẫu của các trường trung học phổ thông về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và tổ chức các hoạt động giáo dục.
Trao đổi với báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân cho biết, thời gian tới sẽ điều chỉnh định hướng phát triển trường chuyên để thực sự đây là nơi ươm mầm nhân tài.
Theo đó, xây dựng và phát triển các trường chuyên thành một hệ thống cơ sở giáo dục trung học có chất lượng giáo dục cao, đạt chuẩn quốc gia.
Đưa các trường chuyên thực sự đi đầu trong việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới và các chủ trương đổi mới giáo dục phổ thông.
Xây dựng các trường chuyên thành hình mẫu của các trường trung học phổ thông về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và tổ chức, quản lý các hoạt động giáo dục ở mỗi địa phương.
Có các kế hoạch cụ thể là tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường chuyên giai đoạn 2018-2020 và các năm tiếp, trong đó ưu tiên mở rộng diện tích mặt bằng tối thiểu đạt 15 m2/học sinh; đầu tư xây dựng các trường chuyên đảm bảo đạt chuẩn chất lượng mức độ cao nhất, có chất lượng giáo dục ngang tầm với các trường trung học tiên tiến trong khu vực, quốc tế.
Tiến hành rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, thầy cô giáo và nhân viên để có kế hoạch tuyển dụng.
Chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên đầu đàn, cốt cán về hoạt động chuyên môn trong hệ thống trường chuyên và các trường trung học phổ thông khác; đồng thời, đổi mới và tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, tin học và ngoại ngữ cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên trường chuyên.
Bỏ thi học sinh giỏi các cấp, trường chuyên lớp chọn trá hình sẽ hết đất sống |
Về phương thức tuyển sinh, thi học sinh giỏi, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ bổ sung, hoàn thiện quy định về sàng lọc học sinh các trường chuyên để hàng năm, từng học kỳ có thể tuyển chọn bổ sung những học sinh có năng khiếu thực sự và chuyển những học sinh không đủ điều kiện học trong các trường chuyên ra các trường trung học phổ thông khác.
Đồng thời, xem xét, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù đối với nhà trường, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh các trường chuyên như bổ sung các chính sách ưu tiên đối với thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy các môn chuyên, giáo viên có học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế và tỷ lệ đỗ đại học cao; chính sách thu hút giáo viên chất lượng cao tham gia giảng dạy trong các trường chuyên, đặc biệt là giáo viên nước ngoài tham gia dạy ngoại ngữ.
Bổ sung, hoàn thiện các chính sách phù hợp đối với những học sinh có năng khiếu nổi bật, đạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế như: chế độ học bổng, học vượt lớp, cử đi đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học có uy tín ở nước ngoài.
Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi về hợp tác quốc tế giữa các trường chuyên với các cơ sở giáo dục nước ngoài.
Khuyến khích, tạo điều kiện để các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp đầu tư phát triển trường chuyên.
Mục tiêu, kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quá rõ ràng, là tiếp tục củng cố, đầu tư phát triển mô hình trường chuyên trong thời gian sắp đến.
Trong khi đó nhiều chuyên gia giáo dục, nhà giáo, phụ huynh và học sinh lại không ủng hộ, đồng tình với sự tồn tại tiếp tục mô hình trường chuyên trong giai đoạn hiện nay.
Tám góp ý tâm huyết cho Luật Giáo dục sửa đổi, Tiến sỹ Vũ Thị Hương, Đại học sư phạm Hà Nội đăng trên Báo Giáo dục và Thời đại ngày 13/1, trong đó có ý kiến đề nghị Luật Giáo dục sửa đổi và Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xóa bỏ hẳn mô hình trường chuyên, vì nó làm gia tăng tình trạng dạy học thêm tràn lan và mất công bằng trong giáo dục phổ thông.
Mới đây, tại buổi tọa đàm lấy ý kiến của học sinh về dự thảo luật Giáo dục sửa đổi do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, em Thúy Hiền, học sinh lớp 11 Văn Trường trung học phổ thông chuyên Hà Nội Amsterdam đã nêu quan điểm không đồng ý tồn tại hệ thống trường công lập chất lượng cao dù ở tỉnh thành nào.
“Tại sao lại có sự phân biệt khi cùng học ở trường công mà có học sinh lại được học chất lượng cao hơn còn học sinh khác thì không?”, Hiền đặt câu hỏi.
Học sinh này cũng bày tỏ lo lắng về sự tồn tại của trường chuyên với mục tiêu đào tạo nhân tài cho đất nước, nhưng liệu mục tiêu này có đạt được không khi học sinh tốt nghiệp trường chuyên chủ yếu đi du học hoặc học tiếp lên đại học và đi làm không đúng với môn chuyên ở trường phổ thông?
Không muốn nuôi "gà chọi", nhiều người đồng tình bỏ trường chuyên |
Một học sinh khác của lớp chuyên văn đề nghị: “Tại sao không giải quyết vấn đề này bằng cách nhà nước đầu tư vào các trường công lập để tất cả các trường đều là trường chất lượng cao chứ không nên phân biệt trường công chất lượng cao, trường thì không”.
Phụ huynh Nguyễn Sơn ở thành phố Hồ Chí Minh đặt vấn đề: “Trong toàn bộ học sinh ở mọi cấp học, mọi quy mô luôn có tốp dẫn đầu, tốp ở giữa và tốp đi sau về năng lực học tập và rèn luyện.
Không thể lấy nguồn lực xã hội (còn hạn hẹp) để đầu tư quá lớn cho tốp dẫn đầu mà từ đó bớt đi nguồn lực cũng như cơ hội học tập của những học sinh còn lại, nếu cứ làm như thế là không công bằng, là bất bình đẳng về cơ hội tiếp cận với nền tảng giáo dục tốt hơn của số đông học sinh.
Bấy lâu nay hiệu quả xã hội của trường chuyên lớp chọn đã có đóng góp gì cho sự phát triển của đất nước?
Các giải thi học sinh giỏi đạt được (cấp trường, địa phương, quốc gia, khu vực, Quốc tế) có xứng với những gì mà xã hội đã bỏ ra?
Việc luyện thi để vào trường chuyên lớp chọn có lợi cho ai? Hệ quả nó là gì? Học sinh học ở đó - học tiếp lên cao rồi đi làm cho ai? Đóng góp gì cho đất nước?
Nên xem xét thấu đáo mô hình trường chuyên lớp chọn để có cách thức bồi dưỡng nhân tài khác, thiết thực và hiệu quả hơn”.
Với 6 bài viết liên quan đến mô hình trường chuyên, lớp chọn trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, tôi đã từng chỉ rõ những bất cập, yếu kém, biến tướng, lãng phí và hậu quả khôn lường của việc duy trì mô hình trường chuyên, lớp chọn ở các địa phương hiện nay.
Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể không lắng nghe những tiếng nói, tâm tư đầy tâm huyết của những người trong cuộc và dư luận xã hội về mô hình trường chuyên, lớp chọn.
Theo tôi, đã tới lúc, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương hãy sớm kết thúc “sứ mệnh” của trường chuyên, lớp chọn đi.
Đừng củng cố, đầu tư thêm nhiều nguồn lực, tiền bạc vào đó làm chi nữa, chỉ toàn thấy “lợi bất cập hại” mà thôi.