Chưa nâng được lương thì hãy cải thiện môi trường làm việc cho người thầy

16/01/2019 06:48
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Giáo viên trông mong các cuộc họp hành của trường, của tổ mình diễn ra ngắn gọn nhưng đầy đủ nội dung, mọi người đều thực hiện tốt.

LTS: Trước những vất vả, khó khăn của người giáo viên, tác giả Sông Trà đã đưa ra những đề xuất nhằm giảm tải những áp lực này cho các thầy cô.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Tôi rất tán đồng với ý kiến, quan điểm của tác giả Nguyễn Cao trong bài viết: “Tăng lương nhà giáo vẫn là một câu chuyện…rất dài” đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Đúng, việc tăng lương cho đội ngũ nhà giáo (trên 1,2 triệu người) trong thời điểm hiện nay là vô cùng nan giải, khó trở thành hiện thực. Bởi, bộ máy sự nghiệp, hành chính công quá công kềnh.

Có đến gần 11 triệu người (cán bộ, công chức, viên khác và các đối tượng chính sách khác) đang hưởng “bầu sữa” từ ngân sách Nhà nước; tình trạng lãng phí, tham nhũng trong đầu tư công diễn ra phổ biến, chưa được quản lý hiệu quả…

Do vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục cần tạo ra những môi trường, điều kiện thuận lợi nhất để giáo viên không còn bị áp lực, vất vả nữa mà thật sự phấn khởi, hăng say làm việc, gắn bó với nghề.

Cần cải thiện môi trường làm việc cho người thầy (Ảnh minh họa: vtv.vn).
Cần cải thiện môi trường làm việc cho người thầy (Ảnh minh họa: vtv.vn).

Từ khi lên làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Phùng Xuân Nhã từng nhiều lần khẳng định sẽ giảm áp lực, cắt bỏ những cuộc thi, hội thi, hồ sơ, sổ sách, sáng kiến kinh nghiệm không cần thiết cho đội ngũ nhà giáo.

Nhưng đến nay, tình trạng bội thực họp hành, hồ sơ, sổ sách, sáng kiến kinh nghiệm, các cuộc thi, hội thi vẫn còn đó.

Đội ngũ giáo viên đang trông mong vào một môi trường làm việc, giáo dục như thế nào?

Bãi bỏ quy định phải làm và nộp sáng kiến kinh nghiệm theo Nghị định 56, 88 và 92 của Chính phủ đối với cán bộ, giáo viên và nhân viên được đánh giá, phân loại mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở.

Bởi vì số lượng sáng kiến quá nhiều song hiệu quả, tác động và tính thực chất của nó gần như chẳng có gì. Chỉ gây lãng phí, tốn tiền bạc, công sức của giáo viên.  

Hội thi giáo viên dạy giỏi, hội thi chủ nhiệm giỏi các cấp nên bỏ hẳn quy định về sáng kiến kinh nghiệm và phần kể chuyện. Chỉ cần 1 bài thi về chuyên môn và 2 tiết dạy ở trên lớp, dạy không báo trước.

Đi thi theo tinh thần tự nguyện, tự giác của giáo viên, các nhà trường tuyệt đối không được ép buộc, áp đặt, làm khó giáo viên.

Chưa nâng được lương thì hãy cải thiện môi trường làm việc cho người thầy ảnh 2Cán bộ quản lý giáo dục ngập đầu với làm hồ sơ, báo cáo...

Ở các cơ sở giáo dục, các thầy cô giáo đang phải tốn đến hai lần họp, hai lần làm loại hồ sơ, biểu mẫu, đánh giá, phân loại công chức, viên chức trong tháng 12 năm dương và đánh giá, phân loại chuẩn nghề nghiệp giáo viên vào cuối năm học. Nó đang gây lãng phí và làm mỏi mệt thầy cô giáo.

Cần thống nhất, gộp lại, tổ chức, đánh giá 1 lần trong năm như các lĩnh vực, ngành nghề khác. Nhà trường có đặc thù riêng, hoạt động theo năm học nên đánh giá, phân loại cán bộ, giáo viên vào cuối năm học là hợp lý nhất.

Hồ sơ giáo viên bộ môn chỉ yêu cầu: giáo án, sổ điểm cá nhân, sổ dự giờ và một số kế hoạch, giáo viên chủ nhiệm có thêm sổ chủ nhiệm.

Thực tế hiện nay, nhiều Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo và nhà trường lại hay “vẽ” ra đủ loại hồ sơ, sổ sách để “hành” giáo viên.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ học tin trong quản lý điểm (theo phần mền Smas), thay sổ liên lạc truyền thống (giáo viên chủ nhiệm phải ghi) bằng sổ liên lạc điện tử miễn phí hoặc cập nhật các thông tin về học sinh lên trang điện tử của trường để phụ huynh theo dõi, nắm bắt.

Thăng hạng giáo viên bằng cách xét quá trình công tác, đóng góp, thành tích của giáo viên. Chấm dứt việc cấp các loại chứng chỉ: tin học, ngoại ngữ và nghiệp vụ thăng hạng và tổ chức thi thăng hạng giáo viên đang khiến nhiều giáo viên đảo điên, bất bình….

Hai đề xuất mới nhất, giáo viên trung học phổ thông phải có bằng thạc sỹ và giáo viên phải có chứng nhận hành nghề cũng bị giáo viên và dư luận xã hội phản đối gay gắt, vì nó làm gia tăng bệnh sính bằng cấp đồng thời nảy sinh thêm nhiều rắc rối và tiêu cực.

Họp hành nhiều, họp hành nói dai, nói dài…coi giáo viên như học sinh là bệnh cố hữu của không ít ban giám hiệu hiện nay.

Chưa nâng được lương thì hãy cải thiện môi trường làm việc cho người thầy ảnh 3Họp hành nhiều khiến giáo viên ám ảnh, khiếp sợ

Giáo viên trông mong các cuộc họp hành của trường, của tổ mình diễn ra ngắn gọn nhưng đầy đủ nội dung, mọi người đều thực hiện tốt.

Trước hết, hiệu trưởng, lãnh đạo nhà trường cần đi tiên phong trong việc cải cách hành chính. Nhiều thông tin, nội dung, tài liệu có thể gởi qua email nội bộ, giáo viên tự tìm đọc, nghiên cứu và làm chứ không nhất thiết phải triển khai bằng hết trong những cuộc họp.

Giáo viên chán nản, bức xúc nhất với bệnh thành tích, bệnh giả dối, áp đặt chỉ tiêu thi đua…hoành hành dữ dội trong ngành giáo dục bao nhiêu năm nay.

Lỗi chính tại các cấp quản lý giáo dục hám thành tích, thích khoe mẽ. Chính các cấp quản lý giáo dục phải tự  thay đổi tư duy, nhận thức đến hành động thực tiễn để nền giáo dục, để từng nhà trường, để các thầy cô giáo được dạy thật, các em được học thật, kiểm tra, thi cử thật.

Giải quyết, tháo dỡ được một số tồn tại, bất cập, nhiêu khê cơ bản nêu trên, chắn chắn đội ngũ thầy cô giáo sẽ càng tâm huyết, trách nhiệm, an tâm với nghề “trồng người” hơn, dẫu cho chế độ lương bổng, đời sống vật chất hiện tại của nhiều nhà giáo còn khiêm tốn, khó khăn.

Tất cả đều nằm trong khả năng, quyền hạn của các cấp quản lý giáo dục từ cơ sở giáo dục đến Bộ Giáo dục và Đào tạo.

SÔNG TRÀ