Sự việc một số học sinh không được đến lớp học trong thời gian nhà trường tổ chức thi giáo viên dạy giỏi ở Hải Phòng đã làm dư luận dậy sóng.
Nhiều người phản đối quyết liệt căn bệnh thành tích và yêu cầu cần chấm dứt ngay Hội thi giáo viên dạy giỏi trong ngành giáo dục hiện nay.
Có nên duy trì Hội thi giáo viên dạy giỏi? (Ảnh minh họa vtv.vn) |
Không phải đến bây giờ nhiều người mới đồng loạt đề nghị bỏ Hội thi giáo viên dạy giỏi trong ngành giáo dục. Bởi, cách tổ chức, cách thi mang nặng tính hình thức và ẩn chứa nhiều gian dối.
Sáng kiến kinh nghiệm thì ăn cắp lẫn nhau. Các tiết dạy minh họa, được chuẩn bị công phu bởi một lực lượng cốt cán hùng hậu của trường.
Thế nên mới nói dạy thì ít mà “diễn” thì nhiều. Dẫn đến tình trạng giáo viên giỏi “giả” và chất lượng không cao.
Nhiều giáo viên mang danh giáo viên dạy giỏi nhưng thực chất không được mọi người công nhận. Những tồn tại trên, không phải Bộ Giáo dục không biết.
Trong buổi làm việc ngày 17/12, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ với giáo viên tỉnh Yên Bái, Bộ trưởng đã khẳng định sẽ tiếp tục cắt giảm tối đa các cuộc thi, đề xuất sửa quy định về sáng kiến kinh nghiệm.
Thi giáo viên giỏi ở Hải Phòng, sao lại yêu cầu "học sinh khác" ở nhà? |
Thế nhưng đến thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa đưa ra ý kiến về việc có tiếp tục hay dừng việc tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp trong ngành giáo dục.
Và như thế, ngay thời điểm này, ngành giáo dục ở các địa phương vẫn đang rầm rộ tổ chức cùng lúc 2-3 Hội thi giáo viên dạy giỏi.
Đó là hội thi từ cấp trường, cấp huyện thị đến cấp tỉnh. Giáo viên vẫn đang quay cuồng chuẩn bị mọi chuyện và bắt đầu “biểu diễn”.
Học sinh thì được trang bị “từ chân tơ đến kẽ tóc”. Từ đồ dùng dạy học cho tiết dự thi đến việc mớm bài, gà bài, việc tập dợt học thử hết tiết này đến tiết khác…
Muốn bỏ hội thi giáo viên dạy giỏi, trước hết Bộ Giáo dục cần bãi bỏ Thông tư số 59/2012/TT-BGDĐT
Dù Hội thi giáo viên dạy giỏi mang đến nhiều bất cập, nhưng không phải muốn bỏ là bỏ ngay được. Nếu bỏ hội thi này sẽ lấy đâu tỉ lệ giáo viên dạy giỏi để các trường lên chuẩn hoặc giữ chuẩn quốc gia?
Thông tư số: 59/2012/TT-BGDĐT do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển kí năm 2012 ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá, công nhận trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu, trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia.
Thông tư 59/2012/TT-BGDĐT quy định rõ:
Đánh giá trường tiểu học được chia làm ba mức độ:
1. Trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu;
2. Trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1;
3. Trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Đổi mới phương pháp hiện chỉ để diễn lúc thao giảng và thi giáo viên dạy giỏi |
Từng mức độ chuẩn, có quy định riêng về tỷ lệ giáo viên dạy giỏi các cấp.
Cụ thể: Trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu phải có ít nhất 40% giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường.
Trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 phải có ít nhất 50% giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường.
Trong đó ít nhất 20% giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi cấp huyện trở lên; không có giáo viên yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ.
Trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 phải có ít nhất 60% giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường.
Trong đó ít nhất 30% giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi cấp huyện trở lên, không có giáo viên yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ.
Những chỉ tiêu về tỉ lệ giáo viên dạy giỏi được quy định trong Thông tư số: 59/2012/TT-BGDĐT cũng chính là áp lực để nhiều trường học hiện nay bằng mọi giá phải có đủ tỉ lệ giáo viên dạy giỏi cho việc công nhận và giữ chuẩn quốc gia.
Xóa bỏ một số quy định trong Thông tư số 59/2012/TT-BGDĐT góp phần xóa bỏ áp lực cho nhiều trường học cũng như cho chính giáo viên.