Đổi mới phương pháp hiện chỉ để diễn lúc thao giảng và thi giáo viên dạy giỏi

12/01/2019 07:20
Trương Như Đệ
(GDVN) - Đừng hỏi giáo viên cần làm gì để đổi mới phương pháp dạy học mà phải hỏi các nhà quản lí giáo dục cần làm gì mới thỏa đáng.

LTS: Phương pháp dạy học truyền thống đã bộc lộ những hạn chế, tuy nhiên, liệu giáo viên, các nhà quản lí giáo dục đã sẵn sàng để thay đổi phương pháp dạy học không?

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết của tác giả Trương Như Đệ về vấn đề này.

Phương pháp dạy học truyền thống, thầy giảng, trò tiếp thu, trò "nhai lại", học thuộc, làm bài tập, trả bài cho thầy thông qua kiểm tra miệng, kiểm tra viết là phương pháp chủ đạo trong các nhà trường phổ thông từ trước đến nay và có lẽ còn dài dài.

Vậy thì, lâu nay ngành giáo dục hô hào đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực hoá đối tượng, thầy thiết kế, trò thi công, tương tác thầy - trò, dạy người học tự khám phá, tìm tòi kiến thức... không lẽ thành công dã tràng!

Không công dã tràng thì cũng là công cốc.

Giáo viên có sẵn sàng để đổi mới phương pháp dạy học. Ảnh minh hoạ: TTXVN
Giáo viên có sẵn sàng để đổi mới phương pháp dạy học. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Đổi mới phương pháp chỉ “diễn” lúc thao giảng, thi giáo viên dạy giỏi

Lúc đó thầy cô phải đóng vai để thể hiện, để được đánh giá xếp loại.

Công sức thời gian đầu tư cho 1 tiết thao giảng mất vài ngày, cho 1 tiết thi giáo viên dạy giỏi phải tính bằng đơn vị tuần.

Bởi vậy, nếu không phải “diễn”, liệu giáo viên có muốn thay đổi phương pháp dạy học không? 

Hai lí do chủ yếu khiến thầy cô chưa sẵn sàng

Sĩ số học sinh mỗi lớp quá đông

Đổi mới phương pháp hiện chỉ để diễn lúc thao giảng và thi giáo viên dạy giỏi ảnh 2Thái Bình tổ chức thao giảng về đổi mới phương pháp dạy học

Mỗi lớp chật ních 40, 50 học sinh, thậm chí nhiều hơn.

Thầy cô nào can đảm tổ chức cho học sinh đóng vai, thảo luận nhóm, khám phá, thi công, tiếp cận kiến thức...

Lớp học không thành cái chợ, mới tài. Thôi thì cứ lệnh cho chúng ngồi im, nghe giảng, đọc cho mà chép... Cho lành!

Cách kiểm tra, thi

Các hình thức kiểm tra, thi vẫn "ngàn năm thương hoài một bóng hình xưa", kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút, kiểm tra 1 tiết, kiểm tra học kì, thi tốt nghiệp. Chủ yếu là trả bài cho thầy.

Giáo viên dày dạn kinh nghiệm chiến trường, để học sinh có điểm số cao, họ chọn lọc kiến thức trọng tâm, bắt học sinh ghi chép, luyện tập, biên soạn hệ thống câu hỏi, hệ thống bài tập, giải mẫu, mớm cho học sinh. 

Học sinh cứ thế, cứ thế... Điểm kiểm tra, điểm thi bảo đảm an toàn. Cần gì đổi với mới!

Đó là chưa nói đến phương pháp đổi mới có thể bị búa rìu dư luận, bị xã hội ném đá tơi bời như trường hợp dạy tiếng Việt không bắt đầu từ kí tự mà bắt đầu từ âm (phương pháp Công nghệ giáo dục của Hồ Ngọc Đại) đã từng xảy ra.

Vậy thì, đừng hỏi giáo viên cần làm gì để đổi mới phương pháp dạy học mà phải hỏi các nhà quản lí giáo dục cần làm gì mới thỏa đáng.

Và, theo người viết bài này, những việc các nhà lãnh đạo, quản lí giáo dục cần làm là:

Giảm sĩ số học sinh trên lớp

Đổi mới phương pháp hiện chỉ để diễn lúc thao giảng và thi giáo viên dạy giỏi ảnh 3Phương pháp dạy học mới thay đổi ở vỹ mô, chưa thấm sâu vào trường học

Mỗi lớp không nên quá 30 học sinh. Giáo viên hết nhiệm vụ "giữ trẻ". Họ sẵn sàng đầu tư đổi mới phương pháp.

Nghiên cứu thay đổi hình thức kiểm tra, thi truyền thống

Một khi không còn áp lực điểm số đánh giá học sinh để thông qua đó đánh giá giáo viên, sản phẩm kết quả giảng dạy không phải điểm số mà là một sản phẩm giáo dục cụ thể của người học. 

Khi đó thầy cô sẵn sàng tham gia đổi mới phương pháp nếu không muốn bị đào thải.

Tất nhiên cũng phải dày công tuyên truyền để có được sự thấu hiểu của xã hội.

Trương Như Đệ