Bộ trưởng yêu cầu không vội vàng giải thể, sáp nhập các trường sư phạm

16/01/2019 06:00
Thùy Linh
(GDVN) - "Trong giai đoạn Bộ đang sắp xếp mạng lưới các trường sư phạm, tôi đề nghị các địa phương không giải tán, không sáp nhập các trường", Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.

Cả nước hiện có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng và 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên. Trong đó, có 14 trường đại học sư phạm, 40 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm.

Tình trạng nhiều các trường sư phạm “trắng” thí sinh, liên tục xét tuyển bổ sung, các ngành sư phạm chất lượng cao cũng chỉ một vài sinh viên “mặn mà”... khiến nhiều trường rơi vào cảnh khó khăn.

"Trong giai đoạn Bộ đang sắp xếp mạng lưới các trường sư phạm, tôi đề nghị các địa phương không giải tán, không sáp nhập các trường", Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh. (Ảnh minh họa: VTV)
"Trong giai đoạn Bộ đang sắp xếp mạng lưới các trường sư phạm, tôi đề nghị các địa phương không giải tán, không sáp nhập các trường", Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh. (Ảnh minh họa: VTV)

Thậm chí, ngay cả trong văn bản kiến nghị với Thủ tướng về việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên và sắp xếp hợp lý các trường sư phạm, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng đã nêu rõ: 

Mùa tuyển sinh 2018, Bộ giảm 33% chỉ tiêu tuyển sinh các ngành sư phạm (từ 52.000 còn 35.000). 

Có những trường giảm khá sâu, như Đại học sư phạm Huế 37,5%, Đại học sư phạm Thái Nguyên 31,4%, Đại học sư phạm Hà Nội 21%, Đại học Phạm Văn Đồng 73%, Đại học Cần Thơ 46,3%, Cao đẳng sư phạm Hà Giang 73%, Cao đẳng sư phạm Bắc Ninh 66%... 

Tuy vậy, trừ một vài trường sư phạm có bề dày chuyên môn đang trụ ở thành phố lớn, số còn lại rất khó khăn để tuyển đủ chỉ tiêu.

Bộ trưởng yêu cầu không vội vàng giải thể, sáp nhập các trường sư phạm ảnh 2Hiệp hội gửi Thủ tướng những kiến nghị về vấn đề quy hoạch các trường sư phạm

Trên thực tế, trước tình hình khó khăn trong tuyển sinh đầu vào, vài năm gần đây, một số địa phương đã tự tìm giải pháp bằng cách sáp nhập trường cao đẳng sư phạm vào khoa sư phạm của một trường đại học khác trên địa bàn. Tuy nhiên, đây chỉ là con số ít ỏi và cũng chỉ là cách làm mang tính tình thế.

Lý giải nguyên nhân của hiện tượng trên, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, thực chất là do thiếu sự quản lí ở cấp vĩ mô. Do đó, cần sớm quy hoạch lại khối trường sư phạm để giảm bớt khó khăn cho người học và tránh lãng phí cho xã hội.

Thậm chí, nhiều người còn khẳng định, việc quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên là việc làm cấp bách, càng sớm càng tốt nhằm hình thành các cơ sở đủ mạnh, đào tạo có chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục đất nước đặc biệt khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Được biết, việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện theo hướng: các trường đại học có chất lượng cao, có uy tín sẽ được chọn làm trường sư phạm trọng điểm, các trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động để trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm này. 

Toàn bộ chương trình đào tạo của các trường sư phạm sẽ được chuẩn hóa và sử dụng đồng bộ trong toàn hệ thống để đảm bảo chất lượng đào tạo giáo viên ở các nơi được đồng nhất. 

Về vấn đề này, lãnh đạo nhiều trường cao đẳng sư phạm băn khoăn rằng, các trường cao đẳng sư phạm có nằm trong mạng lưới các trường sư phạm hay sẽ bị giải thể, sáp nhập. 

Khẳng định tại hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới diễn ra ngày 9/1 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Phùng Xuân Nhạ cho rằng:

“Trong giai đoạn Bộ đang sắp xếp mạng lưới các trường sư phạm, tôi đề nghị các địa phương không giải tán, không sáp nhập các trường để chúng ta có đầy đủ mạng lưới trường sư phạm trọng điểm và mạng lưới vệ tinh ở các vùng nhằm đảm bảo công tác đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên cho từng địa phương”. 

Thùy Linh