Theo tổng hợp quỹ tiền lương và số lượng cán bộ, công chức, viên chức; số lượng người lao động theo hợp đồng lao động và các đối tượng khác tính đến ngày 31/12/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy:
Tổng thu nhập bình quân nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đối với các cơ sở giáo dục mầm non phổ thông công lập do Nhà nước đảm bảo 100% chi thường xuyên dao động trong khoảng từ 3 đến 10 triệu đồng tùy thuộc vào thâm niên công tác của giáo viên.
Lương giáo viên hiện nay được chia làm 3 mức:
Mức thấp tập trung chủ yếu ở số giáo viên mới ra trường.
Mức thu nhập trung bình tập trung ở số giáo viên công tác được khoảng từ 15 đến 25 năm.
Mức thu nhập cao tập trung ở số giáo viên đã công tác được khoảng trên 25 năm.
Cụ thể với giáo viên đã công tác được 25 năm thì mức lương dao động từ 9.183.720 đồng (giáo viên mầm non/tiểu học) tới 10.171.200 đồng (giáo viên Trung học cơ sở) và 10.876.320 đồng (giáo viên Trung học phổ thông và giảng viên đại học).
Với mức thu nhập này, theo phân tích của Ban Tuyên giáo Trung ương, lương của giáo viên cao hơn lương của bác sĩ, chuyên viên các cơ quan nhà nước, và chỉ đứng sau lực lượng vũ trang.
Tuy nhiên, khi góp ý về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này, Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng:
“Tôi đề xuất lương giáo viên được xếp ngang với lương của lực lượng vũ trang chứ không chỉ cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”.
Hoàn toàn đồng tình với quan điểm này của Giáo sư Trần Hồng Quân, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, trong xã hội hiện nay, nhiều công việc bên cạnh giờ hành chính thì nhân viên vẫn có thể làm thêm việc nọ việc kia để tăng thêm thu nhập.
Tuy nhiên, đối với nghề giáo, ngoài giờ lên lớp thì giáo viên phải soạn bài, chấm bài thậm chí đến nhà học sinh trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập của con cái họ để thực hiện mối tương tác giữa gia đình – nhà trường – xã hội.
Theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ, để có được giáo dục tốt thì trước tiên lương của giáo viên phải tương xứng để họ làm đúng, toàn tâm toàn ý cống hiến cho ngành. (Ảnh: Thùy Linh) |
“Nếu làm đúng chức năng, nhiệm vụ thì toàn bộ thời gian của nhà giáo chỉ làm tốt công tác giáo dục mà thôi”, thầy Nhĩ nói.
Cống hiến, tận tâm là vậy nhưng mức lương hiện nay khiến đời sống giáo viên gặp nhiều khó khăn, thầy Nhĩ nêu minh chứng, một giáo viên mầm non, tiểu học tốt nghiệp cao đẳng, đại học ra trường mà thu nhập chỉ vỏn vẹn 3-4 triệu đồng/ tháng.
“Mức lương ấy làm sao giáo viên sống nổi. Chính vì vậy mới có chuyện nhà giáo phải làm nhiều điều mà xã hội gọi là “chân trong, chân ngoài” rồi dạy ở lớp thì lơ là, dạy nhà là chính… tất cả những điều này khiến giáo dục lộn xộn”, thầy Nhĩ nhận định.
Do đó, để có được giáo dục tốt thì trước tiên lương của giáo viên phải tương xứng để họ làm đúng, toàn tâm toàn ý cống hiến cho ngành.
Phải tăng lương cho thầy cô để loại bỏ phong bì, dạy thêm |
“Tôi đề xuất lương giáo viên ít nhất phải bằng lương của lực lượng vũ trang”, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ đề xuất.
Hơn nữa, theo thầy Nhĩ, thầy giỏi thì mới dạy được trò giỏi do đó khi chế độ đãi ngộ tốt sẽ khuyến khích được người giỏi vào ngành sư phạm và xứng đáng “giáo dục là quốc sách hàng đầu”.
Trước đó, nội dung "xếp lương giáo viên cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp" đã được đưa vào những dự thảo đầu tiên của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục, nhằm thể chế hóa Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.
Tuy nhiên sau đó đã bị bỏ ra khỏi dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, do Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đều không đồng ý.