Tăm tối tìm con chữ
Nằm bên rìa khu chợ, dưới chân cầu Long Biên huyền thoại, xóm Gầm cầu (phường Phúc Xá, quận Long Biên, thành phố Hà Nội) nép mình trong những chồng đống của các loại rác thải, bao bì, thùng xốp, túi nilon.
Nơi đây là trốn ngụ cư của người tứ xứ ở khắp mọi nơi đổ về để làm thuê.
Con ngõ sâu hun hút ngổn ngang những cảnh đời chật vật. Người nhặt phế liệu, người khuân vác, kẻ làm cửu vạn.
Vất vả trăm bề nhưng tiền công chẳng đủ ăn. Người lớn vất vả thì trẻ con bị bỏ bẵng âu cũng là thường tình.
Xóm Gầm cầu là nơi cư trú của những người lao động nghèo (Ảnh: Vũ Ninh) |
Những đứa trẻ nơi đây theo cha mẹ đi làm ăn nhếch nhác và tội nghiệp. Miếng ăn còn phải lần hồi thì lấy đâu ra chuyện được đi học.
Trẻ con phần lớn phải nghỉ học ở nhà phụ cha mẹ. Đứa lớn thì đi làm thuê kiếm tiền, đứa nhỏ thì ở nhà trông em hoặc quanh quẩn bên những con gà, con chó và 4 bức tường.
Cô Lê Thị Hoa, một người gắn bó với xóm gầm cầu 15 năm tâm sự: "Trẻ con ở đây hầu hết là không được đi học vì nhà quá nghèo.
Ở quê thì không có ai chăm, cho nên bố mẹ chúng mới cho lên đây.
Người lớn không biết chữ thì lấy đâu ra trẻ con được đi học. Tội nghiệp lắm nhưng cũng chẳng biết làm thế nào cả.
Đi học trên đây học phí thì cao rồi lấy ai đưa đi đón về, chăm bẵm. Nhiều đứa đang đi học ở quê lên đây toàn phải bỏ giữa chừng".
Ước mơ được đến trường của hai học sinh 8 tuổi tại Quảng Nam |
Lời tâm sự thỏ thẻ của cô Hoa bị ngắt quãng bởi những tiếng chửi tục, những giọng nói xô bồ và ồn ào của những người khác.
Cô chép miệng: "Đấy em thấy ở đây dân trí thấp, chủ yếu là người lao động quanh năm đi làm thuê, ai thuê gì thì làm đấy.
Môi trường như thế thì bảo sao bọn trẻ nó ngoan được. Nhiều khi thấy chối tai tôi cũng nhẹ nhàng góp ý nhưng đều bị gạt đi.
Mình thấy vậy cũng chẳng nói làm gì nữa".
"Tôi cũng chỉ cố cho em nó sống được ngày nào thì sống"
Trong những mảnh đời bất hạnh bên rìa chân cầu Long Biên, nhắc đến mẹ con cô Nguyễn Thị Động, Nguyễn Thị Thảo ai cũng cảm thấy xót xa.
Khu nhà trọ tăm tối và ẩm thấp là thế nhưng cô Động vẫn nhất quyết không bật đèn vì sợ tốn điện.
Chúng tôi gặp cô Động khi cô vừa tan ca làm về. Xới vội bát cơm, mâm cơm chỉ có độc một món duy nhất là bắp cải luộc.
Cô Nguyễn Thị Động xót xa tâm sự về gia cảnh (Ảnh: Vũ Ninh) |
Tủi phận thế nào, nước mắt cô chảy dài khóe mắt, cô tâm sự: "Cô được hai mụn con, đứa thứ hai là Thảo.
Bố Thảo thì bỏ đi từ ngày Thảo còn bé. Ở quê không bấu víu được vào đâu hai mẹ con mới lên đây.
Cô ngày đi làm, tối về cơm nước cho em. Bản thân cô cũng chỉ nghĩ sống được ngày nào thì lo cho em chứ cô mất đi thì em không biết trông cậy vào ai, sống được tất cả thì cô cũng mừng.
Thảo nhà cô bị tim bẩm sinh từ nhỏ, sức khỏe yếu hay lên cơn đau tim nên không làm được gì. Hoàn cảnh mình nó thế mình phải chịu.
Trước đây Thảo có ở nhà với ông bà ngoại. Sau này ông bà ngoại mất thì cô đưa Thảo lên đây.
Em bị tim bẩm sinh nhưng cũng không có tiền chạy chữa nên để đến tận bây giờ.
Những lúc em lên cơn đau tim thì cô cũng chỉ biết ra hiệu thuốc gần đây mua mấy liều chứ không có tiền để cho em mổ tim".
Thầy giáo khuyết tật Phạm Văn Sơn đầy nghị lực, tâm huyết với nghề |
Cô Động cùng em Thảo thuê một căn nhà trọ chỉ khoảng 10 mét vuông tồi tàn, rách nát nhất của khu ổ chuột xóm gầm cầu.
Trong căn phòng trọ chỉ đủ kê một chiếc giường ngoài ra không có một vật gì đáng giá.
Hằng ngày cứ 10 giờ đêm cô Động lại quẩy gánh ra khu chợ Long Biên, ai thuê gì thì làm lấy.
Cô cho biết mỗi lần bốc hàng, gánh hàng đến còng lưng cũng chỉ được có 7.000 đồng/1 chuyến.
Một đêm thu nhập của cô cũng chỉ rơi vào khoảng từ 70.000 -100.000 đồng. Gánh nặng mưu sinh đè nặng lên đôi vai người mẹ tần tảo.
Điều cô nuối tiếc nhất trong đời là không cho Thảo được học hành đến nơi, đến chốn. Sức khỏe Thảo yếu, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, neo người không có ai đưa đón.
Thảo học ở trường huyện đến năm lớp 3 thì phải cho nghỉ ở nhà. Tâm sự với phóng viên, cô Động chua xót:
"Điều khiến cô day dứt nhất trong cuộc đời này đó chính là không cho Thảo được ăn học đến nơi đến chốn.
Bản thân cô không biết chữ đã thấy thiệt thòi rồi, bây giờ đến Thảo cũng không được ăn học đàng hoàng.
Nhiều hôm nhìn con cặm cụi viết nhật ký nước mắt cô cứ chảy ra. Mặc dù không biết chữ nhưng cô cảm nhận được Thảo rất yêu thơ văn, rất muốn được đi học".
Bữa cơm của 2 mẹ con chỉ có một món ăn duy nhất là bắp cải luộc (Ảnh: Vũ Ninh) |
Đam mê cháy bỏng với con chữ, thơ văn
Những dòng chữ nắn nót trên trang nhật ký diễn tả một khát vọng cũng như niềm đam mê với con chữ đặc biệt là thơ văn. Thảo lấy cho chúng tôi xem những tập vở mà em nâng niu, trân trọng.
Mẹ đi làm, ở nhà một mình. Nếu là những đứa trẻ khác thì có thể tiêu khiển bằng điện thoại, máy tính hay tivi.
Thế nhưng thú vui duy nhất của Thảo đó là viết văn, làm thơ. Em có một cuốn vở trong đó là những bài cảm nhận, bài thuyết minh về các tác phẩm văn học, truyện ngắn và những nhà thơ, nhà văn Việt Nam.
Đối với một đứa trẻ bất hạnh như Thảo, thơ văn chính là thứ ánh sáng cho cuộc đời em.
Khát vọng và ước mơ cháy bỏng của em là được tiếp tục đi học và trở thành nhà văn, nhà thơ.
Sáng tác thơ, văn là thú vui duy nhất của Thảo (Ảnh: Vũ Ninh) |
Thảo tâm sự: "Do hoàn cảnh gia đình và sức khỏe yếu em không thể đến trường được như các bạn.
Em thường xuyên bị lên cơn đau tim, đi lại rất khó khăn cho nên việc đi học phải dừng lại. Điều này khiến em rất hối tiếc.
Bản thân em chỉ mong muốn làm sao có thể tiếp tục được đi học. Mong ước của em là trở thành một nhà văn hoặc nhà thơ để có thể viết lên ước mơ của mình.
Năm vừa rồi em được đi học ở lớp học tình thương 19-5 tại Phúc Xá. Ở đây em thấy có rất nhiều các bạn có hoàn cảnh khó khăn như mình.
Đây là động lực cho em tiếp tục có niềm tin vào cuộc sống cũng như tiếp tục học hành, theo đuổi ước mơ làm nhà văn, nhà thơ".
Bằng nỗ lực và niềm say mê thơ văn của mình cho nên mặc dù chỉ học hết lớp 3 nhưng Thảo vẫn có thể tự sáng tác một số bài thơ, truyện ngắn. Trong nhật ký của em có đoạn:
"Ai cũng có một niềm đam mê hăng say nhưng để có được thành công và sự phát triển phải mạnh mẽ cố gắng vượt qua mọi khó khăn và thử thách.
Em cảm ơn các thầy cô trong trường đã nâng cao những niềm đam mê, hăng say của em và em sẽ cố gắng đưa nét văn hóa truyền thống đất nước ta hiện nay.
Em sẽ phát triển những khả năng của bản thân mình và cố gắng mạnh mẽ, vượt qua những thăng trầm và hy sinh vì mọi người xung quanh".
Những dòng chữ nhỏ nhắn của Thảo cũng là lời muốn nói của rất nhiều trẻ em không được đi học. Thế mới thấy khát vọng được học tập, được giáo dục dù bất cứ ai, bất cứ hoàn cảnh nào đều đáng quý vô cùng.