Năm 1954, sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, hòa bình lập lại ở miền Bắc nước ta, cũng là lúc chàng trai trẻ Hà Minh Đức, 19 tuổi, từ quê nhà Thanh Hóa ra Hà Nội nhập học ngành Ngữ văn tại trường Đại học Sư phạm.
Những năm tháng đại học, cậu sinh viên ấy may mắn được học các giáo sư uyên bác, các nhà văn hóa lớn, và cũng là những người Thầy mẫu mực, tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm, hết lòng yêu thương học trò như Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn, Đặng Thai Mai, Trần Văn Giầu, Hoàng Xuân Nhị, Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Nguyễn Lương Ngọc...
Sự kính yêu, biết ơn đối với những người Thầy đã dạy dỗ mình và niềm xúc cảm với những người bạn học, sau này cũng trở thành đồng nghiệp, thành những giáo sư đại học đáng kính, đã thôi thúc Giáo sư Hà Minh Đức cầm bút ghi lại những dòng bút ký về chân dung những người Thầy.
Các bài viết đã rải rác đăng trên nhiều báo, và nay được tập hợp lại, in trang trọng trong cuốn “Cõi học và người Thầy” do Nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành.
Và ngày 15/11, Khoa Báo chí và Truyền thông, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức tọa đàm giới thiệu tác phẩm này của Giáo sư Hà Minh Đức.
Được biết, đây là tập bút ký thứ 10 của Giáo sư Hà Minh Đức, sau các tập ký:
- Vị giáo sư và ân sỹ đường (1998),
- Ba lần đến nước Mĩ (2000 - 2007 - 2009),
- Tản mạn đầu ô (2002 - 2003),
- Đi một ngày đàng (2004),
- Người của một thời (2009),
- Nước Nga - vàng thu, miên man tuyết trắng (2010 - 2012),
- "Tài năng và danh phận" (2013),
- Paris, hai mùa thu gặp lại (3014 – 2015),
- Ngàn dặm xa trên xứ người, bút ký về chuyến đi nước ngoài (2015 -2016),
- "Hà Nội - gặp gỡ với nụ cười” (2016).
Ở tập bút ký này, Giáo sư Hà Minh Đức tập trung vào những người mà ông kính trọng và gắn bó với ý thức làm sao tạo dựng được những chân dung, mỗi thầy là một nhân cách, trọng đạo lý chân thiện mỹ,…
Từ những mảnh nhỏ của kí ức, tác giả xâu chuỗi, chắp nối thành những đường nét, dáng hình của từng nhân vật mang cá tính riêng độc đáo.
Ở tập bút ký “Cõi học và người Thầy”, Giáo sư Hà Minh Đức tập trung vào những người mà ông kính trọng và gắn bó với ý thức làm sao tạo dựng được những chân dung, mỗi thầy là một nhân cách, trọng đạo lý chân thiện mỹ (Ảnh: Thùy Linh) |
Các bài viết như: Đặng Thai Mai – trầm lặng và uyên bác, Nguyễn Lương Ngọc – tài trí và đức độ, Chuyện kể còn lại của giáo sư Bùi Văn Nguyên, Mừng thầy Hoàng Xuân Nhị đã lên tên phố, Trần Đức Thảo – một triết gia thông thái, một nhân cách cao đẹp, Nguyễn Khánh Toàn – cõi học và người thầy,.. .
Tất cả đều thấm đẫm tình cảm tri ân cùng sự ngưỡng mộ chân thành của tác giả với những nhà khoa học, những chuyên gia hàng đầu về khoa học xã hội và nhân văn.
Đặc biệt, trong bài viết "Vườn cổ tích của thầy", Giáo sư Hà Minh Đức kể nhiều kỷ niệm về những người thầy mở đầu sự nghiệp học và học dạy đại học của mình.
Những kỷ niệm hầu hết gắn với "thánh đường" của nền Đại học Việt Nam: Giảng đường lớn 19 Lê Thánh Tông Hà Nội.
Và Giáo sư Hà Minh Đức là một trong những người đầu tiên viết sách nghiên cứu về Nam Cao, và là một trong những người đầu tiên đưa ra khái niệm ‘Nhà văn hiện thực” khi nói Nam Cao là cây bút hiện thực xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại.
Cuốn “Nam Cao – đời văn và tác phẩm” của Giáo sư Hà Minh Đức được giới nghiên cứu chú ý và đánh giá cao, được xuất bản khi Thầy mới hai mươi sáu tuổi.
Tập bút ký “Cõi học và Người Thầy’ của Giáo sư Hà Minh Đức là lời tri ân của một học trò đối với các thế hệ Thầy giáo mình.
Theo nhà thơ Hữu Thỉnh: "Giáo sư Hà Minh Đức là sự kết tinh, tinh hoa của một tri thức lớn, am hiểu trên nhiều lĩnh vực.." (Ảnh: Thùy Linh) |
Tới dự buổi ra mắt cuốn sách rất có ý nghĩa, trong không khí hân hoan tưng bừng chào đón ngày Nhà giáo Việt Nam để tri ân các thầy, cô giáo, nhìn về số lượng tác phẩm, các thể loại mà Giáo sư Hà Minh Đức đã viết, nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam ngưỡng mộ rằng:
“Tất cả những gì được học, được biết, được sống với Giáo sư Hà Minh Đức cho phép tôi nói rằng, Giáo sư Hà Minh Đức là một trí thức lớn, một nhà giáo lớn, một nhân cách mẫu mực của tri thức Việt Nam, một cây đại thụ của nền lý luận phê bình văn học hiện đại.
Có thể nói, Giáo sư Hà Minh Đức là sự kết tinh, tinh hoa của một tri thức lớn, am hiểu trên nhiều lĩnh vực...”.
Ngần ấy câu từ chưa thể nói hết về sự nghiệp của Giáo sư Hà Minh Đức nhưng cũng đủ để độc giả biết rằng, Giáo sư Hà Minh Đức vừa là một nhà phê bình, nghiên cứu văn học danh tiếng, vừa là một nhà thơ, nhà văn có nhiều tác phẩm chạm vào trái tim, lay động xúc cảm của độc giả.
Hơn hết cả, Giáo sư Hà Minh Đức là một nhà giáo uyên bác mà tận tâm, dung dị, đã để lại cho biết bao thế hệ học trò tấm gương mẫu mực về người Thầy của cuộc đời mình.